Vì sao Fed 'rung cây', thị trường không nháo nhào?

Nhiều người cho rằng việc Fed bày tỏ quan điểm 'diều hâu', sau khi số liệu lạm phát của Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt và số việc làm mới giảm thấp, sẽ khiến thị trường thất vọng và bán tháo. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, vậy đâu là nguyên nhân?

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm và 10 năm của Mỹ giảm trở lại sau khi Fed họp chính sách tiền tệ trong tháng 6

Fed cũng “lật kèo”

Trong cuộc họp vào tháng 6, Fed dự kiến sẽ chỉ cắt giảm lãi suất một lần trong năm nay do lạm phát tiến đến mục tiêu 2% chậm hơn mong đợi. Đây là mức cắt giảm thấp hơn dự kiến hồi tháng 3, bởi thời điểm đó, Fed dự kiến sẽ có 3 đợt cắt giảm lãi suất.

Dù đón nhận thông tin không “như ý”, nhưng trái lại, thị trường cổ phiếu Mỹ vẫn tăng điểm tốt và thú vị hơn là lợi suất trái phiếu Mỹ không tăng mà giảm trở lại sau khi Fed công bố thông tin. Giá vàng bị cho là sẽ mất mốc 2.300USD/ounce nếu Fed “diều hâu”, nhưng lại tăng gần 30USD, leo lên lại gần 2.330USD/ounce, không lâu sau khi thông tin này được công bố.

Điều này khiến không ít người đặt hàng loạt câu hỏi, đại loại như: vì sao Fed làm vậy, thị trường không tin Fed. Chỉ 2 tiếng sau khi Fed công bố thông tin, Bloomberg đã chạy một tít bài đầu tiên: “Các nhà kinh doanh trái phiếu không tin Fed sẽ chỉ cắt lãi suất 1 lần”.

Bài báo của Bloomberg phân tích: “Nếu Fed từng dự báo hồi tháng 3 họ sẽ cắt lãi suất 3 lần, rồi nay đổi ý cho rằng sẽ chỉ cắt 1 lần, thì tại sao bây giờ người ta lại không thể nghi ngờ tuyên bố chỉ cắt 1 lần trong tháng 6 này”.

Nhà phân tích Preston Caldwell của Morningstar, cho rằng Fed đang quá thận trọng trong việc chờ đợi kết quả lạm phát khả quan hơn, và lạm phát sẽ diễn biến tốt trong tháng 7 và tháng 8. Vì thế, nhà phân tích này tin rằng Fed sẽ cắt lãi suất 2 lần trong năm nay thay vì chỉ 1, và lần đầu tiên sẽ vào tháng 9.

“Chim sợ cành cong”

Cây bút phân tích được nhiều người theo dõi Nick Timiraos của Wall Street Journal, cũng nhận định Fed thận trọng vì họ đã đánh giá sai về lạm phát vài lần trong 2 năm gần đây. Vì vậy, lần này Fed thận trọng. Giống như người bị ong đốt vài lần rồi sẽ thận trọng khi nhìn thấy ong vậy.

“Chúng tôi đang tìm kiếm điều gì đó mang lại cho chúng tôi niềm tin rằng lạm phát đang giảm xuống một cách bền vững” - ông Powell nói trong cuộc họp báo sau quyết định lãi suất. Nick Timiraos đếm được trong đó ông đã sử dụng từ “tự tin” đến 20 lần.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Canada đã cắt giảm lãi suất trong tuần trước đó, và không loại trừ khả năng cắt lãi suất tiếp dù lạm phát những nước này vẫn ở trên mức mục tiêu. Đó là vì họ tin rằng lạm phát sẽ tiếp tục giảm, như Chủ tịch ECB Christine Lagarde từng chia sẻ.

Ở một khía cạnh nào đó, một số nhà phân tích đã chỉ trích Fed quá thận trọng và không mạnh dạn như châu Âu. Thế nhưng, ở một góc nhìn khác, một vài nhà phân tích tỏ ra thông cảm với Fed. Trường hợp của Mỹ có khác châu Âu và Canada. Tăng trưởng kinh tế mạnh hơn ở Mỹ, tiền lương vẫn tăng dù chậm lại có thể khiến cho lạm phát kéo dài dai dẳng hơn.

