Vì sao đại chiến Đức - Tây Ban Nha đặc biệt?

Trong hành trình lên đỉnh cao của Tây Ban Nha, Đức luôn xuất hiện như bại tướng. Ở chiều ngược lại, Tây Ban Nha đáng ngạc nhiên lại chưa từng là vật cản.

Đấy chỉ là một trong nhiều thứ biến trận tứ kết Euro 2024 trở nên đặc biệt. Dưới góc nhìn của giới mộ điệu, đây xứng đáng là trận chung kết của giải đấu khi lối chơi của cả hai thuộc dạng thuyết phục nhất trong số các ông lớn. Dưới góc nhìn lịch sử, đây là cuộc đấu chứa đầy hận thù, đặc biệt với người Đức.

Mối liên hệ đặc biệt Đức - Tây Ban Nha

Nếu phải chọn ra kình địch vĩnh viễn của tuyển Đức tại châu Âu, đó phải là Italy với những thất bại tại World Cup 1970, 1982 lẫn 2006. Song ở kỷ nguyên bóng đá hiện đại, khi Italy sa sút không phanh với sự xuống dốc của Serie A, Tây Ban Nha mới là đối thủ ngăn cản Đức tới những vinh quang.

Giải đấu đánh dấu bước ngoặt của bóng đá Tây Ban Nha, Euro 2008, ghi nhận Đức trở thành bại tướng của La Fuja Roja trong trận chung kết. Đấy là một cuộc đấu tương đối ngang tài ngang sức, nhưng sai lầm của Philipp Lahm trước Fernando Torres đã buộc người Đức nhận thất bại đầu tiên sau 32 năm ở chung kết Euro. Người Đức coi trận thất bại này cay đắng vì họ không thể nghĩ đây là giải đấu lớn cuối cùng của ông vua không ngai, Michael Ballack.

Hai năm sau, khi Đức chơi một kỳ World Cup hay bậc nhất lịch sử, Tây Ban Nha một lần nữa cản đường với chiến thắng 1-0 ở bán kết. Lần này, cách biệt còn sít sao hơn khi người ghi bàn quyết định cho Tây Ban Nha từ một tình huống không chiến, trung vệ Carles Puyol thấp hơn gần như cả hàng phòng ngự Đức.

Người Đức tới giờ vẫn tiếc nuối trận thua này khi cho rằng nếu Thomas Mueller không nhận thẻ vàng vô duyên trong chiến thắng 4-1 trước Anh ở tứ kết, hàng công với Mesut Oezil, Miroslav Klose, Thomas Mueller và Lukas Podolski hoàn toàn đủ khả năng đánh sập hệ thống tiki-taka trứ danh của Vicente Del Bosque.

Tới World Cup 2014, thời điểm Đức lên ngôi vô địch, TBN lại thua tan nát và bị loại ngay vòng bảng. Song người Đức thực tế cũng đã “nhờ” Tây Ban Nha không ít trong hành trình trở lại đỉnh cao thế giới. Sự xuất hiện của Pep Guardiola tại Bayern Munich đã thay đổi phần nào cách vận hành của Die Mannschaft tại World Cup 2014. Đức kiểm soát bóng tốt hơn, lì lợm hơn và bảo vệ thành quả cực tốt với 6 trong số 11 cầu thủ ra sân ở chung kết là học trò của Pep tại Bayern.

Đến tận ngày nay, dấu ấn Tây Ban Nha tại Đức vẫn tương đối rõ ràng. 5 trong số 11 cầu thủ của Đức ra sân trong trận thắng 2-0 trước Đan Mạch tại vòng 1/8 từng là học trò của Pep. Đức cơ bản chơi kiểm soát bóng với những dấu ấn của lối chơi định hướng vị trí rất Tây Ban Nha: Toni Kroos luôn đứng ngang hàng với hai trung vệ, Kai Havertz tiếng là trung phong nhưng thi đấu nhiều lúc như tiền vệ, Ilkay Guendogan luôn sẵn sàng nhập thành để dứt điểm ghi bàn.

Nhìn lại quá khứ và nhìn vào hiện tại để thấy Đức và Tây Ban Nha ngoài hận thù còn có những điểm chung thế nào.

Căng thẳng từ khâu chuẩn bị

Đều không được đánh giá nằm trong nhóm những đội mạnh nhất giải, song Đức và Tây Ban Nha đang là hai tập thể chơi ấn tượng nhất. Sức trẻ của hàng công, lối chơi giàu tính tập thể cùng tư duy luôn hướng tới khung thành đối phương trở thành những lý do biến trận tứ kết trên sân MHP Arena trở thành cuộc đấu được kỳ vọng sau vòng ⅛ tương đối tẻ nhạt.

Marca, nhật báo hàng đầu của xứ sở bò tót, mới đây đã thực hiện ngay cuộc phỏng vấn với Dani Olmo, cầu thủ khoác áo số 10 của Tây Ban Nha đang chơi tại Đức cho Leipzig. Olmo từng làm việc với HLV Julian Nagelsmann tại Leipzig và tiết lộ “nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của Leipzig và Bayern lúc này tại tuyển Đức”. Tiền vệ này cũng cho biết Nagelsmann luôn có những cách “tạo bất ngờ” cho đối thủ.

Không hẹn mà gặp, tờ Bild (Đức) lại làm rõ sự cẩn trọng của Nagelsmann trước trận cầu khó nhất kể từ đầu Euro. Nhà cầm quân này yêu cầu LĐBĐ Đức (DFB) đảm bảo an ninh tối đa ở trung tâm huấn luyện của đội tuyển. Không phóng viên nào, kể cả của chính nước chủ nhà, được phép ghi hình. Cảnh sát cưỡi ngựa thường xuyên đi kiểm tra quanh sân vốn được bảo vệ bởi hàng rào điện.

Không chỉ hình ảnh, âm thanh cũng bị xử lý. Cách thức của đội ngũ an ninh Đức rất đặc biệt. Bất kỳ phóng viên nào bén mảng tới trại tập luyện của Đức đều ngay lập tức bị đội ngũ an ninh bật nhạc âm lượng lớn và đi theo ngay phía sau. Mục đích để đảm bảo các phương tiện ghi âm bị nhiễu loạn, từ đó ngăn cản các phóng viên thu âm được các chỉ dẫn của HLV Nagelsmann (vốn nổi tiếng ồn ào) cho cầu thủ.

Nagelsmann đang muốn có nhiều thời gian nhất có thể để rèn luyện chiến thuật cho các học trò. Die Mannschaft của ông đã suýt thua trước Đan Mạch, bị Thụy Sĩ dẫn trước tới phút chót. Tất cả đều cho thấy thực tế: tuyển Đức chưa toàn diện tại Euro 2024, rất khác với Tây Ban Nha áp đảo toàn bộ đối thủ đội bóng này gặp kể từ đầu giải. Bài toán “Cuồng phong đỏ” vì vậy không đơn giản với Đức.

Xuyên suốt lịch sử, Tây Ban Nha chưa từng thắng được đội chủ nhà tại các VCK Euro. Còn lần cuối cùng Đức thắng được Tây Ban Nha tại một giải đấu chính thức là từ Euro 1988. Một trong hai cái dớp này buộc phải chấm dứt sau cuộc đấu thượng đỉnh đêm 5/7 (giờ Hà Nội).

Việt Nhật

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-dai-chien-duc-tay-ban-nha-dac-biet-post1484516.html