Vì sao đòn thuế quan của ông Trump gây ngạc nhiên

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump viện dẫn an ninh quốc gia nhằm phá vỡ các thỏa thuận thương mại có thể làm xáo trộn hệ thống thương mại toàn cầu theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra sắc lệnh hành pháp mới có hiệu lực từ 12h01 ngày 4/2 (giờ địa phương), trong đó tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico chịu mức thuế 25%, còn sản phẩm năng lượng Canada và sản phẩm Trung Quốc chịu mức thuế 10%.

Theo New York Times, động thái này có nguy cơ làm rạn nứt hệ thống thương mại toàn cầu và trật tự kinh tế thế giới, vốn từng xoay quanh nền kinh tế Mỹ coi trọng đầu tư mở và thị trường tự do. Sắc lệnh này đang bị nhiều nhà lập pháp, nhà kinh tế và nhóm doanh nghiệp chỉ trích. Họ cảnh báo thuế quan có thể làm gia tăng lạm phát, làm tê liệt các ngành công nghiệp Mỹ và thúc đẩy Trung Quốc thành trung tâm thương mại toàn cầu.

Hôm 2/2, ông Trump lên tiếng bảo vệ sắc lệnh mới nhưng thừa nhận sẽ có một số hậu quả tiêu cực. “Liệu có ĐAU ĐỚN KHÔNG? CÓ THỂ (HOẶC KHÔNG)”, tổng thống Mỹ ghi.

Trung Quốc được lợi?

Canada và Mexico nhanh chóng tuyên bố sẽ trả đũa, trong khi Trung Quốc nói sẽ theo đuổi “các biện pháp đối phó” để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Mặc dù trước đó ông Trump từng thông báo về mức thuế quan, nhiều nhà phân tích ngạc nhiên trước quy mô lần này. Các trợ lý kinh tế hàng đầu của tổng thống Mỹ, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, theo phe ủng hộ thuế quan, song gợi ý nên áp dụng dần dần để cho các doanh nghiệp thích nghi hoặc lấy thuế quan như một công cụ đàm phán.

"Súng thuế quan sẽ luôn nạp đạn và đặt trên bàn nhưng hiếm khi được bắn", ông Bessent viết trong một lá thư gửi các đối tác của quỹ đầu cơ Key Square Group hồi năm 2024.

Tuy nhiên, ông Trump không ngần ngại dùng thuế quan như một vũ khí chống lại các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, áp đặt các khoản thuế toàn diện lên mọi thứ, từ phụ tùng ôtô đến trái bơ. Các nhà kinh tế học dự đoán chiến tranh thương mại leo thang có thể khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại và giá cả đắt đỏ hơn.

Ông Trump viện dẫn một đạo luật an ninh quốc gia hiếm khi được sử dụng, được gọi là Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế, để hợp thức hóa việc áp thuế với các quốc gia có thỏa thuận thương mại với Mỹ.

 Các trợ lý kinh tế hàng đầu của tổng thống Mỹ, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, theo phe ủng hộ thuế quan. Ảnh: New York Times.

Các trợ lý kinh tế hàng đầu của tổng thống Mỹ, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, theo phe ủng hộ thuế quan. Ảnh: New York Times.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump tìm cách viết lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ, khi chỉ trích đây là thỏa thuận thương mại "tệ nhất" từ trước đến nay. Sau cùng, Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada đã được ký kết. Ông Trump cũng đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, trong đó yêu cầu Bắc Kinh phải mua số lượng sản phẩm nhất định từ Mỹ, nhưng kết quả thực tế chưa đúng như kỳ vọng.

Các tòa án Mỹ có thể thách thức cơ sở pháp lý của sắc lệnh này. Ngoài ra, động thái mới có khả năng khiến các quốc gia khác e dè đàm phán hiệp định thương mại với Mỹ vì lo ngại Nhà Trắng tùy tiện hủy bỏ khi viện dẫn các quyền hạn khẩn cấp của nước này.

