Vì sao đại dự án Bảo tàng Hà Nội qua chục năm vẫn dang dở?

Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội thông tin, dự kiến đến tháng 6/2022 mới có thể hoàn thiện được Bảo tàng Hà Nội.

Mới đây, tại cuộc làm việc của Thường trực Thành ủy Hà Nội với Sở VH&TT Hà Nội, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà thông tin, dự án Bảo tàng Hà Nội kéo dài từ năm 2008 đến nay, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc cần được tháo gỡ, giải quyết.

Cụ thể, theo ông Đà, dự án Bảo tàng Hà Nội gồm 2 phần, một là phần xây lắp, hai là phần nội dung trưng bày, triển lãm. Năm 2012, sau khi xây dựng xong, Bảo tàng được chuyển giao cho Sở Văn hóa tiếp nhận, mở cửa đón khách tham quan. Dự án cũng được bàn giao cho Sở văn hóa, nhưng Sở gặp rất nhiều khó khăn để triển khai. Năm 2017, dự án được giao về cho Bảo tàng Hà Nội làm chủ đầu tư.

“Theo quyết định của UBND thành phố, Bảo tàng Hà Nội làm chủ đầu tư của dự án. Từ năm 2019 đến nay, Bảo tàng đã giải quyết được 5 vấn đề chính để kiện toàn toàn bộ dự án. Đến nay, dự án đã xong toàn bộ phần nội dung và phần thiết kế”, ông Đà nói.

Theo ông Đà, dự án Bảo tàng Hà Nội sau khi điều chỉnh theo Quyết định 1207, tổng mức đầu tư là 711 tỷ, giảm so với tổng mức đầu tư năm 2015 là 15 tỷ. Ông Đà cũng cho biết, dự án sau khi đi vào các nội dung chi tiết, dự kiến sẽ giảm 10% tổng mức đầu tư 711 tỷ.

Liên quan đến nội dung trưng bày, ông Đà cho biết, có 3 nhóm chuyên gia thực hiện, thiết kế tổng thể do một tập đoàn của New Zealand thực hiện, phần thiết kế chi tiết, từ năm 2014 – 2016 do một nhóm chuyên gia Nhật Bản thực hiện.

“Về câu chuyện Bảo tàng chưa về đích được, nguyên nhân là khi xây dựng đề cương kịch bản trưng bày năm 2008 – 2009, đã xây dựng kịch bản văn học của Bảo tàng, chứ chưa phải kịch bản chi tiết, nên khi chuyên gia đến thì không có hiện vật”, ông Đà lý giải.

Giám đốc Bảo tàng Hà Nội thông tin thêm, hiện nay Bảo tàng đang sở hữu trên 70.000 tài liệu, hiện vật. “Trước đây thiết chế văn hóa của Bảo tàng Hà Nội chưa được quan tâm, chưa chủ động đi sưu tầm hiện vật. Chuyên gia Nhật Bản sang không thể thực hiện được phần trưng bày. Chủ đề 4 câu chuyện về nghìn năm Hà Nội thì chuyên gia Nhật Bản bó tay, không thực hiện được”, ông Đà nói, đồng thời cho biết, sau đó Hà Nội đã giao cho Bảo tàng Hà Nội thực hiện, và nêu rõ, chỉ có Bảo tàng mới thực hiện được.

Ông Đà nêu, từ năm 2017, Bảo tàng Hà Nội được giao làm Chủ đầu tư dự án Bảo tàng Hà Nội, trong khi Ban giám đốc Bảo tàng chỉ có 2 người. “Tôi cũng mất ngủ mấy đêm vì phải làm chủ đầu tư của dự án hơn 700 tỷ. Chúng tôi chỉ say mê việc sưu tầm hiện vật để kể câu chuyện về Hà Nội, chứ việc làm chủ đầu tư thì bó tay quá. Lúc đó, Ban quản lý dự án Bảo tàng cũng được chuyển về Bảo tàng Hà Nội”, ông Đà thông tin.

Theo ông Đà, trong 3 năm qua, Bảo tàng đã hoàn thành 100% việc sưu tầm hiện vật. Toàn bộ câu chuyện về chủ đề, 24 tiểu chủ đề đã “yên tâm”, có 100% tư liệu, hiện vật. Có những tư liệu hiện vật như đầu tàu hơi nước ở Gia Lâm, Bảo tàng cũng đã ký nhận, "tới đây chuyển giao về Bảo tàng". Nhiều hiện vật có giá trị tiền tỷ, Bảo tàng cũng đã kêu gọi xã hội hóa, chuyển về bảo tàng.

Ông Đà chỉ băn khoăn về việc “làm chủ đầu tư”. Theo ông, Ban dự án được chuyển giao về Bảo tàng Hà Nội, thành ra đơn vị cấp 2 thuộc Sở, giờ lại là một đơn vị trực thuộc đơn vị cấp 2 của Sở. Hơn nữa, Ban quản lý dự án hiện nay "rất hoàn cảnh". Nhiều người đã xin nghỉ, chỉ còn 4 người, trong đó có người tai biến, có người xin nghỉ, không đi làm, người sắp về hưu…

“Nếu như thành phố vẫn quyết để Bảo tàng Hà Nội làm chủ đầu tư thì kiến nghị UBND thành phố nên điều động các viên chức của các sở như Tài chính, Xây dựng, KH&ĐT để giúp Bảo tàng thực hiện dự án”, ông Đà nói.

Theo ông Đà, dự án đang nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các chuyên gia nước ngoài, chuyên gia trong nước. “Chúng tôi cố gắng đến tháng 6/2022 mới khánh thành được”, ông Đà nói.

Trường Phong

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/vi-sao-dai-du-an-bao-tang-ha-noi-qua-chuc-nam-van-dang-do-1803001.tpo