Vì sao 'Emily in Paris' khiến người Pháp thấy nực cười?
'Emily in Paris' có thể vẽ nên giấc mơ màu hồng của nhiều cô gái. Song, tác phẩm truyền hình không được lòng người Pháp, đặc biệt là những người dân Paris.
Nhân vật chính trong Emily in Paris là Emily Cooper (Lily Collins), một nhân viên marketing chuyển đến Paris công tác khi không hề biết tiếng Pháp. Tại đây, ngoài việc đương đầu với đồng nghiệp thiếu thân thiện và khách hàng khó tính, Emily còn có cơ hội trải qua mối quan hệ ngọt ngào nhưng rối rắm với người hàng xóm điển trai.
Bộ phim bị người Pháp cười chê
Theo New York Times, người Pháp, nhất là thị dân Paris, luôn có xu hướng phủ nhận những lời sáo rỗng ngợi ca đô thị của họ là trung tâm của tình yêu và sự lãng mạn trên thế giới. Do đó, cũng không quá bất ngờ khi Emily in Paris vấp phải làn sóng phản đối của người dùng Internet tại quốc gia châu Âu.
Nhận xét về tổng thể loạt phim, RTL, một đài phát thanh tại Pháp, viết trên website chính thức: “Ngoại trừ mũ beret, cocktail, váy vóc và những góc phố hoàn hảo, dân Paris chẳng thể nhận ra cuộc sống hàng ngày của họ phản chiếu trên phim”.
Elaine Sciolino của New York Times đã cho một tá người Paris từ độ tuổi từ 22 tới 81 xem một số trích đoạn từ mùa đầu tiên của Emily in Paris và quan sát phản ứng của họ. Kết quả khảo sát của nữ tác giả sau đó càng củng cố quan điểm mà RTL đưa ra. Đa số nhận xét các đoạn trích là “ridicule” - tính từ tiếng Pháp mang nghĩa nực cười và vô lý, bao hàm cả sự hài hước.
Trong phim, Emily Cooper được giao trách nhiệm hướng dẫn nhân viên một công ty marketing đã có tên tuổi tại Paris chuyên những mặt hàng thời trang cao cấp cách quảng bá hình ảnh trên Instagram và Twitter.
Điều khó thuyết phục khán giả đại chúng, không chỉ riêng tại Pháp, là chuỗi thành công rực rỡ của Emily trong nhiệm vụ mới khi cô vừa chân ướt chân ráo bước sang lĩnh vực ngành hàng xa xỉ. Thêm nữa, cô gái người Mỹ không biết một chữ tiếng Pháp bẻ đôi và tại thời điểm tới Pháp, tài khoản mạng xã hội của cô chưa có nổi 1.000 người theo dõi.
Nguyên nhân lý giải cho sự thay đổi chóng mặt của Emily trong phim không còn gì khác ngoài “sức mạnh nữ chính”.
Phong cách thời trang lệch chuẩn
Tạp chí Vogue từng có bài viết nhan đề How the French Really Feel about Emily in Paris’s Style, phân tích chi tiết những bộ cánh Emily Cooper từng diện trên phim trong tương quan văn hóa Pháp và các nhân vật khác. Kết luận, tủ quần áo màu mè của Emily chỉ có thể được mô tả bằng tính từ “thảm họa”.
Stéphanie Delpon, đồng sáng lập công ty Pictoresq có trụ sở tại Paris, cho rằng vấn đề không nằm ở từng món đồ, mà là tổng thể Emily khoác lên người. Delpon sẽ chỉ chọn một vài món đồ nhất định từ tủ quần áo của Emily, như những chiếc túi sặc sỡ, làm điểm nhấn thay vì khoác tất cả lên người.
“Phong cách thời trang Pháp là tạo những khoảng thở, cũng như không gian để vẻ đẹp trang phục và tính cách người mặc hòa hợp một cách tự nhiên”, cô nói.
Mathilde Carton, tổng biên tập tạp chí Grazia của Pháp nhận xét: “Từ góc độ thời trang, diện mạo trên màn ảnh của Emily quá rực rỡ, quá phô trương và không đủ linh hoạt để mặc hàng ngày”. Nữ nhà báo cũng lấy ví dụ về những đôi giày cao gót Emily mang trong phim: chúng không phải loại giày phù hợp để sử dụng hàng ngày, nhất là một thành phố nơi người dân chủ yếu đi bộ và sử dụng tàu điện ngầm như Paris.
Nghi thức xã giao không chính xác
Philippe Thureau-Dangin, 65 tuổi, chủ sở hữu một đơn vị xuất bản nhỏ tại Pháp tên Exils, nhận xét bộ phim tạo ra quá nhiều tình tiết sáo rỗng tới nực cười: “Có lẽ những người sáng tạo series đang cố bắt chước Molìere. Molìere cũng thường xuyên phóng đại và xây dựng những tình huống bất khả thi để gây cười”.
