Vì sao DKG xếp Việt Nam thứ 20 trong đánh giá mức độ an toàn các khu vực trong đại dịch Covid-19?

Tổ chức Deep Knowledge Group (DKG) đã công bố 250 trang báo cáo 'Đánh giá mức độ an toàn các khu vực trong đại dịch Covid–19'. Trong đó, DKG chia 200 quốc gia và vùng lãnh thổ thành 4 nhóm khi đánh giá mức độ an toàn nói chung. Việt Nam được xếp ở vị trí thứ 20, cuối cùng của nhóm 1 theo thang đánh giá của DKG, với số điểm 637.

Ngày 4/6/2020, tổ chức Deep Knowledge Group (DKG) đã công bố 250 trang báo cáo “Đánh giá mức độ an toàn các khu vực trong đại dịch Covid–19”. Trong báo cáo này, DKG chia 200 quốc gia và vùng lãnh thổ thành 4 nhóm khi đánh giá mức độ an toàn nói chung. Việt Nam được xếp ở vị trí thứ 20, cuối cùng của nhóm 1 theo thang đánh giá của DKG, với số điểm 637. Vị trí của Việt Nam trong báo cáo của DKG đã gây tranh cãi trên mạng xã hội. Đa số đều không hài lòng khi cho rằng nhiều nước với số ca nhiễm lớn, số người chết cao, liên tục có thêm ca nhiễm mới lại được xếp trên Việt Nam – không có ca tử vong, số ca nhiễm thấp, kiểm soát dịch tốt.

DKG đánh giá và cho điểm các quốc gia và vùng lãnh thổ qua 130 tham số định lượng và định tính được tập hợp thành 6 nhóm lớn với 30 chỉ số thành phần (DKG không công bố tham số chi tiết của 4 chỉ số thành phần trong nhóm “Sự chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp”):

Nhóm “Hiệu quả cách ly” có 6 chỉ số: Quy mô cách ly; Thời gian cách ly; Khung hình phạt hình sự đối với các vi phạm cách ly; Sự hỗ trợ kinh tế cho người bị cách ly; Hạn chế đi lại; Đóng băng hoạt động kinh tế và chuỗi cung ứng.

Nhóm “Hiệu quả trong quản lý rủi ro của chính phủ” có 6 chỉ số: Khả năng an ninh quốc phòng; Khả năng triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp; Hiệu quả của cơ cấu chính phủ; Sự sẵn sàng cho đại dịch; Sự bền vững của nền kinh tế; Hiệu quả pháp lý.

Theo DKG, đây là hai nhóm quan trọng nhất, cho thấy hiệu quả của việc chính phủ sớm hành động khi dịch bệnh bắt đầu lây lan, nên có trọng số là 2,2.

Nhóm “Giám sát và phát hiện” gồm 6 chỉ số: Hệ thống giám sát và quản lý thiên tai; Phạm vi áp dụng phương pháp chuẩn đoán; Hiệu quả xét nghiệm; Sử dụng trí tuệ nhân tạo trong chuẩn đoán và tiên lượng; Áp dụng công nghệ trong hoạt động giám sát của chính phủ; Độ tin cậy và minh bạch của dữ liệu.

Nhóm “Sự chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp” gồm 4 chỉ số: Khả năng chống chọi của xã hội trong tình trạng khẩn cấp; Kinh nghiệm huy động lực lượng quân đội trong các tình huống khẩn cấp cấp quốc gia; Khả năng giám sát; Kinh nghiệm ứng phó các tình huống khẩn cấp cấp quốc gia trong quá khứ. Các tham số chi tiết của nhóm này không được tiết lộ và chỉ sử dụng trong lưu hành nội bộ.

Trọng số của hai nhóm “Giám sát và phát hiện” và “Sự chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp” là 1,5. Theo DKG, các nhóm này cho thấy rõ nhất hiệu quả của các phản ứng liên tục, nỗ lực cứu trợ khẩn cấp, chiến thuật vô hiệu hóa dịch bệnh trên thực tế cũng như, khả năng huy động nhanh cơ sở dự phòng tại chỗ và phối hợp các nỗ lực quản lý khủng hoảng.

Nhóm “Sự sẵn sàng trong chăm sóc y tế” gồm 6 chỉ số: Quy mô trang thiết bị có sẵn để ứng phó với dịch Covid 19; Khả năng huy động nguồn lực y tế mới; Số lượng và chất lượng nhân viên y tế; Mức độ tiến bộ về công nghệ; Mức độ tiến bộ trong chăm sóc y tế; mức độ phát triển của hệ thống dịch tễ học.

