"Châu Âu không muốn thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm loại bỏ sự độc quyền của Tập đoàn Rosatom trong việc cung cấp uranium cho hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân", Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết ông "lấy làm tiếc về điều này".
Tại một cuộc họp báo diễn ra tại Brussels, Ngoại trưởng Kuleba nhấn mạnh rằng Kyiv cùng với công ty Westinghouse của Mỹ đã đề xuất với các nhà lãnh đạo châu Âu một giải pháp thay thế, cho phép EU từ bỏ nhiên liệu hạt nhân của Nga.
Theo ông Kulaba, Công ty Energoatom của Ukraine và Westinghouse của Mỹ từ lâu đã khẳng định đủ khả năng cung cấp nhiên liệu liên tục cho các nhà máy điện hạt nhân của châu Âu, nhưng EU lại phản ứng quá chậm chạp với ý tưởng này.
Trước đó, Ba Lan, Ukraine và các nước vùng Baltic đã yêu cầu nhanh chóng áp đặt lệnh trừng phạt đối với việc nhập khẩu uranium của Nga vào lãnh thổ Liên minh châu Âu, nhưng bước đi trên không được Brussels ủng hộ.
Ngoại trưởng Kuleba tin rằng các chính trị gia EU đang mắc sai lầm nghiêm trọng khi không áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Rosatom, vì sẽ tạo điều kiện cho Nga gây sức ép ngược lại.
Nhưng theo nhận xét của nhiều chuyên gia năng lượng, rõ ràng châu Âu hiểu được mức độ nghiêm trọng nếu quyết tâm đưa ra một gói trừng phạt khắc nghiệt như vậy theo yêu cầu cảu Ukraine.
Để tham chiếu, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, dựa trên những ước tính thận trọng nhất, chỉ trong vài năm qua, thiệt hại của các doanh nghiệp châu Âu do các lệnh trừng phạt chống Nga ước tính lên tới 250 tỷ euro.
Theo ông Lavrov, hiện tại Mỹ vẫn tiếp tục đặt mua uranium làm giàu và nhiều mặt hàng quan trọng khác cho ngành công nghiệp, trong đó nổi bật là nhiên liệu từ Nga, nhưng họ lại cấm các đồng minh châu Âu làm điều tương tự.
Do thực hiện bước đi không công bằng nói trên, kết quả cho thấy "lá cờ đầu" của nền kinh tế châu Âu - Đức đã trở thành quốc gia đầu tiên trong số các nước G7 rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế.
Với đề xuất Mỹ sẽ giúp châu Âu độc lập với Tập đoàn Rosatom, điều này chưa thể diễn ra trong tương lai gần, bởi việc xây dựng lại chu trình nhiên liệu ở Bắc Mỹ và tăng cường năng lực cho các nhà máy tại châu Âu là một công việc phức tạp
Thực tế hầu hết các công ty điện lực phương Tây chỉ dự trữ nhiên liệu trong 18 tháng, nếu Nga ngừng bán uranium, các lò phản ứng hiện tại có thể phải sớm ngừng hoạt động do thiếu nguồn cung thay thế và đây thực sự là một thảm họa.
Hiện tại, Mỹ đã khởi động lại hoạt động sản xuất nhiên liệu để cung cấp năng lượng cho hàng loạt lò phản ứng hạt nhân của phương Tây, đồng thời là yếu tố then chốt trong việc tạo ra an ninh năng lượng và nỗ lực giảm lượng khí thải carbon dioxide.
Nhưng đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn và không thể hoàn thành trong một sớm một chiều, khi toàn bộ ngành công nghiệp Mỹ cần phải được cải cách, và do vậy họ chưa thể giúp bản thân và đồng minh sớm độc lập với Tập đoàn Rosatom trong tương lai gần.
Với thực tế trên, rõ ràng châu Âu có lý do để nghi ngờ về việc công ty Energoatom và Westinghouse đủ khả năng thay thế thị phần của Rosatom tại châu Âu.