Vì sao Gaddafi phải chết ?

Ngày 15-1-1970, lịch sử Libya lật qua một trang mới. Nhà vua bị phế truất, quyền lực hoàng gia bị lật đổ, và nền cộng hòa được xác lập bởi quyết định của một nhóm sĩ quan trẻ - dẫn đầu là Muammar al-Gaddafi, khi ấy mới 28 tuổi.

42 năm sau đến lượt chính ông bị hất văng khỏi vũ đài quyền lực và bị sát hại, trong những biến động ghê gớm của cơn bão lốc mang tên “Mùa xuân Arập (Arab Spring)”. Từ đó đến giờ, đối với hàng trăm triệu người trên thế giới, những khái niệm đầu tiên gợi lên khi nhắc đến cái tên Gaddafi ấy chỉ còn là “độc tài”, “tàn bạo”, “trụy lạc” hay “khủng bố”. Nhưng, liệu đó đã phải là toàn bộ sự thật?

“Ta đã làm gì các người?”

Nói gì thì nói, chỉ riêng chuyện tại vị tới 42 năm (từ 1969 tới 2011) là đã quá đủ để bất cứ ai đánh giá Muammar al-Gaddafi là một nhà độc tài đích thực, như một thứ thiên kiến mặc định.

Bôi đen là sai lầm, nhưng tô hồng cũng vậy. Bởi vì “quyền lực tuyệt đối sinh ra sự tha hóa tuyệt đối” – như quan niệm của Huân tước Acton đã thấm nhuần vào phần đông thế giới, chúng ta có thể tin rằng từ một sĩ quan trẻ đầy khát vọng và lý tưởng, Gaddafi đã biến chuyển thành một nhân vật rất khác vào cuối đời. Trong cả hành trình chuyển hóa luôn luôn gắn liền với đỉnh cao quyền lực ấy, Đại tá Gaddafi cũng không thể chối bỏ những hành động mang tính độc đoán và chuyên chế mà ông từng không ngại ngần thực hiện.

Một thí dụ điển hình: Tháng 8-2003, nghĩa là khi Gaddafi vẫn còn ngồi vững trên ghế, Libya nhận trách nhiệm trước Liên Hợp Quốc về “vụ đánh bom Lockerbie”, và đồng ý trả khoản bồi thường lên tới 2,7 tỷ USD (tương đương 10 triệu USD cho mỗi gia đình nạn nhân). Đến tháng 10-2008, Libya tiếp tục thông báo sẵn sàng chuẩn bị một quỹ trị giá 1,5 tỷ USD để bồi thường cho gia đình các nạn nhân của: Vụ đánh bom Lockerbie; các nạn nhân người Mỹ trong vụ đánh bom một vũ trường tại Berlin (Đức) năm 1986; các nạn nhân người Mỹ trong vụ đánh bom chuyến bay 772 UTA năm 1989; và các nạn nhân Libya bị Mỹ không kích năm 1986 vào Tripoli cũng như Benghazi, do xung đột về quyền tiếp cận vịnh Sidra – nơi Libya tuyên bố là hải phận của họ.

Đặt cạnh những động thái này, các cáo buộc về thói hoang dâm của Gaddafi cũng như những đàm tiếu về “đội thân binh cận vệ” toàn những nữ binh xinh đẹp của ông – mà ở phía ngược lại, được xem là biểu hiện cho thấy Gaddafi tin tưởng và tin cậy phụ nữ như thế nào – chỉ còn là những câu chuyện nhỏ nhặt tầm phào.

Đại tá Gaddafi đã không chỉ coi mình là “Lãnh đạo và người hướng dẫn cách mạng Libya”, mà còn tự gọi mình là “lãnh đạo của các lãnh đạo Arab, vua của các vị vua châu Phi, lãnh tụ của chủ nghĩa Hồi giáo”. Bởi vậy, câu “Ta đã làm gì các người?” mà ông thốt lên ngày 20-10-2011, khi bị bắt trong trạng thái máu me lấm lem, thương tích đầy mình, cũng khá là mỉa mai.

Đồng dinar vàng châu Phi – biểu tượng mong ước về một sự độc lập và gắn kết của châu Phi mà Gaddafi hướng đến.

Đồng dinar vàng châu Phi – biểu tượng mong ước về một sự độc lập và gắn kết của châu Phi mà Gaddafi hướng đến.