Nhóm “Khả năng chống chọi” gồm các chỉ số: Rủi ro lây nhiễm; Đặc trưng văn hóa và kỷ luật xã hội; Nhân khẩu học; Khả năng bệnh dịch lặp lại thường xuyên; tính dễ tổn thương về địa chính trị, sự phát của các phương pháp khử khuẩn hiện đại.

Hai nhóm “Sẵn sàng trong chăm sóc y tế” và “Khả năng chống chọi” có trọng số 1,3. Theo DKG, sự ảnh hưởng của hai nhóm này đến mức độ an toàn của các quốc gia trong đại dịch Covid – 19 không bằng các nhóm khác. Ví dụ như, Mỹ và Anh là các quốc gia có hệ thống y tế hiện đại hóa, áp dụng khoa học công nghệ cao nhưng tỉ lệ lây nhiễm và tử vong vẫn rất cao trong dịch Covid–19.

Việt Nam đứng thứ 20 trong bảng xếp hạng của DKG.

Việt Nam đứng thứ 20 trong bảng xếp hạng của DKG.

Xét theo từng nhóm của DKG, Việt Nam có vị trí tốt nhất ở nhóm chỉ số “Hiệu quả cách ly” với 128 điểm, đứng thứ 9/100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài ra, chúng ta đứng thứ 21 ở “Hiệu quả trong quản lý rủi ro của Chính phủ” với 149 điểm; đứng thứ 15 ở hai nhóm chỉ số “Giám sát và phát hiện” với 124 điểm và “Chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp” với 101 điểm. Tuy nhiên, với hai nhóm “Sự sẵn sàng về chăm sóc y tế” và “Khả năng chống chọi”, theo đánh giá của DKG, Việt Nam chỉ đứng lần lượt ở vị trí thứ 65 (63 điểm) và 86 (72 điểm). Số điểm thấp trong hai nhóm này là nguyên nhân chính khiến Việt Nam chỉ đứng thứ 20 trong bảng xếp hạng đánh giá mức độ an toàn nói chung của DKG.

Ngoài ra, cách đánh giá và cho điểm từng chỉ số của DKG cũng cần làm rõ. Ví dụ như, chỉ số Thời gian cách ly trong nhóm “Hiệu quả cách ly” được đánh giá qua 4 tham số: thời gian cách ly áp dụng (14 ngày được 0,5 điểm, hơn 14 ngày được 1 điểm, ko có thời gian cách ly 0 điểm); áp dụng sớm các biện pháp cách ly so với quá trình lây lan của virus (có được 1 điểm, không 0 điểm); chính quyền thông báo nới lỏng cách ly (có 0 điểm, không 1 điểm); người dân gây sức ép để giảm bớt các biện pháp cách ly (có 0 điểm, không 1 điểm). Với cách tính này, Hàn Quốc được 0 điểm. Việt Nam được 5,67 điểm, Singapore được 12,75 điểm, Nhật Bản được 10,63 điểm… Tuy nhiên, diễn biến của dịch bệnh ở Việt Nam và Singapore hay Nhật Bản rất khác nhau. Việt Nam đã sớm bỏ giãn cách xã hội từ ngày 23/4/2020 do kiểm soát tốt dịch bệnh. Các ca nhiễm mới của Việt Nam đều được kiểm soát ngay từ sân bay và đưa vào khu cách ly. Trong khi đó Singapore, Nhật Bản số lượng ca nhiễm mới vẫn cao và duy trì dãn cách xã hội đến 1/6/2020 do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Theo cách tính của DKG, liệu có phải những nước vẫn đang phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội vào thời điểm DKG tiến hành nghiên cứu sẽ có điểm số cao hơn hay không?

Trong nhóm chỉ số “Hiệu quả cách ly”, “Sự hỗ trợ kinh tế cho công dân bị cách ly” của Việt Nam cũng rất thấp. Chỉ số này được đánh giá qua các tham số Hỗ trợ kinh tế cho công dân, hỗ trợ kinh tế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảm thuế, gói cứu trợ kinh tế (% trên GDP). Tất cả các tham số này đều tính theo USD. Với tỷ giá hiện tại của USD/VND, cách tính này sẽ khiến các biện pháp hỗ trợ của chính phủ Việt Nam càng có giá trị ít hơn so với nhiều nước khác. Vì thế, ở chỉ số này, với 4,50 điểm, Việt Nam là nước có điểm thấp nhất trong top 20.

