Vì sao dịch Covid-19 không bùng phát mạnh ở đất nước Ấn Độ 1,3 tỷ dân?
Cho tới nay, Ấn Độ - quốc gia đông dân thứ 2 thế giới có vẻ như đã tránh được kịch bản tồi tệ nhất mà nhiều người dự đoán.
Chưa đầy 1 tháng trước, các chuyên gia dự đoán rằng Ấn Độ cần chuẩn bị cho kịch bản sẽ có số ca tử vong do Covid-19 tăng đột biến và thậm chí hệ thống y tế yếu kém của nước này có thể sẽ sụp đổ. Nhiều người lo ngại rằng dịch bệnh sẽ lây lan nhanh như đám cháy rừng ở các khu ổ chuột - nơi mà người dân sống chen chúc nhau trong những căn nhà chật hẹp và xập xệ trong khi các điều kiện vệ sinh cơ bản không được đảm bảo.
Tuy nhiên, cho tới nay, quốc gia đông dân thứ 2 thế giới có vẻ như đã tránh được kịch bản tồi tệ nhất mà nhiều người dự đoán.
Tính đến ngày 29/4, Ấn Độ ghi nhận 31.360 ca mắc Covid-19 trong đó có 1.008 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong do dịch bệnh này là 0,76 trên 1 triệu dân. Trong khi đó con số ở Mỹ là 175.
Các chuyên gia nói rằng, những con số tương đối tích cực của Ấn Độ cho thấy lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chạn Covid-19 đã phát huy tác dụng – ít nhất là cho tới thời điểm này.
“Ấn Độ đã không chờ cho tới khi tình hình trở nên xấu đi. Ngay khi vấn đề nảy sinh, chúng tôi đã cố gắng ngăn chặn bằng cách đưa ra các quyết định nhanh chóng. Tôi không thể tưởng tượng được tình hình sẽ thế nào nếu các quyết định đó không được đưa ra kịp thời”. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định hôm 14/4 khi ông gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc tới 3/5.
Tuy nhiên, thực tế đằng sau những con số của Ấn Độ lại phức tạp hơn nhiều, và các chuyên gia thận trọng rằng vẫn còn quá sớm để Ấn Độ có thể “ăn mừng chiến thắng”.
“Ít nhất là trong giai đoạn này, dịch bệnh đã không gây nhiều tổn thất như người ta từng lo ngại. Nhưng chúng ta vẫn chưa thể nói rằng cuốn sách đã khép lại”, Srinath Reddy, Chủ tịch Tổ chức Y tế Cộng đồng Ấn Độ - một tổ chức phi lợi nhuận về đào tạo, nghiên cứu và chính sách phát triển nhận định.
Phong tỏa toàn quốc từ sớm
Ngày 24/3, Thủ tướng Ấn Độ tuyên bố lệnh phong tỏa kéo dài 3 tuần.
Quy mô của lệnh phong tỏa này là chưa từng thấy. Ấn Độ có 1,3 tỷ dân. Quốc gia duy nhất có dân số lớn hơn – Trung Quốc – cũng chỉ áp lệnh phong tỏa ở cấp độ thành phố, chứ chưa từng áp lệnh phong tỏa toàn quốc.
Đó là một quyết định “đánh cược”. Lệnh phong tỏa đồng nghĩa với việc hàng triệu người lao động thu nhập theo ngày sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu không áp lệnh phong tỏa, hệ thống y tế sẽ có nguy cơ cao.
Có một mô hình dự đoán rằng nếu không có các biện pháp giãn cách xã hội, thì đến tháng 6, Ấn Độ sẽ có khoảng 150 triệu người mắc Covid-19. Ngày 24/4, quan chức hàng đầu phụ trách chiến dịch chống Covid-19 của Ấn Độ cũng nhấn mạnh, nước này có thể có tới hơn 100.000 ca bệnh ở thời điểm này nếu lệnh phong tỏa không được áp đặt từ cuối tháng 3.
