Vì sao đội tuyển Olympic Toán Việt Nam vẫn 'giậm chân tại chỗ'?
GS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học, thừa nhận thành tích của đội tuyển Olympic Toán Việt Nam vẫn 'giậm chân tại chỗ' nhiều năm nay, trong khi đối thủ đã thay đổi nhiều.
Từng dự thi Olympic Toán quốc tế (IMO) năm 1986 và giành huy chương đồng, GS Phùng Hồ Hải cho rằng thành tích của đội tuyển Việt Nam tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế phụ thuộc hoàn toàn vào những cá nhân xuất sắc.
Trong khi các nước đều thay đổi công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, Việt Nam vẫn duy trì cách bồi dưỡng cách đây mấy chục năm. Do đó, chúng ta không có bước tiến vượt bậc ở sân chơi trí tuệ đỉnh cao.
Nếu không thay đổi, Thái Lan và nhiều nước khác tiếp tục vượt qua Việt Nam.
Đẳng cấp đội tuyển Toán Thái Lan cao hơn Việt Nam
- Theo giáo sư, kết quả của kỳ thi Olympic Toán quốc tế có ý nghĩa như thế nào đối với nền Toán học của một quốc gia?
- Trong các kỳ thi Toán cho học sinh phổ thông, Olympic Toán quốc tế là cấp độ cao nhất, khó nhất để chọn những người giỏi trên toàn thế giới. Giống như các kỳ thi Olympic thể thao khác, kết quả phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm, phong độ của cá nhân dự thi.
Có người cho rằng kỳ thi này không có ý nghĩa, chỉ là cuộc chơi của học sinh phổ thông, không cần đầu tư. Quan điểm khác lại nói thành tích quan trọng, đất nước cũng cần kết quả này.
Ở một kỳ thi đỉnh cao như Olympic Toán quốc tế, tôi nghĩ, nếu có thể tham gia và có khả năng mang về vinh quang cho đất nước, chúng ta cũng nên cố gắng, đầu tư.
Kết quả kỳ thi mang ý nghĩa tinh thần nhưng không quá nhiều nếu chúng ta chỉ chú trọng vào 6 em tham gia. Đội tuyển năm nào cũng có vài huy chương vàng, mọi người phấn khởi nhưng chỉ dừng lại ở đó. Điều quan trọng là cách đầu tư bồi dưỡng đội tuyển để hoạt động tạo phong trào rộng lớn cho học sinh yêu Toán.
- Vì sao thành tích của chúng ta không đều qua các năm như một số nước dẫn đầu?
- Tôi khảo sát một số quốc gia mạnh, nước nào cũng giống như Việt Nam, ngoại lệ Trung Quốc. Họ duy trì được thành tích, vị trí đứng đầu trong hàng chục năm qua.
Ngay cả Mỹ là đội tuyển mạnh về Toán, luôn ở vị trí thứ hai, mục tiêu cạnh tranh vị trí thứ nhất với Trung Quốc, họ cũng có những năm đứng thứ 5, 6.
- Vậy Thái Lan vượt qua Việt Nam trong một vài năm gần đây cũng là phong độ nhất thời?
- Phải thừa nhận trong những năm gần đây, Thái Lan ổn định hơn và ở đẳng cấp cao hơn Việt Nam. Đó là thực tế không thể chối cãi.
Phải thừa nhận trong những năm gần đây, Thái Lan ổn định và ở đẳng cấp cao hơn chúng ta. Đó là thực tế không thể chối cãi được.
GS Phùng Hồ Hải
Trong vòng 10 năm gần đây, nếu nói lúc nào họ cũng hơn ta thì chưa đúng. Một thời gian họ đứng vị trí thứ 5, sau đó tụt xuống ngoài top 10. Bốn năm trở lại đây, họ ổn định hơn.
Thái Lan đã có những bước bứt phá ngoạn mục. Một vài đồng nghiệp của tôi cho biết Thái Lan có những chiến lược đầu tư, bồi dưỡng bài bản hơn cho Toán học.
- Điều gì tác động đến thành tích của một đội tuyển, ngoài phong độ của thí sinh ở mỗi kỳ thi?
- Tôi nghĩ vấn đề quan trọng nằm ở khâu bồi dưỡng hơn việc chọn lọc học sinh giỏi.
Trung Quốc có một đội hình đông đảo học sinh giỏi, chọn ai đi thi cũng có thể đoạt huy chương vàng. Chúng ta chưa đạt tầm như thế.
