Vì sao đám đông chen nhau di tản ở sân bay Kabul chỉ toàn đàn ông?

Hỉnh ảnh tràn ập trên báo chí truyền thông và mạng xã hội những ngày qua là cuộc chạy đua di tản tìm đường rời khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hầu hết những người kéo tới sân bay Kabul để tìm đường rời khỏi đất nước là đàn ông, trong khi phụ nữ mới là những người chịu nhiều rủi ro nhất nếu Taliban lên nắm quyền.

Hầu hết trong số hơn 600 người Afghanistan chen chúc trên khoang máy bay vận tải C-17A của Không quân Mỹ rời Kabul hôm 15-8 đều là đàn ông.

Hầu hết trong số hơn 600 người Afghanistan chen chúc trên khoang máy bay vận tải C-17A của Không quân Mỹ rời Kabul hôm 15-8 đều là đàn ông.

Ảnh: AFP

Vì sao như vậy?

"Phụ nữ đâu hết rồi?", là câu hỏi được đặt ra trên mạng xã hội Twitter sau khi xuất hiện một bức ảnh được lan truyền rộng rãi, chụp lại cảnh hàng trăm người Afghanistan chen chúc trên khoang máy bay vận tải C-17A của Không quân Mỹ rời Kabul hôm 15-8.

"Không có nhiều phụ nữ được nhìn thấy xuất hiện tại sân bay Kabul hôm 16-8, khi đám đông đổ xô tới đường băng trong nỗ lực tuyệt vọng để tìm cách rời khỏi đất nước", BBC đưa tin. Có đến 99% những người trong bức ảnh ở sân bay Kabul là đàn ông", BBC dẫn nguồn tin một người dùng Twitter cho biết.

Khi xem những bức ảnh chụp người dân tìm cách trốn chạy khỏi Afghanistan, nhiều người thừa nhận có sự chênh lệch đáng kể giữa tỷ lệ đàn ông và phụ nữ.

Theo Washington Post, nguyên nhân của tình trạng này rất phức tạp chứ không đơn giản như những cáo buộc cho rằng, đàn ông bỏ rơi người phụ nữ của họ khi tìm cách bỏ trốn khỏi Kabul. Thực tế trong đa phần các trường hợp tị nạn, đàn ông là những người đi trước, và sẽ sắp xếp mọi thứ để vợ con tìm được nơi an toàn trong tương lai.

Đám đông đổ xô đến sân bay Kabul để sơ tán hầu hết là đàn ông. Ảnh: AFP

Xét trên quy mô toàn cầu, khoảng 50% người phải rời bỏ nhà cửa là phụ nữ. Tị nạn không phải là một phương án dễ dàng lựa chọn cho tất cả mọi người.

Trở thành một người tị nạn đồng nghĩa với việc phải vượt qua biên giới các nước và đối mặt với nhiều vấn đề khác. Đây là một hành trình gian khổ, nguy hiểm và tốn kém. Với nhiều gia đình, họ đơn giản là không có đủ tiền cho chuyến hành trình gian này này.

Vì vây, thay vì tất cả thành viên gia đình cùng bỏ chạy, lựa chọn khả thi hơn cả là tập trung mọi nguồn lực, thậm chí phải vay khoản nợ lớn, để chi trả cho 1 người có thể đi trước một cách an toàn đến nơi họ có thể xin cấp quy chế tị nạn, làm việc, và sau đó đưa những người còn lại trong gia đình cùng sang.

Ở những nơi vẫn tồn tại tình trạng bất bình đẳng giới như Afghanistan, đàn ông sẽ là người được cử đi tị nạn, sau đó họ sẽ hỗ trợ các thành viên còn lại rời đi, Trong suốt nhiều năm, phụ nữ Afghanistan đã đối mặt phân biệt đối xử và bị gạt ra bên lề xã hội. Tình trạng này nhiều khả năng sẽ càng tồi tệ hơn khi Taliban nắm quyền một lần nữa

Phụ nữ Afghanistan thường không có kỹ năng, kinh nghiệm hay tiền bạc để tìm được con đường rời khỏi đất nước. Họ sống phụ thuộc vào các thành viên nam trong gia đình và chỉ có thể tị nạn sang nước khác bằng hình thức đoàn tụ.

Khi Taliban giờ đã kiểm soát Afghanistan, phụ nữ càng đối mặt nhiều rủi ro hơn. Nhưng việc một mình bỏ trốn khỏi nhà cũng chứa đựng đầy hiểm nguy. Vì vậy, lựa chọn tối ưu nhất vẫn là để những người đàn ông gánh trách nhiệm tị nạn trước vẫn là lựa chọn của số đông.

Khả Anh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_248418_vi-sao-dam-dong-chen-nhau-di-tan-o-san-bay-kabul-chi-toan-dan-ong-.aspx