Ấn Độ đã ra quyết định phong tỏa tương đối nhanh – ở thời điểm mà nước này mới chỉ ghi nhận 519 ca mắc Covid-19. Italy phải đến khi ghi nhận 9.200 ca mắc mới áp lệnh phong tỏa toàn quốc, còn Anh là ở thời điểm có 6.700 ca mắc.
Ramanan Laxminarayan, Giám đốc Trung tâm Dịch bệnh, Kinh tế và Chính sách - một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhận có văn phòng ở Washington DC và New Delhi - nói rằng quyết định áp lệnh phong tỏa nhanh chóng ngay từ khi số ca mắc còn thấp, đã giúp giảm đáng kể tỷ lệ lây nhiễm bệnh.
Sau lệnh phong tỏa, hàng nghìn lao động nhập cư đã tìm cách rời khỏi các thành phố lớn do các biện pháp hạn chế khiến họ mất việc làm. Điều này khi đó dấy lên lo ngại rằng dòng người di cư có thể làm lây lan dịch bệnh. Một số quan chức bang Uttar Pradesh thậm chí còn phun khử trùng những người lao động hồi hương – một cách tiếp cận không hiệu quả trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Và khoảng 1 tuần sau khi lệnh phong tỏa bắt đầu, đã có 2 ca tử vong ghi nhận ở các khu ổ chuột tại Mumbai. Sau ca tử vong thứ 2, một số thành viên trong gia đình nạn nhân đã được xét nghiệm và phải cách ly tại nhà, đồng thời 300 gia đình và 90 cửa hàng xung quanh nhà của người này cũng bị phong tỏa và giám sát.
Ngày 11/3, Ấn Độ dừng cấp thị thực du lịch, đồng thời tuyên bố tất cả những người đến Ấn Độ nếu đã từng đi qua các vùng dịch trên thế giới trong vài tuần trước đó sẽ phải cách ly ít nhất 14 ngày. Từ 22/3, Ấn Độ dừng tất cả các chuyến bay thương mại quốc tế cũng như dịch vụ đường sắt.
Trong khi ở cùng thời điểm, Mỹ chỉ hạn chế người nước ngoài đến từ Trung Quốc, Iran, một số nước châu Âu nhất định, chứ không ban hành lệnh cấm bao trùm đối với những người nước ngoài nhập cảnh nước này.
Các con số thống kê liệu có thể chưa đầy đủ?
Việc đánh giá về dịch bệnh ở mỗi nước thường dựa vào mức độ chính xác của các số liệu. Và điều đó lại phụ thuộc vào việc xét nghiệm.
Theo Bộ Y tế Ấn Độ, tính đến 26/4, nước này đã tiến hành hơn 625.000 xét nghiệm, nhiều hơn Hàn Quốc – nước được đánh giá cao về quy mô xét nghiệm SARS-CoV-2.
Khi các chuyên gia y tế cộng đồng đánh giá mức độ xét nghiệm của mỗi nước, họ không chỉ nhìn vào con số tổng thể, mà còn nhìn vào tỷ lệ dương tính của các xét nghiệm. Nếu phần lớn các xét nghiệm cho kết quả dương tính, điều đó cho thấy chỉ có các trường hợp mắc bệnh nặng mới được xét nghiệm.
Theo dữ liệu của Bộ Y tế Ấn Độ, khoảng 4% các xét nghiệm ở nước này cho kết quả dương tính. Con số này thấp hơn đáng kể so với 17% ở Mỹ và 21% ở Anh.
Một phương pháp đánh giá hữu ích khác là tỷ lệ tử vong trong số các ca mắc. Ở Ấn Độ, tỷ lệ này là 3%, trong khi ở Italy, Anh, Pháp là 13% (Theo Đại học Johns Hopkins). Điều này cho thấy Ấn Độ xét nghiệm cả những người có triệu chứng vừa và nhẹ chứ không chỉ những người có triệu chứng nặng.
