Vì sao đầu đạn Avangard của Nga khiến Mỹ lo ngại

Tổng thống Nga Putin đã một lần nữa nhắc lại việc nước này sở hữu những loại vũ khí hiện đại nhất, chưa từng có, vượt trội về sức mạnh, uy lực, tốc độ và độ chính xác; đồng thời tiết lộ tác giả của vũ khí lượn siêu vượt âm Avangard, 1 trong 6 vũ khí chiến lược của Nga.

Đầu đạn siêu thanh bay với tốc độ của thiên thạch

Trong một cuộc họp trực tuyến hôm 19/9 với kỹ sư tên lửa Herbert Efremo, cha đẻ của vũ khí siêu vượt âm Avangard, Tổng thống Nga Putin một lần nữa nhắc lại việc nước này sở hữu những loại vũ khí hiện đại nhất, vượt trội về sức mạnh, uy lực, tốc độ và độ chính xác. Việc phát triển vũ khí siêu thanh, theo ông Putin, là biện pháp tự vệ sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) vào năm 2002, cùng với việc nước này triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược.

Trước đó, vào ngày 1/3/2018, ông Putin đã xướng danh Avangard là 1 trong 6 vũ khí chiến lược mới của Nga.

Avangard được coi là phương tiện lượn siêu vượt âm đầu tiên được chế tạo thành công trên thế giới.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa MR-UR-100 được sử dụng để mang đầu đạn Avangard lên quỹ đạo. Nguồn: RussianSpaceWeb.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa MR-UR-100 được sử dụng để mang đầu đạn Avangard lên quỹ đạo. Nguồn: RussianSpaceWeb.

Avangard bắt đầu được thử nghiệm vào tháng 2/2015, sử dụng các tên lửa đạn đạo liên lục địa UR-100UTTKh, R-36M2, được thiết kế để vượt qua mọi hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo đã được biết hoặc đã được lên kế hoạch của Hoa Kỳ.

Ngày 1/3/2018, Tổng thống Nga Putin tuyên bố Avangard đã hoàn tất thử nghiệm và bắt đầu được sản xuất hàng loạt

Trong lần bắn thử vào 26/12/2018, từ bãi thử Dombarovsky, miền nam Nga, Avangard đã đánh trúng mục tiêu giả định cách địa điểm phóng 6.000 km ở bãi thử Kura tại bán đảo Kamchatka. Bộ trưởng Yury Borisov công bố, Avangard đã đạt vận tốc gốc 27 lần tốc độ âm thanh (33.000 km/h), tốc độ của một thiên thạch, khiến nó trở nên "không thể bị đánh chặn".

 Hệ thống tên lửa siêu thanh Avangard chuẩn bị khởi động. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga/EPA-EFE.

Hệ thống tên lửa siêu thanh Avangard chuẩn bị khởi động. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga/EPA-EFE.

Việc bay trong lớp khí quyển với tốc độ siêu vượt âm sẽ tạo ra ma sát cực lớn, nhiệt độ bề mặt của Avangard có thể lên đến hơn 2.000 độ C, đủ để nung chảy cả sắt thép; và đó là một vấn đề khi chế tạo vũ khí này.

Trong một bài phát biểu vào năm 2018, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yury Borisov cho biết, thách thức khó nhằn nhất trong việc phát triển Avangard chính là chế tạo vây kiểm soát và hệ thống che chắn nhiệt, bảo vệ đầu đạn khi bay với tốc độ cực lớn.

Phần vỏ ngoài của Avangard được chế tạo bằng một vật liệu đặc biệt, tuyệt mật có thể chịu được nhiệt độ cực cao, kết hợp với lớp cách nhiệt đảm bảo an toàn cho các thiết bị bên trong. Đây là thành tựu công nghệ vật liệu mà chưa nước nào đạt được khi đó.

Sức mạnh vô đối!

Tên lửa đạn đạo UR-100N UTTH sẽ mang đầu đạn Avangard bay vào quỹ đạo, dự kiến ở độ cao khoảng 100 km thì lập tức sẽ có 3-6 đầu đạn Avangard được tách ra và bay đến mục tiêu được chỉ định.

Avangard không bay theo quỹ đạo cố định mà có thể lượn và thay đổi quỹ đạo liên tục, nên không thể tính toán trước đường bay của nó.

"Tàu lượn" siêu vượt âm Avangard. Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga.

"Tàu lượn" siêu vượt âm Avangard. Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga.

Với khả năng cơ động không thể tính toán trước và tốc độ cực cao Mach 27, việc đánh chặn Avangard gần như là "nhiệm vụ bất khả thi" với các công nghệ phòng không hiện tại.

Avangard có thể tấn công chính xác mục tiêu ở khoảng cách trên 10.000 km. Khi mang nguyên liệu nổ hạt nhân, Avangard có thể đạt sức công phá 2 megatons (2 triệu tấn) thuốc nổ TNT, gấp khoảng 150 lần sức mạnh quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản trong Thế chiến 2.

Còn trong trường hợp mang chất nổ thông thường, động năng của đầu đạn nặng 2 tấn, lao xuống với tốc độ 7 km/giây như Avangard vẫn sẽ đạt tới 98 tỷ jun, tương đương với 21,5 tấn thuốc nổ TNT. Động năng cực lớn này thừa sức phá hủy hoàn toàn cả một tàu sân bay cỡ lớn hoặc hầu hết các công trình kiên cố chỉ với 1 đầu đạn trúng đích.

Phóng tên lửa UR-100UTTKh ICBM, mang theo đầu đạn Avangard HGV, Dombarovsky, 26/12/2018. Nguồn: Mil.ru.

Giám đốc dự án phòng thủ tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) Tomas Karaco, nói với CNBC: "Những loại tên lửa có cánh siêu tốc này đang tấn công những khoảng trống trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Hoa Kỳ. Thật không may, chúng tôi đã chủ quan để Nga đi quá xa".

Trong một báo cáo hôm 18/12/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ thừa nhận, các hệ thống phòng thủ nước này chưa thể đánh chặn các vũ khí siêu vượt âm mà Nga đang sở hữu: "Nga đang tập trung phát triển vũ khí siêu vượt âm. Có một thực tế là tốc độ, tầm bắn và khả năng cơ động cực cao của loại vũ khí này cho phép đánh bại hầu hết các hệ thống phòng thủ tên lửa".

Huy Anh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/vi-sao-dau-dan-avangard-cua-nga-khien-my-lo-ngai-94859.html