Vì sao gạo Việt Nam khó vào thị trường Nhật?
Gạo Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Nhật từ chủ yếu qua đường phi mậu dịch với số lượng không đáng kể và chủ yếu dùng làm chế biến thực phẩm như bánh, tương miso...
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, nhằm đáp ứng nghĩa vụ mở cửa thị trường kể từ khi đàm phán gia nhập WTO, Nhật Bản hiện đang nhập khẩu gạo theo hai cơ chế: Tiếp cận thị trường thông thường (Ordinary Market Access – OMA) và Cơ chế mua bán song song (Simultaneous Buy and Sell – SBS) với tổng lượng nhập khẩu 770.000 tấn mỗi năm, trong đó 670.000 tấn theo cơ chế OMA, 100.000 tấn theo cơ chế SBS. Tuy nhiên không phải lúc nào Nhật Bản cũng nhập khẩu đủ lượng 100.000 tấn theo cơ chế SBS.
Nền nông nghiệp Nhật Bản vẫn duy trì những hộ sản xuất quy mô nhỏ, sản lượng thấp và phụ thuộc lớn vào trợ cấp từ Chính phủ. Nhật Bản gia nhập đàm phán CPTPP trong bối cảnh nền nông nghiệp nước này vẫn chưa thực sự được chuẩn bị đủ để duy trì và tồn tại trước sức ép từ cạnh tranh nội khối.
Hiện, Nhật Bản không phải là thị trường xuất khẩu gạo chủ lực của Việt Nam. Tại thị trường Nhật Bản, gạo Việt Nam chưa có đủ sức cạnh tranh so với gạo của Hoa Kỳ, Thái Lan, Trung Quốc hay Úc. Gạo đủ tiêu chuẩn nhập khẩu vào Nhật cần đáp ứng rất nhiều tiêu chí.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, lần gần nhất gạo Việt Nam trúng thầu xuất khẩu số lượng lớn sang Nhật Bản là từ năm 2012, tuy nhiên sau đó gạo Việt Nam bị phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép nên không được các công ty Nhật đưa vào danh sách tham gia đấu thầu nữa.
Vì vậy, gạo Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Nhật từ đó đến nay chủ yếu qua đường phi mậu dịch với số lượng không đáng kể và chủ yếu dùng làm chế biến thực phẩm như bánh, tương miso...
"Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Nhật Bản trong thời gian tới vẫn sẽ khó khăn do nhu cầu tiêu thụ gạo của người dân Nhật có xu hướng giảm, trong khi gạo Việt Nam vẫn phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ gạo Hoa Kỳ, Thái Lan, Trung Quốc – là những nước đã có truyền thống và thế mạnh xuất khẩu gạo sang Nhật Bản", Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đánh giá tình hình.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ước tính sơ bộ đến hết tháng 01 năm 2024, gạo Việt Nam đã được xuất khẩu sang 27 thị trường với khối lượng trên 512 nghìn tấn, trị giá 362 triệu USD, tăng 42,8% về lượng và tăng 94,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Theo số liệu thống kê của cơ quan Hải quan, năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 8,13 triệu tấn gạo với trị giá 4,67 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 575 USD/tấn, tăng 18,26% so với mức bình quân năm 2022.
Về thị trường, khu vực thị trường châu Á tiếp tục là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất trong năm 2023, đạt hơn 6 triệu tấn, chiếm 75% tổng lượng xuất khẩu, tăng 22,8% so với năm 2022; tiếp đến là châu Phi với kết quả xuất khẩu đạt gần 1,34 triệu tấn, chiếm 16,5% tổng lượng gạo xuất khẩu, tăng gần 7,2%. Khu vực thị trường châu Âu tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam (khoảng 1,6%) nhưng vẫn đạt 132,6 nghìn tấn.