Tuy nhiên, tỷ lệ xét nghiệm của Ấn Độ lại khá thấp khi tính trên đầu người. Chỉ có 48 trong mỗi 100.000 dân được xét nghiệm, trong khi ở Hàn Quốc là 1.175 và ở Mỹ là 1.740.
Samir Saran, Chủ tịch Tổ chức nghiên cứu Người quan sát nói rằng, Ấn Độ đã tích cực tăng cường khả năng xét nghiệm nhưng ông vẫn chưa hài lòng với các con số. Dù các chuyên gia khác nói rằng, việc xét nghiệm rộng rãi trong cộng đồng sẽ là không thực tế và lãng phí các nguồn lực, nhưng theo Saran, đó là điều mà Ấn Độ cần cân nhắc, bởi nước này có nhiều dòng người đi lại giữa các khu vực để làm việc.
Số người tử vong thực tế có cao hơn con số báo cáo?
Ngay cả khi Ấn Độ đang không phải đối mặt với một đại dịch, thì cũng chỉ có khoảng 22% số ca tử vong ở nước này được chứng nhận y khoa. Điều đó có nghĩa là ở phần lớn các trường hợp tử vong, nguyên nhân chính thức dẫn đến cái chết không được bác sỹ chứng nhận.
Đã có bằng chứng cho thấy một số trường hợp tử vong do Covid-19 không được đưa vào con số thông kê.
Một bác sỹ giấu tên, làm việc tại một bệnh viện công ở Mumbai, tuần trước nói rằng, khi các thi thể được đưa tới bệnh viện, họ không được xét nghiệm Covid-19, ngay cả khi các bác sỹ nghi ngờ về nguyên nhân tử vong của những người này.
“Nếu lịch sử cá nhân cho thấy người này từng tiếp xúc với những người dương tính với SARS-CoV-2, chúng tôi sẽ xử lý thi thể theo cách mà chúng tôi làm với những bệnh nhân mắc Covid-19”, bác sỹ giấu tên cho biết.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, ở giai đoạn này, tình hình ở Ấn Độ không giống như đang có sự gia tăng đột biến số ca tử vong do Covid-19.
“Cho dù chúng tôi xét nghiệm không đủ và không phát hiện đủ các ca mắc Covid-19, thì ở Ấn Độ không xảy ra tình trạng các thi thể ‘chất đống’ trong các bệnh viện, các ICU hay các nhà tang lễ”, Saran nói.
Lý do nào dẫn tới sự khác biệt?
Các biện pháp chính sách nhanh chóng của Ấn Độ chỉ nói lên 1 phần câu chuyện. Từ trước khi áp lệnh phong tỏa, Covid-19 đã xuất hiện ở Ấn Độ dù số ca mắc chưa không nhiều.
Ngày 30/1, Ấn Độ ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên – là một sinh viên theo học tại Đại học Vũ Hán, Trung Quốc. Đây cũng là khoảng thời gian mà Anh, Pháp và Italy ghi nhận những ca mắc đầu tiên, mặc dù dịch ở các nước này sau đó đã đi theo những hướng hoàn toàn khác nhau. Cả 3 nước châu Âu hiện giờ đều có trên 100.000 ca mắc.
Các chuyên gia chưa thể khẳng định vì sao dịch Covid-19 lại có chiều hướng khác biệt ở Ấn Độ.
Theo Reddy, một lý do khả thi là Covid-19 phát triển mạnh ở các điều kiện thời tiết lạnh, có nghĩa là dịch bệnh này khó lây lan mạnh ở Ấn Độ - nơi mà nhiệt độ thường ở mức trên 30 độ C.
Tuy nhiên, các bằng chứng khoa học lâu nay vẫn mâu thuẫn về ý tưởng này. Theo WHO, các bằng chứng tới nay cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể lây lan ở mọi khu vực, bao gồm cả những khu vực có thời tiết nóng và ẩm.
