Vì sao động ở chùa Hương có tên gọi Hương Tích?
Cứ theo lời truyền lại, động này là nơi Đức Phật Bà đã tu thành chính quả, mới có tên gọi là động Hương Tích.
Thuyền cứ lướt theo dòng suối cho tới khi thấy ngọn núi Mâm Xôi, Con Gà sừng sững hiện ra là sắp tới chùa Ngoài, tức là chùa Thiên Trù. Khỏi núi này một quãng là bến Thiên Trù có đường xây dốc thoai thoải để khách lên chùa.
Trước bến lên chùa, đò Suối như vùng rộng ra. Chùa Thiên Trù xây trên một sườn đồi, rộng rãi khang trang, ngoài những phòng cho tăng ni ở, còn có từng dãy phòng lớn để khách thập phương về tạm trú trong những ngày chùa mở hội.
Thật là một nơi tịch mịch nếu không phải là ngày hội. Suối chảy róc rách, tiếng chim gõ mõ trong ngàn cây, khiến cho ta quên hết mùi trần tục. Lại thêm đàn cá lửng lơ dưới suối nghe kinh. Chuông chùa từng hồi vang lên như muốn đưa tâm hồn ta tới cõi hư vô.
Những ngày hội, chùa Thiên Trù thực tưng bừng nhộn nhịp đủ các hạng người từ mười phương tìm đến, trước là lễ Phật, sau thăm cảnh chùa; tiếng mõ, tiếng chuông, tiếng tụng kinh, niệm Phật thực náo nhiệt vô cùng. Trái lại những ngày thường, đây là cảnh kỳ quan giữa chốn sơn lâm, trong chùa hương thơm bát ngát, mõ hòa nhịp điệu, chuông vẳng ngân nga, ngoài rừng chim ca ríu rít, vượn hót véo von, điểm tô cho cảnh lâm tuyền tĩnh mịch càng thêm huyền ảo mơ màng...
Vào ngày hội, khách đi lễ chùa Hương phải mất hai ba ngày để đi thăm các cảnh chùa khác như: chùa Tiên, chùa Giải Oan, chùa Cửa Võng, chùa Trong tức động Hương Tích. Buổi sáng thong thả ra đi và buổi chiều về nghỉ tại chùa Thiên Trù.
Nếu du khách khỏe chân, có thể đi viếng cảnh chùa Hình Bồng, chùa này ở trong động đá, gần đỉnh một trái núi cao bên hữu chùa Thiên Trù cảnh trí cũng đẹp, trong chùa có tượng Phật bằng bạc. Chùa ở trên cao, đường lên có nhiều chỗ dốc dựng đứng hiểm trở cheo leo nên rất ít người lên viếng cảnh, lễ chùa.
Từ chùa Thiên Trù vào chùa Trong đường đi khúc khuỷu gập ghềnh, nhưng cảnh xinh như mộng. Trên đường kẻ đi người lại, miệng luôn luôn niệm câu “Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát” cho quên sự mệt nhọc trên quãng đường dài. Dù quen nhau, dù chẳng quen nhau, nhưng gặp nhau ở đây cùng chung một mục đích lễ chùa, tỉnh cũng như quê, ai cũng có thể chào hỏi nhau rất thông cảm bằng nụ cười bằng câu niệm Phật.
Cảnh Phật thiền đầy thiện tính làm cho ai cũng hân hoan niềm nở cùng nhau.
Trên đường vào chùa Trong, cách chùa Thiên Trù một quãng ngắn, có lối rẽ lên chùa Tiên ở sườn một trái núi nhỏ bên tay mặt, cao hơn đường đi khoảng hai ba chục thước. Chùa Tiên được xây lên với một động đá nhỏ, có hai lối ra vào khác nhau. Động đá có nhiều thạch nhũ rủ xuống rất đẹp. Vào động chùa Tiên, nếu không quen, người ta không thể nào ở lâu được vì khói hương thơm ngát, động đá nhỏ, khói thoát ra ngoài không kịp.
Từ chùa Tiên đi một thôi đường dài đến chùa Giải Oan, cách đường đi một chút về phía tay trái. Chùa này mang tên Giải Oan, vì có một giếng nhỏ gọi là giếng Giải Oan, giếng do mạch tự động trong núi đá chảy ra thành dòng suối nhỏ, nước trong và mát. Khách lễ chùa tin rằng nếu uống nước giếng này thì con người được thanh thản tươi vui, nỗi oan khiên sầu muộn hầu như được tiêu giải hết. Cũng vì thế, có nhiều người sau khi đã uống nước suối còn cầu khẩn Đức Phật và xin một vài chai nước suối mang về làm quà cho họ hàng, bè bạn.
Từ chùa Giải Oan đi một độ đường dài nữa đến chùa Cửa Võng. Chùa mang tên theo lối kiến trúc, nhìn bên ngoài phía trước giống như cái cửa võng trước hậu cung các đền thờ.
Qua chùa Cửa Võng đến chùa Trong tức động Hương Tích, tuy vậy còn phải đi một độ đường khá xa, phần nhiều leo dốc. Động Hương Tích ở gần đỉnh một trái núi. Đến cửa động, như hình hàm rồng, khách phải xuống mấy chục bậc xây, sâu hơn cửa động trên mười thước mới vào được trong động.
Ngay trước cửa động có hai cây chò vẩy rất thẳng và rất cao, đó là thứ gỗ quý và hiếm có ở miền Bắc. Xuống hết bậc xây, ngay trước cửa động, khách thấy ngay một dải thạch nhũ từ trên rủ xuống trên có chữ đề NAM THIÊN ĐỆ NHẤT ĐỘNG, nét bút rất sắc sảo, tương truyền là bút tích của vua Lê Thánh Tông.
Động Hương Sơn có tượng thờ Đức Phật Bà Quan Âm và chư vị La Hán. Cứ theo lời truyền lại, động này là nơi Đức Phật Bà đã tu thành chính quả, mới có tên gọi là động Hương Tích.
Động Hương Tích rất rộng, có nhiều khối thạch nhũ từ dưới đất đùn lên, từ trên trần giải xuống, ngăn phần trong cùng động thành mấy lớp. Nhũ đá óng ánh muôn màu kỳ ảo, lạ nhất là có những nhũ đá gõ vào nghe như tiếng chuông, tiếng khánh, có những nhũ đá như hình em bé, người ta nói là hình cô, hình cậu.
Tín nữ hiếm con đi trẩy hội cầu tự thường miệng lẩm nhẩm cầu trời cầu Phật tay vuốt ve các nhũ đá như để rủ về với mình.
Ánh sáng trong động vì chỉ có từ ngoài cửa chiếu vào và qua một vài lỗ hổng trên đỉnh núi chiếu xuống nên rất yếu ớt; thêm vào đó, ánh sáng những ngọn nến trên các bệ thờ Phật không đủ sức sáng, còn khói trầm, khói hương làm cho mờ mờ ảo ảo cả một khoảng trong cùng quả động, nơi thờ Phật càng thêm vẻ tôn nghiêm.
Trong động có đường lên trời, đường xuống Âm phủ, đó là chỗ vách đá thông lên đỉnh núi và hang đá đi sâu vào lòng đất, người ta đã gọi vậy cho thêm bí ẩn ly kỳ.
Du khách đi lễ chùa Hương nếu muốn đi cho hết, nên đi lễ chùa Hình Bồng đã nói ở trên và chùa Long Vân chỉ cách chùa Thiên Trù chừng vài ba cây số.
Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-dong-o-chua-huong-co-ten-goi-huong-tich-post1460006.html