Vì sao đường càng mở rộng càng tắc?

Ngày 9-11, đường vành đai 2 trên cao của TP Hà Nội, đoạn từ Ngã Tư Vọng đến Ngã Tư Sở (đường Trường Chinh) được thông xe với kỳ vọng sẽ cải thiện giao thông, giảm tải cho tuyến đường vành đai 2 dưới thấp. Tuy nhiên, sau khi tuyến đường được đưa vào khai thác, tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng lại diễn ra vào các khung giờ cao điểm, thậm chí còn trầm trọng hơn trước. Mặc dù cơ quan chức năng đã triển khai các phương án phân luồng, điều chỉnh thời gian dừng chờ đèn tín hiệu giao thông, bố trí lực lượng ứng trực nhiều hơn, nhưng tình hình chưa được cải thiện. Hiện tượng quá tải phương tiện tại hai nút giao còn lan sang các tuyến đường: Tây Sơn, Nguyễn Trãi, Láng… khiến ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên, nghiêm trọng nhất là sự cố ùn tắc vào chiều tối 17-11 vừa qua.

Ngày 9-11, đường vành đai 2 trên cao của TP Hà Nội, đoạn từ Ngã Tư Vọng đến Ngã Tư Sở (đường Trường Chinh) được thông xe với kỳ vọng sẽ cải thiện giao thông, giảm tải cho tuyến đường vành đai 2 dưới thấp. Tuy nhiên, sau khi tuyến đường được đưa vào khai thác, tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng lại diễn ra vào các khung giờ cao điểm, thậm chí còn trầm trọng hơn trước. Mặc dù cơ quan chức năng đã triển khai các phương án phân luồng, điều chỉnh thời gian dừng chờ đèn tín hiệu giao thông, bố trí lực lượng ứng trực nhiều hơn, nhưng tình hình chưa được cải thiện. Hiện tượng quá tải phương tiện tại hai nút giao còn lan sang các tuyến đường: Tây Sơn, Nguyễn Trãi, Láng… khiến ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên, nghiêm trọng nhất là sự cố ùn tắc vào chiều tối 17-11 vừa qua.

Nguyên nhân của tình trạng này là do hiện nay mới có đoạn đường trên cao từ Ngã Tư Vọng đến Ngã Tư Sở, dài 2 km đưa vào khai thác. Đoạn còn lại từ chân cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng dài 3,1 km đang trong quá trình xây dựng, dẫn đến thiếu đồng bộ. Tại nút Ngã Tư Vọng, các phương tiện ở đường Trường Chinh (tám làn xe) và đường trên cao (bốn làn xe) đổ về nhanh, trong khi hướng đường Trường Chinh - Đại La hiện chỉ rộng đủ hai làn xe, cho nên khả năng lưu thoát xe kém. Tại nút Ngã Tư Sở, lưu lượng giao thông bình thường đã khá cao, nay có thêm lượng ô-tô từ đường vành đai 2 trên cao đổ xuống, tạo thành xung đột giữa các dòng phương tiện. Trong khi đó, hai đường dẫn lên, xuống đường trên cao quá gần hai nút giao, cho nên không thể bố trí điểm quay đầu xe. Các phương tiện muốn chuyển hướng thì buộc phải đi qua nút giao để rẽ. Chưa kể, nhiều xe máy còn đi ngược chiều sai luật để tránh đoạn tắc trên đường Trường Chinh càng khiến giao thông trở nên hỗn loạn.

Theo các chuyên gia, muốn giải tỏa áp lực cho giao thông phải giải quyết những vấn đề căn cơ về quy hoạch xây dựng. Dọc theo tuyến đường vành đai 2 từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, dù dự án mở rộng đường dưới thấp và xây dựng đường trên cao chưa hoàn thành, nhưng rất nhiều khu đô thị mới với hàng chục tòa chung cư cao tầng đã đưa vào sử dụng. Mật độ chung cư dày đặc, dân cư tập trung đông đúc đã đẩy tuyến đường này vào cảnh càng mở rộng càng tắc. Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trong quy hoạch, tuyến đường vành đai 2 trên cao sẽ kéo dài đến nút giao Cầu Giấy. Ngoài ra, thành phố sẽ xây dựng tuyến đường trên cao kết nối đường vành đai 2 và vành đai 3. Khi hệ thống hạ tầng giao thông khung hoàn thành theo quy hoạch sẽ giải quyết được triệt để ùn tắc giao thông.

Tuy nhiên, từ nay đến lúc hoàn thiện các tuyến đường này theo quy hoạch chắc chắn phải mất nhiều năm nữa. Do đó trước mắt, các cơ quan chức năng cần sớm có tính toán để phân luồng từ xa, điều chỉnh hoạt động hệ thống đèn tín hiệu, tổ chức ứng trực lực lượng nhằm cải thiện năng lực khai thác, cũng như nâng cao hiệu quả đầu tư của tuyến vành đai 2 trên cao và dưới thấp. Đồng thời, các cơ quan chức năng của thành phố cần nghiêm túc xem xét công tác quy hoạch, xây dựng các dự án trên tuyến đường vành đai 2 nói riêng và khu vực nội đô Hà Nội nói chung, để bảo đảm hạ tầng giao thông không bị quá tải trầm trọng. Cùng với đó là sớm đưa các dự án đường sắt đô thị vào hoạt động, cụ thể là dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Nội, để giảm số lượng phương tiện giao thông cá nhân, bảo đảm hiệu quả đầu tư các công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn.

KHẢI LÂM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/vi-sao-duong-cang-mo-rong-cang-tac--624954/