Chủ quan, tôi nghĩ nước ta có khoảng 20 học sinh giỏi Toán, bất kỳ em nào đi thi thì cũng đoạt huy chương đồng trở lên. Năm nay, một em không đoạt được huy chương là điều bất ngờ. Lần cuối cùng học sinh của chúng ta không đoạt huy chương cách đây 20 năm.
Nhưng tôi khẳng định những em không đoạt được huy chương, ở năm nay và kể cả 20 năm trước, không phải vì năng lực mà là điểm rơi phong độ, tâm lý. Chúng tôi luôn tin tưởng đội tuyển Việt Nam đi thi sẽ đoạt giải ba trở lên.
Phải thay đổi nếu không muốn tụt hậu
- Có phải chất lượng học sinh giỏi của chúng ta đang kém đi?
- Chúng ta không kém đi nhưng các nước khác giỏi lên. So với Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, trong quá khứ, thành tích chúng ta tốt hơn họ. Tài năng luôn phân bố ở mọi nơi.
Chúng ta đừng ảo tưởng người Thái dở Toán hơn chúng ta, cũng như không thể nói người Bà Rịa - Vũng Tàu kém hơn người Hà Nội. Có một thời gian, các nước này không quan tâm, đầu tư cho kỳ thi IMO. Đến khi quyết tâm thay đổi, họ hoàn toàn có cơ hội vượt qua chúng ta.
Việt Nam bắt đầu thi IMO từ năm 1974 với sự bồi dưỡng bài bản, có mục đích hơn các nước xung quanh và trên thế giới. Điều này có được do dấu ấn của cựu Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam Nguyễn Văn Huyên. Họ quan tâm và xây dựng hệ thống trường chuyên, đầu tiên là chuyên Toán.
Một số nước có nền Toán học mạnh như Pháp và Italy thời điểm đó không quan tâm, không đầu tư và kém hơn Việt Nam. Khi quan tâm, đầu tư, họ hoàn toàn có cơ hội vượt lên nếu làm bài bản.
- Ông có cho rằng đã đến lúc Việt Nam thay đổi công tác bồi dưỡng học sinh giỏi?
- Chúng tôi đã đề xuất thay đổi căn bản, mở rộng chuyện bồi dưỡng học sinh giỏi Toán từ lâu. Điều này giúp Việt Nam lựa chọn được những em tốt nhất. Việt Nam phải nâng đẳng cấp của đội tuyển, không thể trông chờ mãi vào phong độ và sự xuất sắc của từng em.
Muốn nâng cấp được đội tuyển 6 thí sinh, chúng ta phải đào tạo 60 em rồi chọn ra 6 em. Chúng ta không phải chọn được 6 em rồi mới bồi dưỡng.
Công tác bồi dưỡng của Việt Nam không thay đổi nên thành tích mấy chục năm nay vẫn như thế, "giậm chân tại chỗ", thất thường, không có bước tiến vượt bậc.
Xây dựng đội tuyển Toán như xây kim tự tháp
- Theo giáo sư, đội tuyển Việt Nam khi tham dự Olympic Toán quốc tế nên thay đổi như thế nào?
- Hiện nay, chúng ta tổ chức kỳ thi chọn đội tuyển từ các cuộc thi học sinh giỏi, việc bồi dưỡng do địa phương thực hiện. Chất lượng bồi dưỡng của mỗi địa phương khác nhau, manh mún và không chính quy. Nhiều em giỏi nhưng không được bồi dưỡng xứng đáng, trong khi những em có điều kiện tốt chưa chắc đã giỏi bằng.
Năm 2017, bạn Hoàng Hữu Quốc Huy ở Bà Rịa - Vũng Tàu thi rất xuất sắc, đoạt huy chương vàng. Em giỏi một cách tự nhiên. Điều đó chứng tỏ tài năng ở đâu cũng có, không phải chỉ Hà Nội hoặc TP.HCM.
Công tác bồi dưỡng của chúng ta không thay đổi nên thành tích mấy chục năm nay vẫn như thế, giậm chân tại chỗ, thất thường, không có bước tiến vượt bậc.
GS Phùng Hồ Hải
Vấn đề là làm sao bồi dưỡng tất cả tài năng đó để có đội tuyển chất lượng. Tôi mong nước ta có cơ chế hoặc chương trình để tất cả học sinh giỏi trên toàn quốc được tài trợ học bồi dưỡng.
