Vì sao dự báo mùa hè năm nay không khốc liệt như năm 2024 mà nắng nóng vẫn thiêu đốt nhiều khu vực?

Theo nhận định từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa hè năm 2025 không vượt đỉnh khốc liệt như năm 2024, song nắng nóng vẫn gia tăng mạnh, đặc biệt trong các tháng 5 và 6.

Miền Bắc gia tăng nắng nóng trước khi chuyển mưa dông

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 7/5, ở khu vực Bắc Bộ có nắng nóng cục bộ; Trung Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ lúc 13h phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ như: Yên Châu (Sơn La) 37.6 độ, Tương Dương (Nghệ An) 37.8 độ, Ba Tơ (Quảng Ngãi) 37.4 độ,… Độ ẩm tương đối lúc 13h phổ biến 50-60%.

Ngày 8-9/5, ở phía Tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 39 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45-50%.

Nắng nóng gay gắt tiếp diễn trước khi đón không khí lạnh, chuyển mưa dông. Ảnh: Tuấn Anh

Nắng nóng gay gắt tiếp diễn trước khi đón không khí lạnh, chuyển mưa dông. Ảnh: Tuấn Anh

Ngày 8-9/5, ở phía Đông Bắc Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-55%. Cảnh báo từ ngày 10/5 nắng nóng diện rộng kết thúc ở Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: cấp 1.

Nhiệt độ tại các khu vực nắng nóng nhất ngày 7/5.

Nhiệt độ tại các khu vực nắng nóng nhất ngày 7/5.

Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ cao xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Lưu ý nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tếngoài tr ời có thể chênh lệch từ 2-4 độ, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.

Cao điểm nắng nóng khốc liệt là tháng 5 và 6

Theo nhận định từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa hè năm 2025 không vượt đỉnh khốc liệt như năm 2024, song nắng nóng vẫn gia tăng mạnh, đặc biệt trong các tháng 5 và 6.

Cụ thể, các đợt nóng sẽ xuất hiện diện rộng tại Bắc Bộ và Trung Bộ, trong đó nhiều khu vực như trung du, đồng bằng Bắc Bộ, Sơn La, Hòa Bình được dự báo có thể xuất hiện nắng nóng ngay trong đầu tháng 5.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia – năm 2025, hiện tượng ENSO đang duy trì trạng thái trung tính với xác suất cao (70-90% trong giai đoạn tháng 5-7 và 55-65% trong tháng 8-10). Điều này đồng nghĩa với việc thời tiết năm nay sẽ khó lường, không quá cực đoan như khi El Nino hay La Nina hoạt động mạnh, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ nắng nóng kéo dài xen kẽ các đợt mưa lớn bất thường.

Bên cạnh đó, nhiệt độ trung bình từ tháng 5 đến tháng 10 trên toàn quốc được dự báo cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5-1 độ C, đặc biệt tháng 6 và tháng 8 sẽ là đỉnh điểm nóng nực. Riêng khu vực Tây Bắc có thời điểm có thể vượt ngưỡng trung bình trên 1 độ C.

Không chỉ nắng nóng, mùa hè năm nay cũng ghi nhận hàng loạt nguy cơ thời tiết cực đoan, từ mưa lớn cục bộ đến hạn hán và xâm nhập mặn. Các chuyên gia khí tượng nhận định, mùa mưa bão 2025 (từ tháng 6-11) sẽ có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó 4-6 cơn được dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam. Phần lớn các cơn bão dự kiến tập trung vào nửa cuối mùa, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng chống thiên tai.

Ngoài các tỉnh phía Bắc, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ cũng sẽ phải đối mặt với những đợt mưa lớn cục bộ trong các tháng 5-9. Lượng mưa tại đây được dự báo cao hơn trung bình 5-20%, dẫn đến nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng, nhất là tại các vùng núi, vùng trũng thấp và đô thị đông dân như Hà Nội, TP.HCM và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn cũng sẽ tiếp tục là bài toán khó với khu vực miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Việc thiếu nước sinh hoạt và sản xuất có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu không có các biện pháp chủ động điều tiết nguồn nước và cải thiện hạ tầng thủy lợi. Giới chuyên gia khuyến nghị cần triển khai sớm các công trình trữ nước, cảnh báo sớm và hướng dẫn người dân tiết kiệm nước.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-du-bao-mua-he-nam-nay-khong-khoc-liet-nhu-nam-2024-ma-nang-nong-van-thieu-dot-nhieu-khu-vuc-169250507154610563.htm