Ông phì cười khi xem cảnh vị giám đốc trung niên sắp về hưu của một công ty Pháp chào đón Emily bằng cái hôn vào hai bên má: “Chúng tôi không bao giờ hôn má đối tác làm ăn trong buổi gặp mặt đầu tiên tại văn phòng. Không phải làm thế là quá suồng sã sao?”.
Trong cảnh phim, vị giám đốc cũng tự ý lấy thuốc lá ra hút. Trường đoạn được Thureau-Dangin nhận xét sẽ không bao giờ xảy ra ngoài đời thực, đặc biệt là sau khi các văn phòng tại Pháp ban hành quy định cấm hút thuốc trong không gian làm việc.
Thiếu hiểu biết về các phong trào xã hội tại Pháp
Ở tập Sexy or Sexist, khi thấy đoạn phim quảng cáo một phụ nữ khỏa thân đi qua cầu Alexandre III với “trang phục” duy nhất là mùi hương, Emily, được “giác ngộ” triệt để phong trào #MeToo, đã phản đối và gọi đó là phân biệt giới tính. Chuyên gia nước hoa Pháp cùng sếp nữ của Emily lại cho đó là quyến rũ.
“Chi tiết này nhái lại những hình ảnh khỏa thân thường xuất hiện trước đại chúng khoảng 20 hay 30 năm trước tại Pháp”, Léo Bigiaoui, một nhà quay phim 29 tuổi, nhận định. “Tôi không tưởng tượng được cảnh người ta quay phim một phụ nữ khỏa thân trên cây cầu bắc qua sông Seine. Ý tưởng đó thực sự tồi tệ!”, anh nhận xét.
Trên thực tế, người Pháp cũng có phiên bản #MeToo của riêng mình. Họ sử dụng hashtag #BalanceTonPorc (#ExposeYourPig). Chiến dịch này khiến các nhà quảng cáo và tiếp thị sản phẩm trở nên cẩn trọng hơn rất nhiều khi sử dụng tình dục làm công cụ bán hàng.
“Tôi sẽ không dùng một video quảng cáo có nội dung phụ nữ khỏa thân khiêu khích những người đàn ông xung quanh để bán nước hoa. Nó không mang chút phong vị Pháp nào. Đổ tiền cho một chiến dịch như vậy chẳng khác nào tự đào hố chôn mình”, Florence Coupry, nhân viên một hãng truyền thông chiến lược hàng đầu tại Pháp, cho biết.
Một du khách không chịu hòa nhập
Cũng theo lời Florence Coupry, Emily in Paris giống như loạt bài đăng đã được chỉnh màu trên Instagram bước ra đời thực: “Emily là nữ hoàng sở hữu những bức ảnh thu hút vô số lượt 'Thích' trên Instagram. Không chỉ trên Internet, Emily cũng bị ám ảnh bởi việc khiến người khác thích mình ngoài đời thực, ngay cả khi đó là sếp nữ xấu tính”.
Trên thực tế, những lời của Sylvie khi Emily hỏi tại sao bà không muốn mở lòng với cô đã tóm tắt một cách chính xác mối quan hệ giữa Emily với thành phố Paris: “Cô đến Paris. Cô bước vào văn phòng của tôi. Không bận tâm việc phải học ngôn ngữ mới. Cô đối xử với thành phố này như thể đó là công viên giải trí của mình. Và sau một năm ăn uống, tình tứ, rượu chè và có thể cả một chút giao lưu văn hóa, cô sẽ trở về nơi chốn cũ”.
Trong mùa đầu của Emily in Paris, dù thành công trong công việc, kết bạn mới, trải qua không ít mối tình, Emily Cooper vẫn chỉ là một du khách Mỹ tại kinh đô Paris hoa lệ.
Thành phố Paris đón chào cô gái bằng những vận hội mới và cả những tình huống khó xử như người chủ cửa hàng bán hoa xấu tính không muốn bán cho cô bó hoa đẹp nhất, hay bà chủ nhà nóng nảy bực tức vì đồ đạc trong phòng cô liên tục hỏng hóc.
Thế nhưng, ở chiều ngược lại, cô gái vẫn chưa sẵn sàng để hòa mình vào nhịp sống mới. Thay vì để Emily hòa nhập với Paris, bộ phim lại xây dựng một phiên bản Paris phù hợp với lối sống Mỹ của cô.
Điều này khiến chính những người dân Paris không thể nhận ra thành phố của họ trên màn ảnh, cũng như khiến Emily in Paris sa vào căn bệnh “quy đồng văn hóa” trầm kha của Hollywood.