Vì sao dâu tây Tây Ban Nha bị tẩy chay
Cuộc xung đột nội bộ ở Tây Ban Nha về việc sử dụng giếng nước của nông dân một vùng tự trị đang trở thành vấn đề quốc tế trong bối cảnh châu Âu đối đầu với khan hiếm nước.
Một cuộc xung đột về sử dụng giếng nước trong nông nghiệp của Tây Ban Nha có nguy cơ hủy hoại một trong những mặt hàng xuất khẩu nổi bật nhất từ nước này trong các siêu thị châu Âu: Dâu tây.
Bộ trưởng Môi trường Tây Ban Nha Teresa Ribera - thuộc đảng Xã hội - hôm 5/6 nói với Financial Times rằng một số nông dân nước này đang đối mặt với “rủi ro thực sự về tiếng tăm” khi một nhóm nhà hoạt động Đức tung chiến dịch tẩy chay cái mà họ gọi là "dâu tây hạn hán".
Khan hiếm nước nghiêm trọng
Tranh chấp bắt nguồn từ dự luật do chính quyền bảo thủ của vùng Andalusia đề xuất, mà các nhà chỉ trích cho rằng sẽ hợp pháp hóa tới 1.000 giếng nước bất hợp pháp được nông dân sử dụng và có nguy cơ rút cạn một trong những vùng đất ngập nước quan trọng nhất của châu Âu - Donãna.
Việc này xảy ra khi tình trạng khan hiếm nước trở thành vấn đề ngày càng nghiêm trọng đối với châu Âu, nơi nhiệt độ đang tăng nhanh hơn bất kỳ lục địa nào khác và căng thẳng gia tăng giữa việc sử dụng nước và câu chuyện bảo vệ môi trường.
Cuộc xung đột đang đẩy cao căng thẳng giữa đảng Xã hội cầm quyền và đảng Nhân dân bảo thủ (PP). Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez đã kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử nhanh vào tuần trước, một ngày sau khi chịu thất bại nặng nề trong các cuộc bỏ phiếu khu vực trước PP - đảng giành chiến thắng ở một số vùng trước đây do đảng Xã hội nắm giữ.
Bộ trưởng Môi trường Ribera, đồng thời là phó thủ tướng, cho biết kế hoạch của Andalucia đang "gây ra sự hoảng loạn". Bà cáo buộc lãnh đạo khu vực tự trị này - ông Juan Manuel Moreno Bonilla - về “sự mơ hồ có tính toán” khi đề xuất nông dân có thể sử dụng tất cả lượng nước họ muốn mà không thừa nhận rằng điều đó sẽ làm cạn kiệt nguồn nước ngầm của Donãna.
Đề xuất này đã khiến Campact, một nhóm hoạt động cánh tả của Đức, kêu gọi các chuỗi siêu thị lớn như Lidl và Aldi ngừng mua sản phẩm được trồng trọt quanh Donãna, một phần của tỉnh Huelva sản xuất trái berry của Andalusia.
Campact tuyên bố Tây Ban Nha đang mạo hiểm với thảm họa để trồng dâu tây giá rẻ cho người tiêu dùng Đức. Một bản kiến nghị trực tuyến do nhóm này đưa ra đã thu hút khoảng 160.000 chữ ký. Sau Đức, quốc gia nhập khẩu dâu tây Tây Ban Nha trị giá 196 triệu euro vào năm ngoái, các thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành này là Anh, Pháp và Italy.
Không đáng bị tẩy chay
Ribera nói rằng bà rất lo ngại trước lời kêu gọi tẩy chay dâu tây. “Các nhà sản xuất dâu tây ở Tây Ban Nha tuân thủ luật pháp, họ không đáng phải chịu rủi ro về uy tín do động thái của ông Moreno Bonilla gây ra”, nữ bộ trưởng nêu rõ.
Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi 35% diện tích Tây Ban Nha - bao gồm Huelva - đang ở rơi vào một đợt “hạn hán kéo dài”, theo chính quyền nước này. Ủy viên môi trường Liên minh châu Âu (EU) Virginijus Sinkevičius, người đang tăng cường sự tập trung của khối vào tình trạng khan hiếm nước, đã đến thăm Donãna vào tháng 4 để thể hiện sự ủng hộ đối với chính quyền Tây Ban Nha trong việc phản đối luật Andalucia.
Chuyến đi của ông nhanh chóng vấp phải sự chỉ trích của đảng Nhân dân châu Âu (EPP), trong đó PP Tây Ban Nha là thành viên. Đảng này cáo buộc ông vận động cho đảng Xã hội.
Sinkevičius, một chính trị gia đảng Xanh của Litva, phản bác những tuyên bố đó. Một phái đoàn liên đảng gồm chín thành viên quốc hội Đức sẽ đến thăm Tây Ban Nha trong tuần này với nhiệm vụ “tìm hiểu sự thật” về Donãna sẽ có các cuộc đàm phán với chính quyền khu vực ở Andalusia và chính quyền trung ương ở Madrid.
Aldi Nord, một tập đoàn hoạt động trải dài ở Tây Ban Nha và miền Bắc nước Đức, cho biết kể từ giữa năm 2022, họ đã yêu cầu tất cả nhà cung cấp rau quả Andalucia phải được chứng nhận theo các tiêu chuẩn về sử dụng nước ngầm và tưới tiêu bền vững.
Đảng PP nói rằng kế hoạch lập pháp của họ được thiết kế để giải quyết các mối quan tâm kinh tế hợp pháp của nông dân bằng cách đảo ngược luật năm 2014 - được thông qua khi đảng Xã hội quản lý Andalusia - chấm dứt việc phân loại một vùng lãnh thổ là đất nông nghiệp và loại bỏ quyền sử dụng nước.
Những người bảo thủ đã tăng tỷ lệ phiếu bầu ở khu vực xung quanh Donãna trong cuộc bầu cử khu vực mới nhất, đang nhận được sự ủng hộ của đảng Vox cực hữu để thay đổi luật. Bất kỳ giếng nào được mở trong khu vực kể từ năm 2014 đều là bất hợp pháp.
Bà Ribera cho biết chính quyền trung ương đã đóng cửa 700 giếng nước như vậy. Tuy nhiên, giới chức trách khó có thể kiểm soát được việc sử dụng những giếng nước đó. Đảng Xã hội cũng bị chỉ trích vì không hành động nhiều hơn để bảo vệ Donãna, kể cả trong giai đoạn cho đến năm 2019 khi đảng này điều hành Andalusia. Ủy ban châu Âu cho biết đề xuất của Andalucia trái với phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu vào năm 2021 yêu cầu Tây Ban Nha hành động.
PP cho rằng dự luật của họ sẽ “không gây hại gì cho tầng chứa nước ở Donãna” mà thay vào đó sẽ cho phép gom nước trên bề mặt. Chính quyền trung ương bác bỏ lập luận đó. Hôm 2/6, PP tuyên bố sẽ cho phép một nhà sinh vật học tiếng tăm, người chỉ trích kế hoạch của họ, điều trần trước cơ quan lập pháp Andalusia.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-dau-tay-tay-ban-nha-bi-tay-chay-post1437379.html