Vì sao doanh nghiệp bỏ ra gần 3.000 tỷ đồng mua quyền khai thác mỏ cát trên sông Tiền?
Một doanh nghiệp ở TP. HCM bỏ ra số tiền 2.811 tỷ đồng giành quyền khai thác mỏ cát trên sông Tiền. Được biết, mỏ cát chỉ có trữ lượng 3 triệu m3 và giá khởi điểm cuộc đấu giá chỉ ở mức 7,2 tỷ đồng.
Theo Trung tâm bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp tỉnh An Giang, vừa qua đơn vị tổ chức đấu giá công khai quyền khai thác cát sông tại 2 mỏ cát trên sông Hậu (xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú) và mỏ cát trên sông Tiền (khu vực xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới).
Mỏ cát trên sông Tiền có trữ lượng khoảng 3 triệu m3 cát, giá khởi điểm 7,2 tỉ đồng. Còn mỏ cát trên sông Hậu có trữ lượng hơn 1,5 triệu m3, giá khởi điểm 4,4 tỉ đồng.
Khai thác cát trên sông Hậu
Qua kết quả đấu giá, một doanh nghiệp ở phường Tân Phong, quận 7, TP. HCM trúng thầu quyền khai thác mỏ cát trên sông Tiền với giá 2.811 tỷ đồng. Để trúng được gói thầu này, doanh nghiệp trải qua đến vòng đấu giá 45, giá tăng lên hơn 390 lần so với giá khởi điểm.
Còn mỏ cát trên sông Hậu, một doanh nghiệp khác trúng quyền khai thác cát với giá 273 tỉ đồng. Nếu tính ra, giá kết thúc phiên đấu giá mỏ cát này đã tăng 378 lần.
Ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở TN-MT An Giang cho biết, giá doanh nghiệp trúng các gói thầu khai thác cát là kết quả cuộc đấu giá thật, không có sai số. Nhưng, ông Trí cũng cho rằng, đây là giá cao bất thường. Doanh nghiệp bỏ ra hơn 2.811 tỷ đồng khai thác mỏ cát 3 triệu m3 thì nhiều khả năng doanh nghiệp này sẽ bỏ quyền khai thác mỏ cát này.
Vài ngày trước, người dân sống ven sông Hậu (xã Long Giang, huyện Chợ Mới) tố cáo doanh nghiệp khai thác cát sông làm vỡ ô bao vuông nuôi cá, khiến cá chết hàng loạt.
Theo ông Trí, doanh nghiệp vừa trúng đấu giá quyền khai thác mỏ cát trên sông Tiền để có giấy phép khai thác cát, doanh nghiệp phải đóng tiền đợt 1 khoảng 140 tỷ đồng. Còn trong trường hợp doanh nghiệp “bỏ chạy” thì mất số tiền 1,4 tỷ đồng mà doanh nghiệp đóng vào để tham gia đấu thầu.
Theo ông Trí, hiện nay, quy định pháp luật cũng chưa có chế tài xử lý trường hợp doanh nghiệp trúng giá rồi bỏ.
Ông H. - một doanh nhân ở An Giang chuyên kinh doanh cát san lấp cho biết, một việc một doanh nghiệp bỏ ra số tiền 2.811 tỷ đồng để giành quyền khai thác mỏ cát có trữ lượng 3 triệu m3 là điều... rất kỳ lạ. Doanh nghiệp khai thác cát như ông không hiểu doanh nghiệp này bỏ ra số tiền trên lệch hàng trăm lần giá khởi điểm vì mục đích gì?!
Vì theo ông H., hiện nay, 1m3 cát san lấp có giá từ 50.000 – 60.000 đồng. Như vậy với số lượng 3 triệu m3 cát thì tính ra khoảng 142 tỷ đồng. Nhưng phải trừ thuế và chi phí thì tiền lời chỉ còn 1 nửa. Do đó, nhiều khả năng doanh nghiệp này sẽ bỏ quyền khai thác cát, vì nếu đóng tiền khai thác thì quá lỗ.