Một khả năng khác, theo ông Reddy, là dân số Ấn Độ có thể ít bị tác động hơn do chính sách phổ cập tiêm chủng Bacillus Calmette-Guerin (BCG). BCG là vaccine ngừa bệnh lao và hiện đang được nghiên cứu như một biện pháp phòng ngừa Covid-19.
Tuy nhiên, WHO cho biết, không có bằng chứng nào cho thấy BCG có thể bảo vệ con người khỏi nguy cơ nhiễm virus và WHO không khuyến cáo sử dụng loại vaccine này như một giải pháp ngăn ngừa Covid-19.
Lệnh phong tỏa 40 ngày có đủ ngăn chặn Covid-19?
Có nhiều quan điểm khác biệt việc điều gì sẽ xảy ra khi Ấn Độ dỡ bỏ phong tỏa ngày 3/5. Liệu số ca mắc có tăng đột biến, hay lệnh phong tỏa này có thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh hay không?
“Sẽ có sự gia tăng các ca bệnh khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ và chúng ta trở lại cuộc sống bình thường. Đó là dự đoán của tôi. Ấn Độ đã bấm nút tạm dừng thành công. Nhưng vấn đề là chúng ta không thể duy trì tình trạng tạm dừng này mãi”, Oommen Kurian, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Tổ chức nghiên cứu Người quan sát nhận định.
Yếu tố quyết định nhiều khả năng sẽ nằm ở những biện pháp hạn chế nào vẫn được duy trì khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.
Các chuyên gia cho rằng, việc giãn cách xã hội sẽ cần phải được duy trì, mặc dù một số bang có ít ca mắc hơn có thể nới lỏng các hạn chế. Uttar Pradesh – bang đông dân nhất Ấn Độ với 200 triệu dân – đã gia hạn lệnh cấm tụ tập nơi công cộng đến cuối tháng 6.
Laxminarayan cảnh báo rằng nếu các biện pháp giãn cách xã hội và các biện pháp đảm bảo vệ sinh không được thực hiện nghiêm túc, Ấn Độ sẽ đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng vượt sức chống đỡ của hệ thống y tế.
Ở Ấn Độ, lệnh phong tỏa theo độ tuổi cụ thể (tức người già ở trong nhà còn người trẻ được phép đi làm trở lại) là điều không có hiệu quả.
Theo số liệu thống kê trên thế giới, người già có nguy cơ tử vong cao hơn so với những người trẻ. Ở Mỹ, 80% số ca tử vong do Covid-19 là những người trên 65 tuổi.
Ấn Độ có dân số tương đối trẻ, 44% dân số là những người từ 24 tuổi trở xuống, trong khi tỷ lệ này ở Italy là 23% và Trung Quốc là 29%. Tuy nhiên, nhiều người Ấn Độ sống trong những ngôi nhà có 3 thế hệ chung sống, đồng nghĩa với việc có sự tương tác đáng kể giữa người già và người trẻ, theo nhà toán học Ronojoy Adhikari thuộc Đại học Cambridge, người xây dựng mô hình về dịch bệnh của Ấn Độ.
“Điều này khiến người già ở Ấn Độ đặc biệt có nguy cơ cao, bởi họ nhiều khả năng lây nhiễm bệnh từ các thế hệ thứ 2 và thứ 3 trong gia đình - những người khi mắc Covid-19 lại thường chỉ có các triệu chứng vừa phải”, ông nói.
Theo ông Reddy, dù Ấn Độ có tránh được kịch bản xấu nhất ở thời điểm này, thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ lực lượng lao động không chính thức - những người đang bị tác động nhiều nhất bởi lệnh phong tỏa. Ngoài ra, Ấn Độ cần đẩy mạnh hệ thống y tế để chuẩn bị cho khả năng dịch bệnh quay trở lại và bùng phát vào mùa đông./.