Vì sao du lịch Việt Nam tụt hạng?
Theo báo cáo từ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năm 2024, Chỉ số năng lực phát triển du lịch của Việt Nam sụt giảm, với điểm yếu là hạ tầng dịch vụ... Thông tin này thu hút sự chú ý từ dư luận với nhiều câu hỏi: Vì sao ngành du lịch Việt Nam có nhiều nỗ lực phát triển nhưng vẫn tụt hạng? Đâu là những bất cập, yếu kém cần nhanh chóng khắc phục?
Theo công bố mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Chỉ số phát triển du lịch và lữ hành của Việt Nam hiện đứng thứ 59/119 với điểm trung bình 3,96/7 trong bảng xếp hạng. Nếu so với thống kê của hai năm trước, đây là sự tụt hạng đáng kể khi Việt Nam đã tụt 7 bậc.
Chỉ số phát triển du lịch và lữ hành là bản nâng cấp của chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch công bố hai năm một lần, dựa trên bối cảnh mới sau đại dịch COVID-19. Bộ chỉ số dựa trên 5 nhóm chính gồm môi trường hoạt động; chính sách và điều kiện hỗ trợ; cơ sở hạ tầng; động lực thúc đẩy nhu cầu du lịch và cuối cùng là sự bền vững của du lịch. Đi vào chỉ tiêu cụ thể, 5 nhóm chỉ số trên chia thành 17 lĩnh vực như an ninh, an toàn; y tế và vệ sinh; chính sách mở cửa; hạ tầng du lịch, vận chuyển; tài nguyên tự nhiên, văn hóa; bền vững của môi trường.
Năm nay, điểm yếu của du lịch Việt Nam là hạ tầng dịch vụ. Với chỉ số này, du lịch Việt Nam chỉ đạt 2,2 điểm, xếp hạng 89/119 trên toàn thế giới. Đây cũng là số điểm thấp nhất của Việt Nam trong 5 nhóm chỉ số của Chỉ số phát triển du lịch và lữ hành.
Trao đổi với VOV2, ông Hoàng Quốc Hòa - Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho rằng, kết quả xếp hạng này chưa phản ánh thật sự chính xác thực tế của du lịch Việt Nam và nguyên nhân có thể là do Diễn đàn Kinh tế Thế giới chưa cập nhật đầy đủ những dữ liệu thống kê mới nhất.
"Đơn cử như chỉ số về mức độ mở cửa du lịch Việt Nam là xếp thứ 80/119, thuộc nhóm trung bình thấp của thế giới. Chỉ số này gồm 4 chỉ số thành phần, trong đó yêu cầu về thị thực nhập cảnh được đánh giá dựa trên báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới từ năm 2015. Như vậy là quá lạc hậu, khi Việt Nam đã có những cải thiện lớn về chính sách thị thực từ giữa tháng 8 năm ngoái như: cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, nâng thời hạn tạm trú từ 30 ngày lên 90 ngày và thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày cho công dân của cả nước được miễn thị thực vào Việt Nam. Hay là chỉ số tác động kinh tế xã hội xếp thứ 115/119, tức là gần như đội sổ, do Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã lấy số liệu từ các năm 2020, 2021, 2022, quãng thời gian mà Việt Nam gần như tập trung toàn lực để phòng chống dịch Covid-19, cho nên chưa thể đầu tư cũng như tập trung cho phát triển du lịch là điều tất yếu", ông Hoàng Quốc Hòa phân tích.
TS Trần Thị Ngân Giang, Phó Hiệu trưởng, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Cao đẳng Đại Việt cho rằng, thông tin này cung cấp một cái nhìn cụ thể hơn về những điểm yếu cụ thể trong ngành du lịch của Việt Nam. Vấn đề hạ tầng dịch vụ là điểm yếu chính trong chỉ số này, là một thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của ngành du lịch. "Đó là một tín hiệu cho thấy có những vấn đề cần được giải quyết và cải thiện trong ngành để đảm bảo sự phát triển bền vững và cạnh tranh".
TS Trần Thị Ngân Giang cũng cho rằng, bên cạnh những thách thức thì đây cũng được xem là cơ hội để ngành du lịch Việt Nam tái cấu trúc và phát triển theo hướng bền vững. "Với sự quyết tâm của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, tôi tin tưởng rằng ngành du lịch Việt Nam sẽ vượt qua những khó khăn hiện tại và phát triển mạnh mẽ trong tương lai".
Để Việt Nam trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn và phát triển một ngành du lịch bền vững, điều cần thiết lúc này là phải hoàn thiện chính sách, xây dựng và thực thi chiến lược du lịch toàn diện, nâng cao chất lượng dịch vụ, quảng bá và truyền thông hiệu quả. Cùng với đó bảo tồn và bảo vệ môi trường và văn hóa, tạo ra các sản phẩm và trải nghiệm du lịch đa dạng, độc đáo, tăng cường hợp tác giữa các ngành khác...
Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/vi-sao-du-lich-viet-nam-tut-hang-post1101707.vov