Trước kia, chúng ta không có kinh phí nhưng hiện nay, tôi nghĩ việc này hoàn toàn có thể triển khai được.
Nếu cứ để tài năng phát triển tự nhiên, chúng ta chưa chắc đã chọn được những người giỏi nhất, vì kỳ thi nào cũng có yếu tố may rủi. Có những bạn xuất sắc nhưng lại trượt ở các vòng tuyển chọn. Chúng ta cần đào tạo nguồn để chọn được những người xuất sắc.
Tất nhiên, quan tâm tất cả thì khó, phải phân cấp xuống địa phương. Nhưng hiện nay, vai trò của Nhà nước chỉ được thể hiện ở vòng cuối cùng, khi 6 em được chọn dự thi mới bồi dưỡng tập trung. Tôi cho rằng như thế quá ít.
Hiện tại, chúng ta vừa không có chiến lược vừa không có nhiều thầy giỏi. Đẳng cấp của thầy thấp thì chất lượng của trò cũng thấp.
- Chúng ta không có đủ thầy giỏi để bồi dưỡng học sinh xuất sắc?
- Trình độ của thầy giáo ở các trường chuyên chưa đáp ứng được cho kỳ thi IMO. Chúng ta trông chờ hoàn toàn vào năng lực học sinh. Có bao nhiêu thầy cô ở trường chuyên giải được đề thi IMO?
Bồi dưỡng học sinh giỏi phải có thầy giỏi. Đây là điểm quan trọng nhất và cũng là yếu tố mà đội tuyển Việt Nam ngày càng kém đi, tụt hậu so với các nước trên thế giới.
Chất lượng của thầy, cô phụ thuộc việc đào tạo ngành sư phạm ở đại học. Chất lượng đào tạo giáo viên ở các trường đại học sư phạm Việt Nam hiện nay như thế nào? Có bao nhiêu giáo viên trường chuyên học đại học ở nước ngoài? Đội tuyển Việt Nam sẽ tụt hậu mạnh hơn nếu không thay đổi chất lượng giáo viên.
- Có phải đây là vòng tròn luẩn quẩn? Chất lượng đầu vào ngành sư phạm hiện nay thấp, dẫn đến chất lượng giáo viên thấp, tác động không chỉ tới việc dạy học phổ thông, mà còn là bồi dưỡng những hạt nhân xuất sắc?
- Đúng vậy. Điều chúng ta cần không phải là 6 em mà là 60 em để lan tỏa cho 600 em khác. Chúng ta hy vọng một vài em trong số đó sẽ đi theo ngành sư phạm để trở thành giáo viên. Những giáo viên này là nguồn đảm bảo cho tương lai ngành giáo dục.
Điều này như một kim tự tháp, muốn xây đỉnh thì đế phải rộng, cách xây khác nhanh hơn nhưng không bền vững.
- Ông và nhiều người đã nhận ra và đề xuất thay đổi cách bồi dưỡng từ lâu nhưng tại sao đến nay chúng ta chưa thay đổi?
- Có lẽ do Bộ GD&ĐT - cơ quan tổ chức và chịu trách nhiệm việc tổ chức đội tuyển Olympic Toán quốc tế - có nhiều việc phải làm nên chưa quan tâm đúng mức cho việc này. Chúng ta cần suy nghĩ theo mô hình và cơ chế khác, đưa việc này ra khỏi trách nhiệm của bộ.
Trong bóng đá có ví dụ về CLB Hoàng Anh Gia Lai, họ có học viện đào tạo từ nhỏ. 5-10 năm sau, các em mới thành tài và cống hiến cho đất nước.
Công tác bồi dưỡng, tuyển chọn học sinh giỏi Toán cũng có thể giao cho các hội chuyên ngành Toán hoặc xã hội hóa. Tôi tin sẽ có rất nhiều cá nhân, tập thể yêu Toán học sẵn sàng hỗ trợ.
Điều quan trọng là Bộ GD&ĐT có muốn thay đổi hay không? Bộ phải thay đổi tư duy, xác định mục tiêu của kỳ thi là gì?
Nếu bộ chỉ muốn thành tích năm sau tốt hơn năm trước, như năm nay có 2 huy chương vàng thì năm sau phải có 3, đội tuyển sẽ không bao giờ tiến lên được. Các quốc gia khác sẽ thay đổi và vượt qua chúng ta.