Vì sao EVFTA chưa là 'đũa thần' hút vốn châu Âu vào Việt Nam?
Hơn một năm qua, Hiệp định EVFTA đã đem đến những tác động tích cực về thương mại, song về hoạt động đầu tư vẫn còn khiêm tốn. Vốn đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Vì sao Hiệp định EVFTA chưa thể là 'chiếc đũa thần' thu hút dòng vốn châu Âu vào Việt Nam?
Tính đến tháng 6/2021, các doanh nghiệp châu Âu đã đầu tư 22,216 tỷ USD vào 2.221 dự án tại Việt Nam, tăng 449 triệu USD và 142 dự án so với một năm trước đó. Vốn đầu tư châu Âu chiếm 5,58% tổng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, thấp hơn đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore (lần lượt là 72 tỷ USD, 63 tỷ USD và 62,2 tỷ USD). Các doanh nghiệp châu Âu đầu tư chủ yếu vào các dự án quy mô nhỏ thuộc 18 trong tổng số 21 ngành chính tại Việt Nam.
Vướng thủ tục hành chính
Ngày 25/11, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức Hội nghị "Gặp gỡ châu Âu 2021: Quan hệ Việt Nam - EU sau đại dịch" và Lễ ra mắt "Sách Trắng 2021".
Theo ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham, Sách Trắng 2021 là tập hợp những kiến nghị từ EuroCham và 18 tiểu ban ngành nghề - đại diện cho các công ty châu Âu thuộc mọi quy mô và trong hầu hết các ngành nghề trên mọi miền đất nước.
"Nếu các vấn đề trong Sách Trắng được giải quyết, tôi tin rằng môi trường kinh doanh tại Việt Nam sẽ trở nên cởi mở hơn, cạnh tranh hơn và hấp dẫn hơn nữa đối với doanh nghiệp nước ngoài và đầu tư quốc tế", ông Alain Cany đánh giá.
Trên thực tế, các nhà đầu tư châu Âu vẫn đang gặp những vướng mắc khi kinh doanh tại Việt Nam. Ông John Paul Pullicino, Đại diện Tiểu ban Dược phẩm EuroCham cho biết, trong những năm gần đây, nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước ASEAN nhận thấy tiềm năng từ lĩnh vực dược phẩm và đã đề ra hàng loạt chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư từ ngành dược phẩm phát minh.
Tương tự, Việt Nam đang đứng trước "cơ hội vàng" tại thời điểm này để xây dựng một môi trường thuận lợi với các cơ chế ưu đãi hấp dẫn để trở thành lựa chọn hàng đầu trong khu vực ASEAN thúc đẩy các công ty dược phẩm phát minh mở rộng đầu tư và hoạt động lâu dài. Tuy nhiên, Việt Nam cần có sự phối hợp đồng bộ và thực thi hiệu quả các chính sách để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh theo các chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu chính.
Trong lĩnh vực dược phẩm, đối với hoạt động đăng ký thuốc, các công ty trong ngành dược tiếp tục gặp phải sự chậm trễ đáng kể và các rào cản pháp lý để được cấp và duy trì giấy đăng ký lưu hành. Nếu không giải quyết được trở ngại này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình đưa thuốc mới ra thị trường cũng như ảnh hưởng đến nguồn cung thuốc hiện có, gây rủi ro cho người bệnh đang được điều trị và có thể ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống y tế.
"Việt Nam mất 5 năm để phê chuẩn thuốc mới, lâu hơn các quốc gia trong khu vực ASEAN khác. Đồng thời, Việt Nam cần phải tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể gia tăng thêm nguồn đầu tư mới vào Việt Nam trước khi tìm đến các quốc gia ASEAN khác", ông John Paul Pullicino nói.
Tiểu ban Dược phẩm EuroCham khuyến nghị, những thay đổi đột ngột đối với các quy định về đấu thầu, cũng như tính bất định trong quá trình thực hiện đàm phán giá thuốc biệt dược gốc cho thấy những thách thức đối với tính bền vững và tính dự báo của quy trình mua sắm thuốc. Vì thế, những thách thức này có thể tác động đến nguồn cung thuốc và khả năng tiếp cận thuốc của người bệnh, đồng thời giảm mức độ đầu tư vào ngành dược phẩm phát minh ở Việt Nam.
