Vì sao dự án Khu phức hợp Tháp Quan sát Thủ Thiêm còn dở dang?
Dự án Khu phức hợp Tháp Quan sát Thủ Thiêm với tòa tháp 88 tầng mang tính biểu tượng của Thủ Thiêm hiện vẫn còn dở dang khi chủ đầu tư đang gặp các vướng mắc ở thủ tục đầu tư xây dựng. Nhất là chưa thể triển khai giai đoạn 2 dự án do chờ các cấp chính quyền Tp.HCM giải quyết các nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ về Khu Đô thị mới Thủ Thiêm.
Dự án Khu Phức hợp Tháp Quan sát Thủ Thiêm tại Khu 2b thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Tp.Thủ Đức (Tp.HCM) do Công ty TNHH Liên doanh Thành phố Đế Vương (trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài) làm chủ đầu tư.
Thông tin cho thấy tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại dự án này được nâng từ 50% lên 70% vào năm 2017. Chủ đầu tư là một liên doanh gồm Keppel Land (công ty thành viên thuộc sở hữu của Tập đoàn Keppel, một công ty đa quốc gia hàng đầu của Singapore) nắm giữ 40%, Quỹ Gaw Capital Partners 30%. Số cổ phần còn lại thuộc về sở hữu của 2 nhà đầu tư trong nước là CTCP Bất động sản Tiến Phước, Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái.
“Có vấn đề” ở giai đoạn 2
Theo tiến độ thực hiện, dự án đầu tư được duyệt là từ năm 2016 đến 2022. Trong giai đoạn 1, chủ đầu tư cho biết tổng vốn đầu tư dự án đã giải ngân khoảng 13.000 tỷ đồng. Thực hiện thanh toán toàn bộ tiền sử dụng đất của Khu 2b trong năm 2017.
Bên cạnh đó, đã thực hiện thi công xây dựng toàn bộ hạ tầng kỹ thuật toàn dự án trên diện tích đất giao thông được giao tại quyết định giao đất của UBND Tp.HCM. Xây dựng Cụm công trình chung cư phức hợp MU4 (lô 2-14), MU7 (lô 2-16&17), MU11 (lô 2-21), hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, đến giai đoạn 2 của dự án lại “có vấn đề”. Đối với khu vực Tháp Quan sát tại lô 2-13, chủ đầu tư đã báo cáo phương án kiến trúc và được UBND Tp.HCM chấp thuận (phương án - Sky Forest), hoàn thành công tác thiết kế tổng mặt bằng và phương án kiến trúc, đang trình các cơ quan chuyên môn xem xét phê duyệt theo quy định. Cấu phần quan trọng của lô 2-13 là 1 tòa tháp văn phòng trung tâm tài chính và tòa tháp 88 tầng mang tính biểu tượng của Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Về chi phí sử dụng đất bổ sung (nếu có) nộp vào ngân sách Nhà nước, từ năm 2019, chủ đầu tư dự án đã có văn bản cam kết ngày 10/12/2019 gửi Sở Tài Nguyên và Môi trường Tp.HCM và Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng khu Đô thị mới Thủ Thiêm khi xin cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho một số lô đất gồm cả lô 2-18 và 2-13.
Đến nay, mặc dù Sở Tài chính Tp.HCM đã có công văn vào ngày 24/4/2017 xác nhận chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ nộp số tiền sử dụng đất cho dự án Khu phức hợp Tháp Quan sát, chủ đầu tư cho biết cũng mới chỉ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 3 lô đất trên trên tổng số 9 lô đất được giao.
Hiện nay, dự án này không thể triển khai giai đoạn 2 do chờ các cấp chính quyền thành phố giải quyết các nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ về Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Về chấp thuận đầu tư giai đoạn 2, Sở Xây dựng Tp.HCM đã thẩm định và báo cáo UBND Tp.HCM quyết định chấp thuận đầu tư giai đoạn 2 theo tờ trình ngày 27/7/2020, tuy nhiên chưa được UBND Tp.HCM chấp thuận.
Loay hoay thủ tục “chấp thuận đầu tư”
Trong khi đó, theo Khoản 2 Điều 111 Nghị định 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 hướng dẫn Luật đầu tư 2020 đã bãi bỏ các quy định liên quan đến thủ tục chấp thuận đầu tư dự án quy định tại Nghị định 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 về quản lý đầu tư phát triển đô thị.
Nhất là từ Điều 20 đến Điều 30 của Nghị định 11/2013/NĐ-CP quy định các nội dung về chấp thuận đầu tư dự án. Chủ đầu tư cho biết, họ hiểu rằng việc bãi bỏ các điều khoản này đồng nghĩa với việc bãi bỏ thủ tục quyết định chấp thuận đầu tư. Như vậy đối với Dự án Khu phức hợp Tháp quan sát Thủ Thiêm, phía chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư theo quy định của Nghị định 11/2013/NĐ-CP ngày 14/1/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị.
Ngoài ra, theo chủ đầu tư, việc chậm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch đầu tư kinh doanh của Dự án và thời gian thực tế sử dụng đất ngắn hơn, đặc biệt tác động mạnh vào tâm lý và niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài trong liên doanh, vốn là các tập đoàn phát triển bất động sản và quỹ đầu tư tài chính uy tín đến từ Singapore và Hồng Kông đã gắn kết lâu dài tại Việt Nam.
Hiện phía chủ đầu tư dự án đã hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng, đủ điều kiện nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng theo Điều 43 Nghị định 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 cho công trình MU8 lô 2-18 thuộc kế hoạch đầu tư giai đoạn 2.
Tuy nhiên hiện công trình chưa được giải quyết cấp giấy phép xây dựng do đang chờ được chấp thuận đầu tư dự án như nêu trên.
Trong báo cáo mới đây của Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) có dẫn lại ý kiến của chủ đầu tư dự án này, đó là đề nghị Sở Xây dựng Tp.HCM có văn bản hướng dẫn việc không phải thực hiện lại thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” do công ty này đã thực hiện thủ tục “chấp thuận đầu tư” theo quy định của Nghị định 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị, trước ngày Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực.