Vì sao Elon Musk phản đối 'dự luật to đẹp' của ông Trump?
Dự luật chi tiêu công và giảm thuế, còn gọi là 'dự luật to đẹp' (OBBBA) vừa được Hạ viện Mỹ thông qua. Thế nhưng, dự luật này cũng vấp phải những chỉ trích mạnh mẽ, đặc biệt đến từ tỷ phú Elon Musk.

Giảm thuế người giàu, cắt trợ cấp người nghèo
Tỷ phú Mỹ Elon Musk là một trong những người đã phản đối luật này dữ dội nhất với tuyên bố sẽ lập đảng mới nếu quốc hội Mỹ duyệt kế hoạch ngân sách này. Lãnh đạo phe Dân chủ Hakeem Jeffries phát biểu gần 9 tiếng đồng hồ để phản đối “dự luật to đẹp" này trước khi Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua. Vì sao luật này lại gây chia rẽ sâu sắc trong quốc hội Mỹ và dẫn đến nhiều phản đối của ông Elon Musk?
Điểm quan trọng nhất của luật OBBBA chính là các chính sách cắt giảm thuế cho cá nhân và doanh nghiệp, vốn đã là trọng tâm chính sách được ông Trump hứa hẹn hồi tranh cử. Luật này sẽ gia hạn vĩnh viễn các khoản cắt giảm thuế từ Đạo luật Cắt giảm thuế và việc làm năm 2017, được ông Trump thông qua trong nhiệm kỳ đầu tiên và dự kiến hết hạn vào cuối năm nay.
Ngoài ra, luật này sẽ loại bỏ thuế thu nhập đối với tiền tip và tiền làm thêm giờ với người lao động (quy định này sẽ hết hiệu lực vào năm 2028).

Đáng chú ý, dự luật này sẽ bổ sung thêm hơn 170 tỷ USD ngân sách vào hoạt động chống nhập cư. Tương tự, ngân sách quốc phòng cũng tăng hơn 150 tỷ USD mà một phần trong đó sẽ chảy vào dự án Vòm vàng (Golden Dome) - dự án hệ thống phòng thủ tên lửa lục địa đầy tham vọng của ông Trump. Tổng các mức chi này sẽ dẫn đến ngân sách cần phải chi thêm gần 5.000 tỷ USD.
Để giảm bớt tác động của khoản chi khổng lồ này lên ngân sách và nợ công hơn 35.000 USD của Mỹ, chính quyền ông Trump đề xuất cắt giảm 3 khoản chi lớn. Cụ thể, khoản chi lớn nhất dự luật này dự kiến cắt giảm là gần 1.000 tỷ USD từ chương trình bảo hiểm y tế liên bang cho người có thu nhập thấp và người khuyết tật (Medicaid).
Khoản chi lớn thứ 2 được cắt giảm là các chương trình chuyển đổi xanh trong khuôn khổ của Đạo luật Giảm lạm phát do tổng thống tiền nhiệm Joe Biden thúc đẩy (ước tính 490 tỷ USD). Các khoản chi hỗ trợ sẽ bị hủy bỏ bao gồm chính sách tín dụng thuế xe điện và thiết bị sạc xe điện tại nhà. Khoản chi lớn cuối cùng bị cắt giảm là chương trình chống đói nghèo hoặc tem phiếu thực phẩm (ước tính hơn 260 tỷ USD).
Gia tăng nợ công
Có thể nói, việc cắt giảm Medicaid được cho là sẽ có tác động sâu rộng đến hệ thống phúc lợi của Mỹ. Theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội, sẽ có gần 12 triệu người Mỹ mất bảo hiểm y tế vào năm 2034, dẫn đến nhiều phản đối của các dân biểu đảng Dân chủ.
Điều thú vị là số đông những người ủng hộ ông Trump cũng nằm trong nhóm bị ảnh hưởng này. Một số thành viên trong nhóm MAGA (làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) trung thành của ông Trump như Steve Bannon, cố vấn thân cận của ông trong nhiệm kỳ đầu, đã chỉ trích việc cắt giảm Medicaid khi cho rằng việc cắt giảm này ảnh hưởng xấu đến những người ủng hộ Tổng thống.
