Vì sao dự án cầu Bến Rừng 'lỗi hẹn' với lễ hội Hoa phượng đỏ?
Theo kế hoạch, công trình cầu Bến Rừng sẽ thông xe, đưa vào sử dụng đúng dịp tổ chức lễ hội Hoa phượng đỏ lần thứ 11 tại Hải Phòng. Nhưng tình hình thực tại, cầu Bến Rừng chỉ có thể thông xe vào tháng 6 tới.
Cây cầu mang biểu tượng lịch sử
Ngày 13/5/2022, UBND TP Hải Phòng phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức động thổ khởi công xây dựng cầu Bến Rừng có tổng mức đầu tư khoảng 1.941 tỷ đồng.
Dự án cầu Bến Rừng là công trình giao thông cấp đặc biệt đã được HĐND TP Hải Phòng thông qua vào ngày 22/12/2020. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.941 tỷ đồng với nguồn vốn đầu tư được sử dụng từ ngân sách trung ương, ngân sách Hải Phòng và ngân sách tỉnh Quảng Ninh.
Cây cầu được thiết kế với 3 biểu tượng chữ V mang ý nghĩa lịch sử 3 lần đánh thắng giặc ngoại xâm trên sông Bạch Đằng.
Cầu Bến Rừng được xây dựng tại vị trí cách phà Rừng hiện tại khoảng 3,7km về phía thượng lưu, phía bên Hải Phòng thuộc xã Gia Đức, huyện Thủy Nguyên, cách cầu sông Chanh khoảng 4,3km và cách quốc lộ 18 khoảng 6,4km.
Cầu có chiều dài khoảng 1.857m, trong đó cầu chính dầm liên tục bêtông cốt thép dự ứng lực, gồm 4 làn xe cơ giới và hai làn hỗn hợp; vận tốc thiết kế cầu chính 80km/h.
Theo dự kiến, tháng 5/2024, việc xây dựng cầu Bến Rừng sẽ hoàn tất để đưa vào khai thác để chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, lễ hội Hoa phượng đỏ 2024 và kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5).
Sau 2 năm vượt qua khó khăn, thách thức, đến nay, công trình cầu Bến Rừng đã cơ bản hoàn thành với chiều dài gần 2km, vượt qua dòng sông Đá Bạch, nối huyện Thủy Nguyên với thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh).
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án (BQLDA) Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng cho biết, trong quá trình xây dựng cầu, BQLDA, nhà thầu, tư vấn giám sát luôn nhận được sự hỗ trợ lớn từ các cơ quan, đơn vị liên quan, nhất là các địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Đây cũng là công trình nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, khi lãnh đạo hai địa phương thường xuyên kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của dự án.
Chưa xong đường dẫn, chưa thể thông xe
Theo ông Đỗ Tuấn Anh, Tổng giám đốc BQLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng, hiện nay, việc thi công cầu Bến Rừng đã hoàn tất, các hạng mục nhỏ nhất cũng như việc kiểm tra, thử tải cầu đã hoàn thành.
Khối lượng công việc của dự án bên phía Hải Phòng đã sẵn sàng cho việc thông cầu và đưa vào sử dụng đúng dịp kỉ niệm 69 năm ngày Hải Phòng giải phóng cũng như chào mừng lễ hội Hoa phượng đỏ lần thứ 11 sắp diễn ra.
Tuy nhiên, về phía dự án thi công đường dẫn bên tỉnh Quảng Ninh chưa thể hoàn thành nên lễ thông xe như dự kiến ban đầu đã không thể diễn ra."
Theo quan sát của PV Báo Giao thông, từ cuối tháng 4/2024 đến nay, dự án thi công đường dẫn bên phía tỉnh Quảng Ninh đang được thực hiện một cách gấp rút.
Các nhà thầu đang trong giai đoạn tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hạng mục, tuy nhiên thời tiết khu vực liên tục có mưa kéo dài, khiến công tác tổ chức thi công mặt đường không thể thực hiện được.
Trên thực tế, chỉ trong thời gian vừa qua, đã có 13 trận mưa lớn khiến hạng mục mặt đường buộc phải tạm dừng. Những thời điểm mưa, nhà thầu đã chuyển sang tập trung thi công các hạng mục ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết như bó vỉa, hộ lan, điện chiếu sáng… để cố gắng đảm bảo tiến độ.
Những ngày trung tuần tháng 5 này, thời tiết khô ráo, nhà thầu đang tập trung tăng ca, kíp, huy động tối đa nhân lực, phương tiện tổ chức thi công đồng loạt hạng mục mặt đường. Đến thời điểm hiện tại, ước tính khối lượng thi công tại dự án bên phía tỉnh Quảng Ninh đạt khoảng 80% khối lượng.
Theo nguồn tin riêng của PV Báo Giao thông, khả năng cầu Bến Rừng và hệ thống đường nối sẽ đưa vào hoạt động, khai thác vào tháng 6 tới.
Khi được đưa vào sử dụng, dự án trên sẽ phát huy được hiệu quả, trở thành hành lang giao thông đường bộ thứ 3 kết nối Quảng Ninh - Hải Phòng, nâng cao năng lực phục vụ về giao thông; phát huy dư địa đất đai giữa 2 khu vực và mở rộng không gian phát triển mới, kiến tạo cảnh quan - kiến trúc công trình mang dấu ấn bản sắc địa phương để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của hai địa phương.