"Nếu tổng thống Mỹ, chỉ bằng một nét bút và không có lý do chính đáng nào, làm đảo lộn hoàn toàn chuỗi cung ứng Bắc Mỹ đã tồn tại hơn 30 năm, thì tại sao nước khác lại phải sẵn sàng chi toàn bộ vốn chính trị để tham gia vào một thỏa thuận thương mại?", Scott Lincicome - Phó chủ tịch phụ trách kinh tế và thương mại tại Viện Cato - cho biết.

Ông Lincicome nói thêm sự bất ổn mà Mỹ đang phủ bóng lên thương mại quốc tế chỉ có lợi cho Trung Quốc, đối thủ kinh tế của nước này.

Ông Trump từng đe dọa áp thuế quan với tất cả hàng nhập khẩu, cùng với các khoản thuế bổ sung, với Liên minh châu Âu. Động thái này có thể khuyến khích nhiều quốc gia tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Ngoài ra, dù thuế quan gây tổn hại đến nền kinh tế Trung Quốc, chuỗi cung ứng gián đoạn và kế hoạch rút lui khỏi các khoản đầu tư vào năng lượng sạch và xe điện của Mỹ cuối cùng sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Mỹ sẽ chịu thiệt?

Về mặt lý thuyết, Quốc hội Mỹ có thể hành động phủ quyết, song hiện tại không có nhiều động lực làm vậy.

Đảng Dân chủ - có xu hướng ủng hộ các biện pháp thương mại bảo hộ - đã chỉ trích hành động của ông Trump là liều lĩnh, song không có mấy ảnh hưởng vì là phe thiểu số trong Quốc hội. Thượng nghị sĩ Chuck Schumer - lãnh đạo phe thiểu số - cho biết “sẽ thật tuyệt nếu Donald Trump bắt tay vào hạ giá thay vì tăng giá".

Trong khi đó, hầu hết nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa đều im lặng hoặc có vẻ đồng tình với ông Trump.

 Thượng nghị sĩ Rand Paul nằm trong số ít đảng viên Cộng hòa phản đối thuế quan khi cho rằng "đánh thuế đồng nghĩa giao thương ít hơn và giá cả cao hơn". Ảnh: New York Times.

Thượng nghị sĩ Rand Paul nằm trong số ít đảng viên Cộng hòa phản đối thuế quan khi cho rằng "đánh thuế đồng nghĩa giao thương ít hơn và giá cả cao hơn". Ảnh: New York Times.

Hạ nghị sĩ Don Bacon từ Nebraska hoài nghi về chính sách này. Ông tỏ ra bối rối khi tổng thống Mỹ dùng thuế quan để đàm phán một thỏa thuận thương mại hiệu quả hơn với Canada. "Chúng ta đã có thỏa thuận thương mại, và thỏa thuận này tốt”, ông Bacon nói. Ông Bacon không chỉ trích thẳng thừng ông Trump, nhưng ra lời khuyên một cách thận trọng: “Tôi đề xuất tập trung vào Trung Quốc và Nga”.

Rượu mạnh, ôtô và sản phẩm nông nghiệp của Mỹ trở thành mục tiêu trả đũa từ Canada, Mexico và Trung Quốc, và điều này có thể giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Mỹ.

Nhiều nhóm vận động hành lang đã thúc giục chính quyền Trump xem xét các biện pháp khác trong nỗ lực giải quyết vấn đề biên giới và fentanyl, đồng thời cảnh báo thuế quan sẽ chỉ gây hại cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ.

“Sau cùng, các nhà sản xuất sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất từ mức thuế quan này, làm suy yếu khả năng bán sản phẩm với mức giá cạnh tranh và gây rủi ro cho việc làm của người Mỹ”, Jay Timmons - Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà sản xuất quốc gia - cho biết.

Các đại diện cho ngành nông nghiệp - một trong những bên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc chiến thương mại từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump - nhấn mạnh tổng thống Mỹ đã đưa lĩnh vực này vào "tình thế khó khăn".

"Các nông trại và trang trại nghe theo lời kêu gọi nuôi sống các gia đình Mỹ và thế giới, song thuế quan cùng lời cam kết trả đũa sẽ gây thêm gánh nặng cho sinh kế của họ", Zippy Duvall - Chủ tịch Liên đoàn Cục Nông trại Mỹ - cho biết.

Trí Ân

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-don-thue-quan-cua-ong-trump-gay-ngac-nhien-post1528949.html