Vì sao GDP quí 3-2024 vượt bão?
'Tăng trưởng ở nhiều ngành, lĩnh vực đã bù đắp được khá nhiều cho những thiệt hại của bão Yagi. Nền kinh tế Việt Nam đang hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho một chu kỳ tăng trưởng mới', TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.
Nền kinh tế có sức chống chịu tốt hơn
Số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, GDP quí 3-2024 ước tính tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Con số này phản ánh một thực tế, dù trận bão Yagi theo đánh giá mới nhất đã gây thiệt hại trên 80.000 tỉ đồng, tăng trưởng ở nhiều ngành, lĩnh vực đã bù đắp được khá nhiều cho những mất mát ấy.
Xét theo nhóm ngành, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,11%, đóng góp 48,88%; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực với tốc độ tăng 9,76%, đóng góp 2,44 điểm phần trăm. Ngành xây dựng có dấu hiệu phục hồi, tăng 7,48%, đóng góp 0,52 điểm phần trăm.
Khu vực dịch vụ tăng 7,51%, đóng góp 47,04%; trong đó, dù du lịch tại một số địa phương bị đình trệ một thời gian do bão Yagi và để khắc phục hậu quả của bão, doanh thu dịch vụ lữ hành của Hà Nội và Quảng Ninh vẫn tăng lần lượt 29,7% và 21%, doanh thu dịch vụ lưu trú của Hà Nội tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương không chịu ảnh hưởng của bão có sự tăng trưởng ấn tượng hơn, TPHCM là 42,2%; Đà Nẵng là 38,6%; Cần Thơ là 33,7%.
Chúng ta nhận thấy, có sự nhất quán giữa kết quả đạt được trong từng lĩnh vực với số liệu thống kê xuất - nhập khẩu và vốn đầu tư toàn xã hội. Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 9-2024, dù tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 65,81 tỉ đô la Mỹ, giảm 8% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung chín tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 578,47 tỉ đô la, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quí 3-2024 theo giá hiện hành ước đạt 966.700 tỉ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lần lượt là 7,7% và 11,2%, cao hơn rất nhiều so với của khu vực nhà nước là 3,4%.
Ngay trong khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, thiệt hại lớn về trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản của nhiều tỉnh phía Bắc đã được phần nào bù đắp bằng nỗ lực của các tỉnh miền Trung, Đông Nam bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Chẳng hạn, tính đến ngày 20-9-2024, diện tích gieo cấy lúa mùa cả nước đạt 1.464.900 héc ta, bằng 99,6% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 996.600 héc ta, bằng 99,1%, các địa phương phía Nam đạt 468.300 héc ta, bằng 100,5%; diện tích lúa thu đông của các tỉnh ĐBSCL tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước... Trong lĩnh vực thủy sản, quí 3-2024 ước đạt 2.638.400 tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước.
Ngay tại các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão Yagi như Quảng Ninh, Hải Phòng, những động lực tăng trưởng khác vẫn được duy trì. Chín tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Quảng Ninh ước đạt 8,02%, của Hải Phòng ước đạt 9,77% so với cùng kỳ năm trước.
Những số liệu nêu trên cho thấy, khả năng hấp thụ cú sốc do bão Yagi gây ra tương đối khả quan, nền kinh tế Việt Nam đã chứng tỏ được sức chống chịu tốt với các yếu tố bất lợi mang tính khách quan.
Tăng trưởng GDP năm 2024 khả quan
Tính tới thời điểm này (hết quí 3-2024), mức tăng trưởng GDP của toàn nền kinh tế đạt 6,82%, cao hơn mục tiêu 6-6,5% mà Quốc hội đặt ra. Nghĩa là, Việt Nam đang ở trong một hoàn cảnh thuận lợi để đạt mức tăng trưởng 6,5%, tiệm cận 7%, thậm chí còn cao hơn.
Thứ nhất, đà tăng trưởng GDP trong thời gian vừa qua được duy trì và tăng tốc dần. Trong suốt các quí 1,2,3 của năm 2024, tăng trưởng GDP quí sau luôn cao hơn quí trước. Trong quí 3-2024, dù tình hình địa kinh tế - chính trị thế giới còn nhiều bất lợi, kinh tế nhiều địa phương miền Bắc chịu hệ lụy tiêu cực sau bão Yagi, chúng ta vẫn đạt được mức tăng trưởng GDP 7,4%. Với đà này, khả năng quí 4-2024 đạt mức tăng trưởng cao hơn là tương đối khả thi.
Thứ hai, nền kinh tế Việt Nam hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong quí cuối cùng của năm 2024. Với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã khởi động chu kỳ giảm lãi suất, một mặt sẽ giúp kích thích tiêu dùng ở Mỹ, mặt khác, tạo nên xu hướng giảm lãi suất ở các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, từ đó, giúp phục hồi tăng trưởng ở các nền kinh tế này. Dịp cuối năm cũng trùng với những kỳ nghỉ lễ lớn của các thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... Vì vậy, nhu cầu hàng hóa, dịch vụ từ Việt Nam được dự đoán sẽ gia tăng, kích thích xuất khẩu, đóng góp quan trọng vào tổng cầu của toàn nền kinh tế.
Trong những tháng cuối năm, tiêu dùng nội địa cũng gia tăng. Những nỗ lực về giải ngân vốn đầu tư công vẫn được duy trì và sẽ ghi nhận kết quả trong quí 4 này.
Cùng với sự ổn định của các chỉ số vĩ mô khác như lạm phát, tỷ giá..., tất cả những yếu tố đã liệt kê tạo nên một nền tảng để tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong quí 4 sẽ cao hơn quí trước. Nếu tăng trưởng GDP quí 4 đạt được mức 7,8% thì sẽ đẩy được GDP cả năm lên mức 7%, tạo đà rất lớn để nền kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng tốt hơn trong năm bản lề 2025, kết thúc tốt đẹp giai đoạn 2021-2025, mở ra chu kỳ phát triển mới trong giai đoạn 2026-2030.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/vi-sao-gdp-qui-3-2024-vuot-bao/