So với nhiều nền kinh tế khác, nơi mà lãi suất cho vay mua nhà không được giữ cố định dài hạn cho mỗi khoản vay (lên đến 30 năm) như ở Mỹ, các nước có động lực để cắt lãi suất sớm hơn. Trong khi đó, Mỹ không có áp lực lớn như vậy.

Thực tế, năm 2021, Fed đã sai khi neo lãi suất thấp quá lâu trong khi lạm phát phát tín hiệu tăng nhanh. Lần này Fed không muốn sai nữa, họ sẽ đi theo lạm phát chứ không tìm cách loại bỏ tín hiệu từ dữ liệu như lần trước. Nếu sắp tới lạm phát tốt hơn nhiều, Fed sẽ sẵn sàng cắt lãi suất nhưng ở thời điểm này họ sẽ chờ.

Lý do Fed chờ đợi vì không thể đợi lạm phát về mức 2% rồi mới cắt lãi suất vì dự báo kinh tế của Fed cho thấy lạm phát sẽ khó về dưới 2,6% (theo thước đo của chỉ số tiêu dùng cá nhân - PCE) trong năm nay chứ chưa nói tới 2%. Còn muốn cắt 1 hay 2 lần tùy theo cảm nhận của những cá nhân dự họp ra quyết định chính sách tiền tệ. Như vậy, đây có thể là nguyên nhân Fed không còn sử dụng quy tắc “cứng nhắc” lúc này.

Áp lực lên các đồng tiền khác

Có thể khẳng định, dù Fed cắt lãi suất 1 hay 2 lần năm nay, họ cũng đang đi sau các ngân hàng trung ương lớn khác trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Do đó, áp lực mất giá tiếp tục đè nặng lên đồng tiền nhiều nước, đơn giản vì người ta nhìn thấy được bất kể Fed cắt lãi suất mấy lần đi nữa, nhiều nước khác có thể sẽ phải cắt lãi suất nhiều hơn hoặc trì hoãn thắt chặt tiền tệ, như trường hợp của Nhật Bản.

Cụ thể, 2 ngày sau tuyên bố của Fed, đồng Yen đã giảm lại mức 158Yen/USD. Điều này nghĩa là tác dụng của 62 tỷ USD can thiệp thị trường của Nhật Bản để kéo đồng Yen về gần mức 151Yen/USD đã thất bại. Với đồng EUR, người ta đang chờ đợi đồng tiền này sẽ trượt giá tiếp và sẽ kiểm chứng lại mốc 1EUR đổi 1,05USD. Bảng Anh cũng đã mất mốc 1 bảng Anh đổi 1,28USD một cách dễ dàng và trượt về mặt bằng 1,26 bảng Anh đổi 1USD.

Tuy nhiên, các áp lực này cũng không đến nỗi quá lớn, bởi nó vẫn trong phạm vi cho phép của các ngân hàng trung ương. Điều chúng ta không rõ là liệu rằng việc mất giá của những đồng tiền này chỉ đến mức như vậy rồi thôi, hay còn mất tiếp nữa?

Sức ép kinh doanh chênh lệch lãi suất và những lệnh đầu cơ tiền tệ sẽ gia tăng ở những đồng tiền bị cho là sẽ dễ mất tuyến phòng thủ tỷ giá nhất. Nó tạo thành một hiệu ứng biến dự đoán thành hiện thực (self-fulfilling effect). Vì vậy, muốn phòng thủ tỷ giá, phải cứng rắn thể hiện cho các chủ thể trên thị trường thấy “tôi sẽ không buông dễ dàng”.

Nhật Bản coi như đã mất 62 tỷ USD để can thiệp mà không đạt hiệu quả, nhưng ít nhất họ nhắc nhở giới đầu cơ “tôi có thể can thiệp không thành công, nhưng các anh hãy liệu chừng. Nếu coi thường chúng tôi lúc nào đó anh sẽ mất nhiều tiền”.

Các quốc gia chịu áp lực tỷ giá đang nhận được “viện binh”, đó là các nhà đầu tư trái phiếu Mỹ. Họ đang mua vào trái phiếu, kéo lợi suất xuống dưới 4,2%, nhờ vậy áp lực chênh lệch lãi suất sẽ khó nới rộng. Hy vọng là họ đúng, nếu không áp lực mất giá các đồng tiền khác trên toàn cầu sẽ tăng lên.

Hồ Quốc Tuấn Giảng viên Đại học Bristol, Vương quốc Anh

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/vi-sao-fed-rung-cay-thi-truong-khong-nhao-nhao-post114884.html