Vì sao dòng vốn FDI 'đổ' vào TP. Hồ Chí Minh trong 2 tháng đầu năm
Trong 2 tháng đầu năm 2019, TP. Hồ Chí Minh là địa phương đứng thứ 2 của cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, dòng vốn này đóng góp chủ yếu lại đến từ hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước.
Nhà đầu tư nước ngoài “đổ” hơn 1 tỷ USD vào TP. Hồ Chí Minh
Theo thông kế của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung trong 2 tháng đầu năm 2019, TP. Hồ Chí Minh là địa phương thu hút vốn FDI đứng thứ hai của cả nước (Hà Nội là địa phương đứng thứ nhất thu hút vốn FDI, với tổng số vốn đăng ký hơn 4 tỷ USD). Cụ thể, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh là hơn 1 tỷ USD.
Trong tháng đầu năm 2019, Thành phố đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 68 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt 32,72 triệu USD. Ngoài ra, có 11 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 4,70 triệu USD.
Cũng trong thời gian này, thành phố chấp thuận cho 191 trường hợp Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp (DN) trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 452,71 triệu USD (so với cùng kỳ, tăng 1,6% về số trường hợp và tăng gấp 3,7 lần về vốn đầu tư).
Ban quản lý Khu công nghiệp Hiệp Phước - cho biết, trong tháng 1/2019 đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu và đầu từ vào Khu công nghiệp Hiệp Phước. Cụ thể: Công ty TNHH Schindler Việt Nam (Thụy Sỹ) đã ký hợp đồng thuê đất với diện tích 10.000 m2 để xây dựng nhà máy sản xuất với công nghệ sản xuất tiên tiến cùng dây chuyền sản xuất hiện đại. Hay, Tập đoàn Schindler là một trong những nhà sản xuất hàng đầu thế giới chuyên sản xuất khung, dầm thang máy, nhập khẩu, lắp đặt và bảo dưỡng các dòng sản phẩm thang máy và thang cuốn cũng đầu tư vào đây.
M&A có phải là xu hướng trong năm 2019?
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - cho biết, trong năm 2018, thành phố (TP) thu hút được 7,39 tỷ USD vốn FDI thì có khoảng 6 tỷ USD là thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần góp vốn của DN trong nước.
“Luật Đầu tư năm 2014 ra đời đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện việc mua bán và sáp nhập (M&A) thông qua việc thực hiện việc góp vốn, mua cổ phần và mua lại phần góp vốn của DN trong nước. M&A là xu hướng nổi lên vài năm gần đây tại TP. Hồ Chí Minh” - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Số lượng và giá trị nguồn vốn FDI thông qua phương thức này có sự tăng trưởng liên tục. Nếu như năm 2016 chỉ có khoảng 1,5 tỷ USD được đăng ký đầu tư vào TP dưới hình thức này, thì năm 2017 con số này đạt khoảng 3,68 tỷ USD và đến năm 2018, số vốn này đã đạt khoảng 6 tỷ USD, tăng trưởng gấp 4 lần so với năm 2016.
Theo các chuyên gia kinh tế, lý do mà nhà đầu tư nước ngoài “ưa thích” hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần góp vốn của DN trong nước là do thủ tục đơn giản, thuận tiện. Đơn cử, nhà đầu tư nước ngoài không cần xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong DN Việt Nam, mà chỉ cần làm các thủ tục đăng ký với các cơ quan quản lý Nhà nước, tùy từng trường hợp góp vốn, mua cổ phần ở DN Việt Nam có điều kiện kinh doanh hay không.
Trong khi đó, cơ quan quản lý Nhà nước lại có cách nhìn nhận và đánh giá khá thận trọng về vấn đề này... Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, hình thức M&A tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng đồng thời cũng giúp họ có thể “né” một số vấn đề liên quan đến quản lý Nhà nước về đầu tư.
Đơn cử, thông qua việc mua 100% vốn của DN trong nước, nhà đầu tư nước ngoài sẽ tránh được việc phải lập dự án đầu tư và xin cấp phép từ cơ quan quản lý. Mặt khác, với các dự án bất động sản thì với việc mua cổ phần, phần vốn góp của DN trong nước, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không phải làm các thủ tục liên quan đến chuyển nhượng dự án…
Hiện hình thức M&A đóng góp phần quan trọng trong thu hút vốn FDI nhưng cũng là vấn đề quan tâm của các cơ quan quản lý. Do đó, Nhà nước cần sớm có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về quản lý dòng vốn này.
Trong năm 2018, hoạt động M&A tăng trưởng mạnh mẽ tại TP. Hồ Chí Minh, điều này cho thấy trong năm 2019, TP. Hồ Chí Minh vẫn là thị trường sôi động, điểm đến hấp dẫn trong hoạt động M&A và M&A có thể trở thành xu hướng trong năm 2019 tại Việt Nam.