Vì sao điện ảnh nhiều khu vực vẫn vắng bóng tại Oscar?
Các bộ phim đến từ châu Âu vẫn chiếm ưu thế hơn các tác phẩm từ châu Á, châu Phi hay Mỹ Latin trong hạng mục 'Phim quốc tế hay nhất' của Oscar.
Kể từ khi thành lập năm 1948, Giải thưởng Oscar danh giá của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ dành cho phim quốc tế hay nhất thường được trao cho các tác phẩm đến từ châu Âu.
Mặc dù trong 15 năm trở lại đây, các tác phẩm không phải của châu Âu vẫn đoạt giải Oscar, tuy nhiên những bộ phim đến từ châu Á, châu Mỹ Latinh và vùng Caribbean vẫn ít được ban giám khảo công nhận.
Sự chênh lệch
Cụ thể, nền điện ảnh của châu Phi chỉ có 3 tác phẩm đoạt giải trong lịch sử gần 75 năm của giải thưởng này. Đáng chú ý, trong số ba tác phẩm từng đoạt giải của châu Phi, có hai tác phẩm Z và Black and White in Color là sản phẩm hợp tác giữa Pháp và hai nước thuộc địa cũ.
Tác phẩm thứ ba, Tsotsi của đạo diễn người Nam Phi Gavin Hood, đã trở thành bộ phim không nói tiếng Pháp của châu Phi đầu tiên giành được giải thưởng Viện Hàn lâm năm 2006.
Dù vậy, ông Steve Ayorinde, nhà phê bình phim nổi tiếng người Nigeria và từng làm giám khảo tại các liên hoan phim quốc tế như Cannes, Berlin và Toronto, nhận định thành công của Tsotsi không hẳn là ngẫu nhiên. Nhiều bộ phim Nam Phi thu hút được sự chú ý của quốc tế đều do các nhà làm phim da trắng thực hiện. Trong trường hợp của Tsotsi, đó là đạo diễn Gavin Hood.
Tuy nhiên, các nền điện ảnh khác của châu Phi không có may mắn đó. Đơn cử như Nigeria, mặc dù sản xuất khoảng 2.500 bộ phim mỗi năm, song nền công nghiệp phim “Nollywood” của nước này vẫn chưa giành được giải thưởng nào của Viện Hàn lâm điện ảnh nước ngoài.
Tương tự như Ấn Độ, một nền điện ảnh lớn tại châu Á. Một nửa số phim châu Á đoạt giải là do Nhật Bản sản xuất. Bất chấp quy mô của nền điện ảnh Bollywood, Ấn Độ chưa bao giờ giành được giải "Phim quốc tế hay nhất".
Tại sao lại có câu chuyện này?
Trước hết, ông Ayorinde cho rằng các nền điện ảnh từ châu Á, châu Phi hay Mỹ Latinh khó giành được sự chú ý của quốc tế, chưa nói đến việc đề cử, nếu vắng sự tài trợ, hợp tác hoặc hỗ trợ kỹ thuật từ phương Tây.
Theo bà Namrata Joshi, nhà phê bình phim người Ấn Độ từng làm giám khảo liên hoan phim quốc tế tại Toronto, Moscow và Cluj, việc thiếu kinh phí quảng bá tới giới phê bình và Viện Hàn lâm có thể là một lý do.
Liên quan tới thể thức, ông Ayorinde nhận định nhiều nền điện ảnh chú trọng sản xuất các bộ phim chỉ để xem tại nhà, trong khi giải Oscar yêu cầu các bộ phim cần được công chiếu tại rạp để được xem xét đề cử.
Ngôn ngữ cũng đóng vai trò quan trọng: Những bộ phim châu Âu sử dụng tiếng Đức, Pháp, Tây Ban Nha hoặc Italy, có lợi thế hơn vì đây là các “ngôn ngữ quốc tế”.
Cuối cùng là về nội dung. Giải thưởng Oscar đòi hỏi các tác phẩm có sự đầu tư, trau chuốt về mặt hình ảnh, cốt truyện và diễn xuất, điều khiến nhiều nền điện ảnh tại các khu vực trên còn thiếu. Bà Namrata Joshi cho rằng, phim Ấn Độ thường quá cường điệu đối với khán giả quốc tế hoặc chứa quá nhiều cảnh ca múa nhạc.
Vậy đâu là giải pháp cho những vấn đề này?
Một Oscar bình đẳng hơn
Những năm gần đây, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ đã nỗ lực trở nên đa dạng hơn, sẵn sàng tiếp nhận, xem xét và đề cử các tác phẩm từ nhiều nền điện ảnh khác nhau, song thay đổi căn bản như vậy khó diễn ra một sớm một chiều.
Trong bối cảnh đó, ông Ayorinde nhận định sự bùng nổ các dịch vụ phát trực tuyến có thể là một giải pháp. Netflix đang đặt ra các tiêu chuẩn điện ảnh ngay cả đối với những bộ phim được sản xuất để xem tại nhà, qua đó khiến nâng cao chất lượng, đồng thời khiến các tác phẩm này dễ được tiếp cận và đón nhận hơn bởi người xem quốc tế. Nhiều bộ phim chất lượng cao được sản xuất chỉ để phát trực tuyến.
Ngoài ra, ông cho rằng giải thưởng này cần cân nhắc thay đổi các yêu cầu xem xét đề cử giải thưởng, như yêu cầu phim phải được phát hành tại rạp, đồng thời mở rộng thêm hạng mục giải thưởng cho phim quốc tế.
Bà Joshi nhận định, việc có thêm nhiều người Ấn Độ trở thành thành viên của ban giám khảo Oscar là một bước đi quan trọng đầu tiên để nền điện ảnh Ấn Độ nhận được sự đánh giá đúng mức.
Cuối cùng, ông Ayorinde tin tưởng, những đề xuất trên sẽ tạo cơ hội cho nhiều phim không nói tiếng Anh tham gia giải thưởng. Tuy nhiên, nhà phê bình phim này cũng khẳng định chất lượng tổng thể của các bộ phim tại Oscar sẽ không vì thế mà sụt giảm bởi suy cho cùng, “những bộ phim hay sẽ luôn nổi bật”.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vi-sao-dien-anh-nhieu-khu-vuc-van-vang-bong-tai-oscar-178769.html