Tương tự, việc cắt giảm tài trợ cho các chương trình chuyển đổi xanh cũng bị chỉ trích nhiều. Bởi nó tác động đến cả những “ông lớn” đang đầu tư vào mảng này, trong đó có Elon Musk.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi tỷ phú Elon Musk phản đối luật này. Tuy nhiên, luận điểm chính để phản đối luật này của ông Musk đưa ra trên mạng xã hội là vì nó sẽ làm tăng nợ công lớn. “Mọi thành viên Quốc hội vận động cắt giảm chi tiêu của chính phủ rồi ngay lập tức bỏ phiếu tăng nợ lớn nhất trong lịch sử đều nên cúi đầu xấu hổ”, ông Musk viết trên mạng xã hội X và gọi luật này sẽ dẫn nước Mỹ đến con đường “nô lệ nợ”.
Dù mang tính cắt giảm mạnh, nhưng thực tế ngân sách cần chi thêm vẫn lớn. Có nhiều ước tính khác nhau, nhưng nhìn chung đều ước tính rằng nợ công của Mỹ sẽ tăng thêm ít nhất 3.000 tỷ USD. Một số ước tính khác cho là trên 4.500 tỷ USD. Để dự phòng cho nợ công tăng cao, “dự luật to đẹp” sẽ tăng trần nợ công thêm 5.000 tỷ USD.
“Ván cược” chính sách của ông Trump
Đạo luật này về cơ bản, là một ván cược mới về chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ. Ông chủ Nhà trắng hy vọng gia hạn việc giảm thuế, cùng với việc giảm nhiều quy định giám sát ngân hàng và một số ngành kinh doanh, đồng thời tạo sức ép khiến Fed giảm lãi suất, từ đó tạo ra tăng trưởng.
Thực tế, có một số tác động là thật, chẳng hạn như điều khoản sẽ khuyến khích đầu tư. Theo đó, các doanh nghiệp có thể khấu trừ thuế toàn bộ chi phí nghiên cứu và phát triển và khấu hao tài sản của họ nhanh hơn.
Việc giảm quy định giám sát ngân hàng cùng giảm thuế có thể kích cầu trong nền kinh tế. Đảng Cộng hòa cũng cho rằng những thay đổi trong việc cắt chi tiêu phúc lợi sẽ khuyến khích nhiều người Mỹ đi làm hơn, giảm những người lười biếng chờ nhận trợ cấp. Từ đó kích thích tăng trưởng kinh tế, hay chí ít, giảm áp lực lên chuỗi cung ứng lao động.
Phía ủng hộ “dự luật to đẹp” cho rằng “nền kinh tế sẽ bùng nổ trong việc đầu tư vốn. Việc làm sẽ tăng, tiền lương sẽ tăng”, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mike Crapo cho biết: “Chúng ta sẽ thấy loại tăng trưởng và sức mạnh mà đất nước này mong muốn”.
Tuy nhiên, vấn đề là những lợi ích này có thể không lớn như ông Trump và các cố vấn mong đợi. Tăng trưởng không đạt như mong đợi thì gánh nặng nợ công trên GDP sẽ cao hơn dự báo.
Tờ Wall Street Journal nhận xét: “Đảng Cộng hòa và các nhà kinh tế đồng ý về cơ bản là cắt giảm thuế sẽ làm tăng chi tiêu của người tiêu dùng và đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng ngắn hạn. Nhưng họ bất đồng sâu sắc về quy mô của phần tăng trưởng đó”.
Trong khi đó, tờ Economist viết: “Dự luật sẽ làm tăng mạnh nợ công, nhưng dường như không ai quá lo lắng về điều đó. Những rủi ro dài hạn đối với nền kinh tế Mỹ là có thật và đang ngày càng gia tăng”.
Theo các nhà kinh tế, dự luật này sẽ không đạt được sự “bùng nổ” mà Đảng Cộng hòa hy vọng. Họ cảnh báo rằng chính sách kéo dài chương trình giảm thuế sẽ không thể tác động nhiều đến nền kinh tế Hoa Kỳ, đặc biệt là khi chi phí tăng cao và tình trạng bất ổn do thuế quan gây ra. Khi tăng trưởng không được như kỳ vọng, rủi ro nợ công/GDP tăng và mất kiểm soát.
Rủi ro đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới không chỉ tác động một mình họ, mà là câu chuyện của cả thế giới. Vấn đề là người Mỹ đã đặt cược rồi, bây giờ thế giới chỉ có thể hy vọng là họ đúng.