Vì sao Điển Vi được xếp cao hơn Quan Vũ, Mã Siêu và Trương Phi?
Điển Vi có khá ít đất diễn trong Tam Quốc nhưng lại được xếp trên cả Quan Vũ, Mã Siêu và Trương Phi, vốn toàn là danh tướng chiến công lẫy lừng.
Tam Quốc Diễn Nghĩa là một tác phẩm văn học được tác giả vận dụng trí tưởng tượng kết hợp với truyền thuyết dân gian và những tình tiết có thật trong lịch sử.
Những ai hâm mộ Tam Quốc Diễn Nghĩa có lẽ đều biết đến câu nói đánh giá thực lực của các danh tướng đương thời: "Nhất Lữ nhị Triệu tam Điển Vi, tứ Quan ngũ Mã lục Trương Phi".
Tuy nhiên, không ít người thắc mắc và nghi ngờ sự chính xác của câu nói này. Ví dụ như Điển Vi, nhân vật có khá ít đất diễn nhưng lại được xếp trên cả Quan Vũ, Mã Siêu và Trương Phi, vốn toàn là danh tướng chiến công lẫy lừng.
Trong tiểu thuyết nhà văn La Quán Trung, Điển Vi chỉ xuất hiện 6 lần, trong đó ấn tượng nhất chính là lần hi sinh để bảo vệ Tào Tháo ở trận Uyển Thành. Thế nhưng việc ít đất diễn ít hoàn toàn không ảnh hưởng uy danh của Điển Vi và xếp hạng về ông là hoàn toàn xứng đáng.
Điển Vi lần đầu xuất hiện trong Tam Quốc Diễn Nghĩa do Hạ Hầu Đôn tiến cử: "Người này vì báo thù cho bạn mà giết người, náo loạn giữa phố, không ai dám tới gần".
Điều này cũng được ghi lại trong Tam Quốc Chí và chi tiết hơn: "Điển Vi hiệp nghĩa, muốn thay bạn báo thù. Cừu gia phòng bị nghiêm ngặt, Điển Vi lẻn vào trong giết họ Cừu và vợ hắn. Người trong Cừu gia chạy toán loạn khắp phố. Điển Vi giết người xong thản nhiên đi bộ về, hàng trăm người đuổi theo nhưng không ai dám lại gần".
Sự kiện này cho thấy rằng Điển Vi rất hào hiệp và dũng cảm, đây là một tiêu chí quan trọng để đánh giá về bản lĩnh của một anh hùng.
Vũ khí của Điển Vi là một đôi đoản kích, nặng 80 cân (1 cân theo cách tính của người Trung bằng 0,5kg). Loại vũ khí này không nặng như Yển Nguyệt đao của Quan Vũ nhưng là loại vũ khí ít người dám dùng trên chiến trường.
Còn một câu chuyện khác chứng minh sức mạnh của Điển Vi đó là ông từng hùng dũng một mình giữ vững lá cờ to khi có gió mạnh trong trại, trong khi nhiều bình sĩ hợp sức lại cũng không làm được.
Sự kiện này sử ký có chép và đều xuất hiện trong Tam Quốc Chí lẫn Tam Quốc Diễn Nghĩa, qua đó cho thấy sức mạnh hơn người của Điển Vi là thật và ít ai sánh bằng.
Lòng trung thành của Điển Vi chắc chắn không ai không biết. Nếu không có ông xả thân, Tào Tháo sẽ chẳng biết mình đã chết bao nhiêu lần.
Năm 194, Tào Tháo bị Lã Bố mang quân vây áp 3 mặt ở Bộc Dương, hết đường rút lui. Điển Vi dẫn theo một đội quân cảm tử, xông thẳng vào quân Lữ Bố mở đường máu, giúp Tào Tháo giải vây.
Năm 197, Tào Tháo mang quân đánh Trương Tú ở Uyển Thành, ép thím Trương Tú là Châu thị làm thiếp, khiến Tú tức giận đột kích trong đêm.
Một mình Điển Vi quần thảo với quân Trương Tú, chặn đường giúp Tào Tháo chạy thoát. Tuy nhiên, Điển Vi cũng mất mạng tại trận này.
Nghe tin Điển Vi tử trận, Tào Tháo khóc thương đau xót vô cùng. Thậm chí, Tào Tháo nói với các tướng rằng: "Trận chiến năm đó, ta mất một con trưởng và một cháu yêu, cũng không thương là mấy, chỉ thương khóc Ðiển Vi mà thôi".