Vì sao gần 100 tỷ đồng tiền hỗ trợ tiêu hủy gia súc bị bệnh chưa đến tay người dân?
Sau ba năm, người dân Nghệ An thực hiện tiêu hủy gia súc do dịch tả châu Phi và trâu bò do bệnh viêm da nổi cục, đến nay người dân vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Theo thống kê, số tiền này lên đến gần 100 tỉ đồng.
Từ năm 2021 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi và viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò liên tục tái bùng phát, khiến người chăn nuôi ở Nghệ An điêu đứng khi phải tiêu hủy hàng loạt gia súc nhiễm bệnh.
Dù tổn thất rất lớn, nhưng ba năm qua hàng nghìn hộ chăn nuôi lợn, trâu, bò ở Nghệ An chưa nhận được tiền hỗ trợ dịch bệnh.
Bà Hoàng Thị Hương (trú tại xã Thái Sơn, huyện Đô Lương) cho biết, đợt dịch năm 2021, gia đình có 18 con lợn bị chết. Thời điểm đó, bà Hương trình báo với chính quyền xã, đưa đi tiêu hủy chôn lấp theo đúng quy định.
"Với người chăn nuôi, cả đàn lợn chết sạch là tổn thất rất lớn về tài sản. Từ đó đến nay, gia đình tôi chưa nhận được tiền hỗ trợ để tái đàn", bà Hương cho hay.
Dù đã triển khai các biện pháp phòng dịch như khử khuẩn, tiêm vaccine cho đàn lợn mới nhưng bà Hương không mặn mà đầu tư nuôi số lượng lợn lớn vì sợ lại lâm vào cảnh trắng tay. Thêm nữa đợt dịch này đang bùng phát và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo quy định ban hành tại Nghị định 02 năm 2017 của Chính phủ, người chăn nuôi sẽ được hỗ trợ mức 38.000 đồng/kg với lợn và 45.000 đồng/kg với trâu, bò phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Lương, Trưởng phòng quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An cho biết, trong hai năm 2019, 2020, căn cứ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, tỉnh Nghệ An đã chi trả 100% kinh phí hỗ trợ cho các chủ hộ có lợn bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi phải tiêu hủy, với tổng kinh phí gần 150 tỉ đồng.
Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, dịch tả lợn châu Phi và bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò vẫn tiếp tục xảy ra rải rác. Theo ước tính, hơn 96 tỉ đồng tiền hỗ trợ chưa được chi trả cho người dân bị thiệt hại.
Theo ông Lương, UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã gửi nhiều văn bản kiến nghị Bộ NN&PTNT tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và bệnh dịch tả lợn Châu phi.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang tham mưu xây dựng Nghị định riêng quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch tả lợn Châu phi và viêm da nổi cục.
Nghị định đã được lấy ý kiến các Bộ có liên quan, đang hoàn thiện để đề xuất, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành.
"Hiện chưa có căn cứ để cấp ứng, chi trả. Khi có Nghị định mới thay thế, Sở NN&PTNT sẽ tham mưu UBND, HĐND tỉnh ban hành Quyết định để hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn Châu Phi và viêm da nổi cục theo đúng quy định tại Nghị định 02 năm 2017", ông Lương cho biết.
Liên quan đến vụ việc người dân vứt nhiều xác lợn chết xuống kênh Đào gây bức xúc dư luận, mà Báo Sức Khỏe và Đời Sống đã phản ánh trước đó, Đoàn công tác của Cục Thú y, UBND tỉnh Nghệ An kiểm tra hệ thống kênh Đào từ đầu nguồn chảy qua các xã của huyện Yên Thành.
Mới đây, UBND huyện Yên Thành vừa có công văn đề nghị cộng đồng dân cư cùng chung tay để phát hiện, khai báo với chính quyền địa phương qua đường dây nóng của UBND các xã, thị trấn các trường hợp vứt xác động vật ra môi trường, kênh, mương. Chỉ đạo UBND các xã thường xuyên kiểm tra, phát hiện xác động vật thì tiến hành tiêu hủy, trường hợp phát hiện xác động vật dưới dòng kênh do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An quản lý thì phối hợp với Công ty tổ chức tiêu hủy đúng quy trình. Xử lý nghiêm các trường hợp vứt xác động vật ra môi trường, bán chạy động vật ốm, chết, cố tình làm lây lan dịch bệnh.