Vì sao dự án nhà máy giấy 3.400 tỷ đồng tại Long An 'chết yểu'?

Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An được đầu tư cách đây 20 năm với số tiền 3.410 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án vừa 'sinh ra' thì phải 'khai tử', vì thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất, công nghệ sản xuất không phù hợp với nguyên liệu, cho nên Nhà máy bột giấy Phương Nam đang được tính đến việc bán thanh lý.

Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam có diện tích trên 45 ha, được Thủ tướng cho phép Công ty Đầu tư phát triển Giao thông vận tải TRACODI làm chủ đầu tư hồi tháng 10/2003. Dự án có số vốn đầu tư ban đầu là 1.487 tỷ đồng, khi được bàn giao về Vinapaco, tổng vốn Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam đã tăng lên 3.410 tỉ đồng. Quy mô dự án là 100.000 tấn bột giấy/năm từ nguyên liệu là cây đay. Đây được coi là công nghệ “đặc thù”, chỉ có tại Việt Nam. Tuy nhiên, điểm đặc biệt này cuối cùng lại trở thành nút thắt không thể tháo gỡ.

Sau 20 năm thực hiện dự án nhà máy bột giấy Phương Nam với số tiền đầu tư lên đến 3.410 tỷ đồng, nhưng đến nay nhà máy này vẫn chưa thể nào đi vào vận hành vì thiếu nguồn nguyên liệu và công nghệ sản xuất thì không phù hợp. Do đó, dự án này đang tạm dừng và đề xuất thanh lý tài sản trên đất.

Theo bà Đặng Thanh Điệp, một hộ dân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án nhà máy bột giấy Phương Nam. Đồng ý với phương án đền bù, gia đình bà đã bàn giao và di dời ra khỏi phần đất quy hoạch từ năm 2003. Tuy nhiên, khi nhà máy được xây dựng hoàn thiện chỉ hoạt động một vài lần rồi ngưng cho đến nay.

Là một hộ dân đã ký hợp đồng trồng cây đay hay còn gọi là cây bô cho công ty bột giấy Phương Nam, bà Trần Thị Thu Hà cho biết, gia đình trồng đến 5 héc ta và chỉ mới cung cấp được 2 lần cho công ty rồi nghỉ trồng luôn cho đến nay.

Vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban chỉ đạo xử lý các dự án thua lỗ ngàn tỉ có chuyến khảo sát thực tế dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, dự án đã thể hiện là không khả thi do không còn vùng nguyên liệu; kỹ thuật thì không khắc phục được; qua 3 lần tổ chức bán đấu giá tài sản thì không có nhà đầu tư nào tham gia. Do đó, phương án mà Bộ Công Thương đưa ra là dừng thực hiện và bán thanh lý tài sản trên đất của dự án.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương trình “phương án cuối cùng” lên Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương hạnchót là trước 15/4/2023.

Thực hiện : Mỹ Tho Tăng Sắc

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/vi-sao-du-an-nha-may-giay-3400-ty-dong-tai-long-an-chet-yeu