Trong nhóm chỉ số “Hiệu quả quản lý rủi ro của chính phủ” DKG đánh giá khá thấp sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Chỉ số “sự bền vững của nền kinh tế” được đánh giá theo các tham số tỷ lệ nợ trên GDP, chỉ số GDP, GNI (thể hiện sự bất bình đẳng trong thu nhập), mức lương tối thiểu (tính theo USD), tỷ lệ thất nghiệp do Covid – 19 trên tổng số dân, kế hoạch chiến lược thoát hiểm (có 1 điểm, không 0 điểm). Là nền kinh tế có độ mở lớn, tăng trưởng kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu, nhiều ngành sản xuất phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, khi Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 thì Việt Nam không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Ngoài ra, doanh thu từ du lịch quốc tế của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng. Các gói hỗ trợ kinh tế, hỗ trợ cho vay có thể làm bội chi ngân sách, tăng nợ công, tăng nợ xấu ở các ngân hàng… Đây có thể là những lý do khiến DKG chỉ cho Việt Nam 7,87 điểm, đứng thứ 16 trong top 20 nước, chỉ trên Hà Lan (6,62), Saudi Arabia (7,82) và Úc (7,85).

Một chỉ số khác Việt Nam đặc biệt thấp so với các nước trong Top 20 là chỉ số “sự phát triển của các phương pháp khử khuẩn hiện đại” trong nhóm “Khả năng chống chọi”. Trong khi các nước đều được DKG cho từ 13 – 15 điểm (mức cao nhất cho chỉ số này), Việt Nam được 0,96 điểm, chỉ cao hơn Trung Quốc được 0 điểm. Trái lại, chỉ số “Mức tiến bộ về công nghệ” trong nhóm “Sự sẵn sàng chăm sóc y tế” tuy chỉ được DKG đánh giá 1,70 điểm/17 điểm, thua xa các nước như Nhật Bản (12,74), Thụy Sĩ (11,75), Bản, Đức (8,68), Israel 7,90 nhưng ngang với UAE, Hà Lan và hơn khá nhiều nước trong top 20 như Hungary, Saudi Arabia, Đan Mạch, Na uy, New Zealand.

Một trong những chỉ số Việt Nam được đánh giá cao là “Khả năng chống chọi (đứng vững) của xã hội trong tình trạng khẩn cấp”. Chỉ số này nằm trong nhóm “Sự chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp”. Với điểm số tối đa 27/27, chỉ có Áo, Trung Quốc, Hungary, UAE có cùng điểm số với Việt Nam.

Ngoài ra, DKG cũng cho Việt Nam điểm tối đa (17/17 điểm) khi đánh giá chỉ số “tính dễ tổn thương về địa chính trị”. Điểm tối đa ở chỉ số này cho thấy sự ổn định chính trị xã hội ở Việt Nam, sự quan tâm của chính phủ tới người Việt ở nước ngoài và sự tự chủ hoàn toàn của Việt Nam trong chiến lược phòng chống Covid – 19. Ba chỉ số “Hệ thống giám sát và quản lý thiên tai”; “Phạm vi áp dụng phương pháp chuẩn đoán” và “sử dụng trí tuệ nhân tạo trong chuẩn đoán và tiên lượng” trong nhóm “Giám sát và phát hiện” của Việt Nam cũng được điểm tối đa.

Nhìn chung, báo cáo của DKG là báo cáo đánh giá toàn diện, không chỉ gói gọn trong công tác phòng chống dịch Covid – 19 mà còn bao gồm đánh giá khả năng phục hồi kinh tế sau dịch, cơ sở hạ tầng y tế, vật tư trang thiết bị y tế có sẵn trên tổng số dân, đánh giá sự phát triển và áp dụng khoa học công nghệ, tính giá trị các gói hỗ trợ kinh tế theo USD... Vì vậy, vị trí thứ 20 của Việt Nam trên bảng xếp hạng các quốc gia an toàn nhất trong đại dịch Covid – 19 có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, việc DKG xếp Việt Nam ở vị trí thứ 9 khi đánh giá Hiệu quả cách ly, sau nhiều nước có số ca nhiễm lớn, số người chết nhiều và vẫn chưa khống chế được dịch là điều khó hiểu. Nhiều tham số nên được xem xét lại các báo tiếp theo.

Hàn Phi

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/vi-sao-dkg-xep-viet-nam-thu-20-trong-danh-gia-muc-do-an-toan-cac-khu-vuc-trong-dai-dich-covid-19/20200611110430385