Ánh sáng của màn đêm

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào sự lạnh lùng khi triệt hạ không thương xót mọi khuynh hướng đối lập, như cách Gaddafi ra lệnh trấn áp đẫm máu những người biểu tình tháng 2-2011 (điều khiến ông bị Tòa án tội phạm quốc tế/ICC phát lệnh truy nã với cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người)… thì liệu một nguyên thủ có thể tại vị an lành tới hơn 4 thập niên?

Phải có những nguyên nhân khác để điều đó diễn ra lâu đến như vậy. Và đó có lẽ là những điều bị khuất lấp dưới những danh từ “bạo chúa” hay “độc tài”, bởi vì có là “bạo chúa” hay “độc tài” thì Gaddafi cũng nhất định phải từng khá sáng suốt trong việc trị quốc. Ít nhất, cũng có một tờ báo Mỹ - Urban Times – từng đưa bài: 10 điều bạn chưa biết về chế độ được coi là độc tài của Gaddafi (Ten Things You Didnt Know About Libya Under Gaddafis So-called Dictatorship).

Dựa trên cuốn “Sách Xanh” (Green Book – tác phẩm được coi là cơ sở lý luận của Gaddafi), tác giả Steven Melzer làm rõ: “1 – Tại Libya, nhà ở được xem là quyền tự nhiên của con người; 2 – Giáo dục và chữa trị y tế hoàn toàn miễn phí; 3 - Hệ thống tưới tiêu lớn nhất thế giới chính là con sông nhân tạo Đại Manmade được thiết kế để cung cấp nước cho tất cả người dân Libya sống trên toàn lãnh thổ nước này. Dự án được chính phủ Gaddafi cung cấp kinh phí.; 4- Nếu bất cứ người Libya nào muốn mở một nông trại, họ sẽ được cấp một ngôi nhà, đất trang trại cùng gia súc và hạt giống hoàn toàn miễn phí; 5- Khi một phụ nữ Libya sinh con, chị sẽ được cấp 5.000 USD cho bản thân chị và đứa con; 6 - Điện hoàn toàn miễn phí; 7 - Thời ông Gaddafi cầm quyền, giá xăng ở Libya thấp ở mức chỉ 0,14 USD/lít; 8 - Trước khi Gaddafi lên nắm quyền, chỉ có 25% người dân Libya biết chữ. Con số này được nâng lên tới 87%, với 25% có bằng đại học; 9 - Libya có một ngân hàng Quốc gia riêng, chuyên cung cấp các khoản vay với lãi suất bằng 0 cho công dân; 10 - Trước khi chế độ Gaddafi sụp đổ, ông đã nỗ lực giới thiệu một đồng tiền châu Phi duy nhất và có liên quan đến vàng: Đồng dinar vàng.

Có thể có nhiều điểm trong 10 điều này sẽ mang màu sắc sai lệch từ bệnh báo cáo – hình thức, hoặc có thể có những điểm mới chỉ là các phác thảo. Bên cạnh đó, thực tế là trong những khoảng thời gian cuối, sự trì trệ do thiếu đấu tranh giữa những mặt mâu thuẫn cũng khiến nền kinh tế-xã hội Libya không đủ động lực phát triển.

Tuy nhiên, 10 năm sau “Mùa xuân Arab”, vẫn có không ít người dân Lybia, trong cơn tao loạn vẫn còn đang diễn ra, nhớ tiếc những tháng ngày bình yên và đẹp đẽ đó.

“Sách Xanh” Gaddafi, cũng như “Mao tuyển” của Mao Trạch Đông, cần được nhìn nhận theo nhiều chiều, để làm rõ nghìn năm công tội.

“Sách Xanh” Gaddafi, cũng như “Mao tuyển” của Mao Trạch Đông, cần được nhìn nhận theo nhiều chiều, để làm rõ nghìn năm công tội.

Cái giá của độc lập

Xét cho cùng, kể cả có là một nhà độc tài hay một bạo chúa chuyên quyền, chưa chắc những chính sách của Đại tá Gaddafi đã kém văn minh hơn thứ trật tự xã hội Hồi giáo cổ điển vẫn còn được duy trì tại Saudi Arabia – đồng minh thân cận hàng đầu của Mỹ trong thế giới Arab.

Vấn đề cốt lõi để ông nhất định phải bị hạ bệ, bị sát hại và bị bôi đen sau những bão táp “Mùa xuân Arab”, khi các khuynh hướng đối lập được kích động và hậu thuẫn để trỗi dậy là gì? Không gì khác, là sự “cứng đầu” của Gaddafi, cũng như Saddam Hussein của Iraq hay chính quyền Iran hiện tại.

