Vì sao đóng tàu sân bay lại khó khăn?
Câu hỏi này mới nghe qua tưởng chừng là vớ vẩn, bởi thực hiện một công trình to lớn, phức tạp thì đương nhiên khó khăn. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, nhiều quốc gia, đã từng thực hiện nhiều công trình vĩ đại, đạt nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật to lớn nhưng vẫn cảm thấy bối rối khi thực hiện các dự án đóng tàu sân bay.
Các tin tức mới nhất cho thấy Trung Quốc đang gặp một số vấn đề kỹ thuật với con tàu sân bay tự đóng đầu tiên. Nga, dù đi trước Trung Quốc về việc đóng tàu sân bay vài thập kỷ, cũng vẫn tỏ ra chưa hoàn toàn yên tâm với chất lượng của các con tàu khổng lồ họ đóng.
Điều đó cho thấy nhiều quốc gia, dù chọn con đường phát triển hàng không mẫu hạm, dù đã bỏ nhiều công sức, vẫn đi kết một kết luận giống nhau: tàu sân bay là thứ rất, rất phức tạp và đắt đỏ.
Cho đến nay, mới chỉ có Mỹ và cũng chỉ có Mỹ mới tỏ ra tự tin với năng lực đóng tàu sân bay, thể hiện qua hạm đội hàng không mẫu hạm hiện đại cả chục chiếc. Nga có 1 và Trung Quốc đang loay hoay với con tàu tự đóng đầu tiên, tàu Type 001A.
Điều hiển nhiên là các tàu sân bay phải có kích cỡ rất lớn. Máy bay cần đường băng để cất hạ cánh, với sự hỗ trợ của dốc “nhảy cầu” hoặc máy phóng (trừ các loại máy bay cất hạ cánh thẳng đứng như Harrier hoặc F-35). Hầu hết các tàu sân bay phải có mặt boong dài ít nhất 200m.
Tàu lớp Ford của Mỹ có mặt boong dài 333m. Điều này có nghĩa là con tàu phải có độ lớn tương ứng (để tạo ra thế cân bằng, vững chãi cần thiết) và kết quả là ta có một con tàu có lượng choán nước từ 40.000-100.000 tấn.
Tàu sân bay còn phải mang theo tất cả những thứ cần thiết để duy trì hoạt động của phi đội máy bay trên biển. Con tàu phải mang theo số xăng máy bay đủ để phục vụ phi đội, số bom đạn, tên lửa trang bị cho chiến đấu cơ, ngoài ra còn phải mang theo các linh kiện, phụ tùng bao gồm các động cơ thay thế cho máy bay. Nò còn cần phải có khoang dành để chạy thử động cơ, một việc vừa ồn ào vừa rất nguy hiểm.
Chưa dừng lại ở đó, tàu còn cần phải có nhà chứa máy bay, khu vực bảo dưỡng, sửa chữa. Đối với các tàu sân bay cỡ lớn, chúng còn cần phải có không gian để bố trí máy phóng máy bay, thiết bị thu hồi máy bay khi chúng đáp xuống đường băng ngắn.
Một trong những vấn đề lớn khi đóng tàu sân bay là hệ thống lực đẩy. Mỗi tàu sân bay thường lớn gấp 8-9 lần một tàu khu trục và cần phải có động cơ đủ khỏe để đẩy chúng đi, đạt vận tốc ít nhất 55km (vận tốc đủ để tạo gió ngược hỗ trợ máy bay cất, hạ cánh). Tàu nào lắp động cơ máy thủy thông thường (tức không phải tàu hạt nhân) còn cần phải có khoang chứa nhiên liệu cực lớn phục vụ chính nó. Làm tàu sân bay năng lượng hạt nhân còn đòi hỏi công nghệ cao hơn rất nhiều.
Và với vai trò một thành phố nổi, tàu sân bay còn phải phục vụ vài ngàn người trên tàu (như một tàu sân bay cỡ lớn của Mỹ là 6.000 người). Họ không chỉ cần chỗ làm việc, mà còn cần ăn, uống, sinh hoạt và vui chơi giải trí. Cần phải lo tích trữ, bảo quản thực phẩm, xử lý chất thải, chăm sóc sức khỏe… Muốn duy trì cuộc sống vài tháng, có khi nửa năm trên biển, cuộc sống của quân nhân phải được đáp ứng ở mức “chịu được”.
Và hiện đại như Mỹ mà còn chậm tiến độ 2 năm trong việc đóng tàu Ford, chuyện Trung Quốc hay Nga gặp vấn đề cũng là bình thường.