Vì sao dân không chịu di dời khỏi chung cư nứt toác, chờ sập ở TP.HCM?
Dù rất lo lắng khi chung cư ngày càng nứt toác, xuống cấp trầm trọng, nhưng các cư dân 440 Trần Hưng Đạo vẫn không chịu di dời.
Chung cư 440 Trần Hưng Đạo (đường Trần Hưng Đạo, Phường 11, Quận 5, TP.HCM) có quy mô gồm 1 trệt, 1 lửng, 2 lầu, sân thượng và mái bê tông cốt thép. Chung cư này được xây dựng trước năm 1975, hiện đã xuống cấp trầm trọng nhưng vẫn là nơi cư trú của 32 hộ gia đình.
Theo đánh giá của Sở Xây dựng TP.HCM, chung cư 440 Trần Hưng Đạo mặc dù nhìn kết cấu bên ngoài có cảm giác chắc chắn, nhưng hiện trạng bên trong và tổng thể đang nguy hiểm, khả năng sụt lún rất cao.
Sở Xây dựng đánh giá mức độ nguy hiểm là nhà cấp D, tức là khả năng chịu lực của kết cấu không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, có khả năng đổ sập bất cứ lúc nào, nguy hiểm đến tính mạng người dân. Công trình thuộc diện nhà chung cư nguy hiểm cần phải di dời, phá dỡ khẩn cấp theo quy định.
Trước tình trạng nguy hiểm này, UBND TP.HCM đã yêu cầu di dời khẩn cấp những hộ dân tại đây. Các hộ dân ở chung cư này sẽ dời đến tạm cư tại quỹ nhà 23 căn hộ tại cao ốc An Phú (số 961, đường Hậu Giang, Quận 6) để cơ quan chức năng tháo dỡ.
Thế nhưng, ghi nhận thực tế của PV VTC News ngày 8/9, dù được thông báo chung cư xuống cấp nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng, cần di dời khẩn cấp, nhưng các hộ dân tại đây vẫn dửng dưng.
Các hộ dân ở tầng trệt, sát với mặt tiền, việc kinh doanh vẫn diễn ra như thường ngày. Theo các hộ dân này, lượng khách không giảm so với trước đây.
Cụ Lương Thị Anh (70 tuổi) cho biết: "Tôi sống ở đây 42 năm rồi. Về thông báo di dời thì nghe nhiều lắm, nhưng cứ nghe nói rồi lại thôi chứ có thấy làm thật đâu. Bởi vậy, lần này xem tivi có thông tin di dời thì chúng tôi cũng chỉ nghe thế, khi nào có người đến nói chuyển đi hẵng hay. Quen rồi, đêm nào nằm cũng nghe nhà rung lắc, cứ xe chạy ngang là nhà lại rung, dần rồi thành quen".
Theo cụ Anh, dù biết chung cư nguy hiểm, nhưng chưa được chính quyền đến thông báo rõ phương án đền bù và di dời đi đâu nên chưa ai dám đi. Ngoài ra, nếu chuyển đi thì không đủ tiền để thuê căn hộ khác theo giá hiện tại nên đành bằng lòng sống chung với nguy hiểm.
"Nói đi thì nghe đơn giản lắm, nhưng bao nhiêu là vấn đề có phải nói là làm được đâu. Tôi sống cả đời người ở đây rồi con tôi cũng ở đây, giờ bảo di dời thì phải nói rõ đền bù như thế nào với chúng tôi, chứ không nói rồi chúng tôi đi đâu ở", cụ Anh thắc mắc.
Chung suy nghĩ với cụ Anh, bà Trần Hiên Nhạn, một cư dân sống lâu năm tại đây cho biết, nỗi lo lắng vì chung cư xuống cấp không chỉ một vài người, mà tất cả các cư dân tại đây đều lo lắng.
"Tường nứt toác, trần nhà dột, nhà rung lắc... vậy thì ai mà chẳng sợ. Tuy nhiên, không phải chúng tôi cố chấp đâu, mà vì chúng tôi chờ đợi thông tin chính thức từ chính quyền thôi. Chứ như chúng tôi hiện tại, di dời khỏi đây thì tiền đâu mà thuê căn hộ giá thị trường bây giờ. Chúng tôi rất mong chính quyền sớm có phương án đền bù rõ ràng, khi có rồi thì chúng tôi sẵn sàng đi ngay", bà Nhạn cho hay.
Về vấn đề này, trả lời PV, ông Nguyễn Hồng Minh - Chủ tịch UBND Phường 11 (Quận 5) cho biết, hiện thành phố đã có văn bản chỉ đạo di dời, và phường đang thực hiện theo đúng trình tự và sẽ có mức bồi thường cũng như phương án di dời người dân trong thời gian sớm nhất.
Được biết, UBND TP.HCM yêu cầu việc giải quyết tạm cư, tái định cư cho người dân phải đảm bảo tính minh bạch, công khai, tránh phát sinh so bì, khiếu nại của các hộ dân. Trường hợp có vướng mắc, khó khăn, UBND Quận 5 cần xin ý kiến của Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành phố để xem xét trước khi bố trí sử dụng.