Ngay từ khi tự gọi chính thể mình lập nên là chính quyền “dân chủ nhân dân trực tiếp” hay “chủ nghĩa xã hội Hồi giáo”, Gaddafi đã chọn đối đầu với chủ nghĩa thực dân đế quốc. Ông dính dáng vào các hoạt động mang tính chất khủng bố. Ông đưa quân tiến sang lãnh thổ Tchad (năm 1973). Ông ủng hộ nhiệt thành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), cũng như những nhóm nổi dậy ở Siera Leone và Liberia, và bởi vậy, không buồn đếm xỉa đến những mối quan hệ trong khu vực với các cường quốc Israel, Saudi Arabia hay Ai Cập. Đương nhiên, với cả nước Mỹ lẫn phương Tây, ông là cái gai trong mắt. Thêm vào đó, Libya của ông không hề mang nợ nước ngoài – một “tội lớn”.

Song, tất cả những động thái đó đáng lẽ đều có thể được bỏ qua, nhất là sau khi ông cố gắng làm lành với phương Tây trong 10 năm cuối cầm quyền, với việc cố gắng thiết lập những mối dây liên hệ hợp tác kinh tế. Vấn đề là, sự “nguy hiểm” trong tư tưởng của Gaddafi, đối với phương Tây còn nằm ở một tầng sâu hơn thế.

Họ sẽ không bao giờ quên rằng ông là người ủng hộ nhiệt thành thuyết “liên Arab” và “liên Hồi giáo” từ cố tổng thống Ai Cập – người hùng Bắc Phi Nasser. Ông xem mình là người kế tục Nasser, để cổ vũ thành lập “Liên bang các nước Cộng hòa Arab” – điều không thể trở thành hiện thực do bất đồng giữa Ai Cập, Syria và Libya về các điều khoản sáp nhập năm 1972. Nếu liên bang ấy, hoặc liên bang Lybia – Tunisia (đề xuất năm 1974) được hình thành, chúng sẽ trở thành những thách thức lớn đối với trật tự cũ.

Hơn cả, Gaddafi còn muốn khiêu khích đồng USD, với một đồng dinar châu Phi đặt trên bản vị vàng – điểm manh nha khởi đầu một “Liên bang châu Phi” rất khó nắm bắt. Chớ quên, Liên minh châu Phi (AU) luôn đứng sau lưng ông, kể cả khi ông chỉ trích những nước có ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là một cơ chế theo “chủ nghĩa phong kiến an ninh” (năm 2009).

Con người ấy đã giữ vững được vị thế của mình suốt thời Chiến tranh Lạnh, khi khéo léo cân bằng chiến lược giữa hai khối. Tuy nhiên, sau năm 1991, mọi chuyện dần thay đổi theo hướng tiêu cực.

Ở rất nhiều khía cạnh, Gaddafi có thể được xem là một tấm gương, một vết xe đổ, cũng là một bài học xương máu cho rất nhiều nguyên thủ đang muốn tăng cường vị thế quốc gia, trong thế giới đang tái định hình trật tự này.

Vụ đánh bom Lockerbie là vụ đặt bom trên chuyến bay xuyên Đại Tây Dương của Hãng hàng không Mỹ Pan Am. Ngày 21-12-1988, chiếc máy bay Boeing 747-121 mang số hiệu N739PA nổ tung trên bầu trời Lockerbie (Scotland, Anh), khiến khoảng 270 người đến từ 21 quốc gia thiệt mạng. 189 người trong đó là công dân Mỹ, và đó chính là vụ tấn công khủng bố ghê gớm nhất thực hiện chống lại nước Mỹ, cho đến tận vụ không tặc đâm vào tháp đôi ngày 11-9-2001. Năm 2009, khi thủ phạm Megrahi được trả tự do, Gaddafi đã gây công phẫn cho cộng đồng quốc tế khi chào đón y.

Hệ thống sông Đại Manmade nhân tạo là một hệ thống đường ống và cầu cạn ngầm lớn nhất thế giới, gồm hơn 1300 giếng, hầu hết sâu hơn 500m, cung cấp khoảng 6,5 triệu m³ nước sạch mỗi ngày từ dưới sa mạc Sahara cho các thành phố ở phía bắc, vùng ven bờ Địa Trung Hải và nhiều nơi khác. Việc xây dựng giai đoạn 1 bắt đầu năm 1984, và có chi phí khoảng 5 tỷ USD. Toàn bộ dự án có giá trị 25 tỷ USD.

Đông Quân

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/vi-sao-gaddafi-phai-chet-628765/