Trong khi đó, ông Tomaso Andreatta, đại diện Tiểu ban Tăng trưởng xanh (EuroCham), chia sẻ về gia tăng nhu cầu từ các công ty tiêu thụ điện để cung cấp năng lượng sạch cho các doanh nghiệp của họ tại Việt Nam. Những công ty này thường cam kết sử dụng 100% năng lượng sạch trong tương lai gần. Đây là một phần của sự thay đổi toàn cầu, được thúc đẩy bởi kỳ vọng của người tiêu dùng.
Ở nhiều nước châu Á, mục tiêu cung cấp 100% năng lượng sạch có thể đạt được mà không bị thiệt hại về tài chính đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, những cơ chế để đạt được mục tiêu 100% năng lượng sạch vẫn còn hạn chế. Điều này ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là một địa điểm sản xuất.
Đồng thời, Tiểu ban Tăng trưởng xanh cho rằng, hợp đồng giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các nhà sản xuất năng lượng sạch nên được sửa đổi sao cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế để thu được toàn bộ lợi ích giảm chi phí từ các quy trình đấu giá theo kế hoạch. Biểu giá điện công nghiệp và thương mại có khả năng được đưa vào trong Dự thảo Quy hoạch Điện VIII cần được xác định trong một lộ trình rõ ràng về biểu giá điện đến năm 2025.
Tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài
Tính đến tháng 6/2021, các doanh nghiệp châu Âu đã đầu tư 22,216 tỷ USD vào 2.221 dự án tại Việt Nam, tăng 449 triệu USD và 142 dự án so với một năm trước đó. Vốn đầu tư châu Âu chiếm 5,58% tổng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, thấp hơn đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore (lần lượt là 72 tỷ USD, 63 tỷ USD và 62,2 tỷ USD).
Trong khi đó, ông Hans Kerstens, Đại diện Tiểu ban vận tải và hậu cần của EuroCham phản ánh về tình trạng thiếu kho bãi để tạo điều kiện phát triển các trung tâm phân phối, hậu cần có chất lượng, đặc biệt là khu vực ngoại ô TP.HCM, TP.Hà Nội.
Giá thị trường trong 2 năm gần đây đối với không gian kho bãi cách TP.HCM 1 giờ di chuyển đã tăng khoảng 90% nhưng khả năng đáp ứng hiện tại vẫn rất hạn chế. Ngoài ra, một khó khăn đáng chú ý khác là nhiều chủ đất không đồng ý cho thuê riêng phần kho bãi mà muốn vận hành toàn bộ khu vực hoặc ít nhất có thể kết hợp nhiều dịch vụ trong quá trình hoạt động.
Trước thực tế trên, ông Hans Kerstens kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần có sự tách biệt rõ ràng giữa việc cấp phép của chủ sở hữu khu công nghiệp và hoạt động kinh doanh của nhà cung cấp dịch vụ để đảm bảo cạnh tranh trên thị trường về các giải pháp cho thuê kho bãi và dịch vụ đi kèm.
Có thể thấy, rõ ràng những khó khăn trên đang là một trong những nguyên nhân cản dòng vốn FDI từ châu Âu vào Việt Nam. Theo ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), thương mại và đầu tư luôn song hành với nhau. Hiệp định EVFTA tạo nền tảng tốt cho tăng trưởng thương mại hai bên, giá trị thương mại tăng bình quân 20% so với trước khi EVFTA có hiệu lực. Song hoạt động đầu tư chưa tăng tương xứng với kỳ vọng.
Những khó khăn cụ thể sẽ được các bộ ngành xem xét, song liên quan tới phản ánh tiếp cận thị trường, ông Sử cho biết ngoài danh mục, lĩnh vực hạn chế tiếp cận thị trường, nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận như nhà đầu tư trong nước bao gồm cả tỷ lệ sở hữu. Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ địa phương nắm bắt điều này để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Về danh mục dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), đại diện Cục Đầu tư nước ngoài khẳng định hoàn toàn không có một bí mật thông tin gì với nhà đầu tư nước ngoài. Tất cả các dự án đều phải được công khai trên Cổng thông tin đấu thầu quốc gia...
Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam nhìn nhận, để đẩy mạnh thu hút thêm FDI từ châu Âu, Việt Nam cần giảm thiểu danh sách các vấn đề vướng mắc về thủ tục hành chính, cũng như cần sửa đổi một số chính sách không còn phù hợp với thực tiễn.
Những khó khăn vướng mắc trên được giải quyết không chỉ giúp nhà đầu tư EU đẩy mạnh rót vốn vào Việt Nam mà sẽ tạo sự thông thoáng cho toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.