Vì sao đến nay Mỹ mới rút khỏi hiệp định chống biến đổi khí hậu?

Chính quyền Tổng thống Donald Trump thông báo với Liên Hiệp Quốc (LHQ) rằng sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu năm 2015, bước đi chính thức đầu tiên trong quá trình kéo dài một năm để rời khỏi hiệp ước này.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 4-11 đưa ra tuyên bố trên khi khen ngợi việc cắt giảm ô nhiễm carbon của Mỹ và gọi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 là "gánh nặng kinh tế không công bằng" đối với nền kinh tế Mỹ.

Mỹ, một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, sẽ trở thành quốc gia duy nhất rời bỏ hiệp ước, một quyết định mà ông Trump cam kết sẽ giúp thúc đẩy các ngành công nghiệp dầu khí và than của Mỹ. Hồi cuối tháng qua, Tổng thống Trump cho rằng: "Hiệp định Paris sẽ khiến các nhà sản xuất Mỹ phải đóng cửa do những quy định hạn chế quá mức trong khi lại cho phép các nhà sản xuất nước ngoài gây ô nhiễm".

Nhiều người tuần hành kêu gọi chống biến đổi khí hậu. Ảnh: AP

Nhiều người tuần hành kêu gọi chống biến đổi khí hậu. Ảnh: AP

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nhấn mạnh thực hiện chính sách "Nước Mỹ trên hết" chính là không gây tổn hại cho người dân Mỹ và không giúp những quốc gia gây ô nhiễm làm giàu.

Bức thư tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu của Bộ Ngoại giao Mỹ gửi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kích hoạt quá trình rời hiệp ước, dự kiến hoàn thành 1 ngày sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 là ngày 4-11-2020.

Gần 200 quốc gia đã ký thỏa thuận khí hậu nói trên, theo đó mỗi quốc gia đưa ra các mục tiêu riêng để hạn chế lượng khí thải nhà kính dẫn đến biến đổi khí hậu.

Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký hiệp định này, cam kết sẽ cắt giảm 26-28% lượng khí thải nhà kính của Mỹ vào năm 2030 từ mức hồi năm 2005.

Nhưng ông Trump theo đuổi cam kết rút khỏi hiệp định này khi cho rằng nó sẽ làm tổn thương nền kinh tế Mỹ trong khi cho phép các nước gây ô nhiễm lớn khác như Trung Quốc tăng khí thải. Tuy nhiên, trong thời gian qua chính quyền ông Trump đã bị ràng buộc bởi các quy tắc của Liên Hiệp Quốc nên phải chờ đến hôm 4-11 mới chính thức gửi giấy tờ bắt đầu quá trình rút khỏi hiệp định.

Phản ứng trước động thái của chính quyền ông Trump hôm 4-11, các tổ chức môi trường cho biết họ hy vọng Tổng thống Trump sẽ bị đánh bại trong cuộc bầu cử vào năm 2020 bởi một đối thủ sẽ tái gia nhập hiệp định với các mục tiêu mới.

Theo ông Michael Bloomberg, đặc phái viên về chống biến đổi khí hậu của tổng thư ký LHQ, người dân Mỹ phải bầu ra các nhà lãnh đạo sẵn sàng chống biến đổi khí hậu và đặt sức khỏe cũng như sự an toàn của cộng đồng lên hàng đầu.

Xuân Mai (Theo Al Jazeera)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/vi-sao-den-nay-my-moi-rut-khoi-hiep-dinh-chong-bien-doi-khi-hau-20191105082819132.htm