Vì sao giá cả tăng cao, chị em văn phòng vẫn 'nhiệt tình' đặt trà sữa, cơm ngoài?

Nguyên nhân chủ yếu cho rằng tầm trưa và xế chiều thì chị em văn phòng nào cũng 'cạn pin', bởi vậy cần nạp lại năng lượng với những món ăn ngon, nước uống mát lạnh ngọt ngào.

Giá xăng dầu, giá thực phẩm, chi phí vận chuyển đồng loạt tăng... nhưng sự thật là mức lương của các chị em văn phòng không thay đổi. Điều này dẫn đến tâm lý muốn thắt chặt chi tiêu của nhiều người. Thế nhưng sự thật là chị em làm văn phòng nào cũng chung một "nỗi niềm", cứ đến tầm trưa hay giờ chiều thì sẽ cảm thấy đuối sức và mệt mỏi.

Những lúc thế này thì các món ăn trưa ngon miệng lại nóng hổi, trà sữa, đồ ngọt ăn vặt chính là "liều thuốc" vô cùng hiệu quả để nạp lại năng lượng. Dù biết giá cả tăng cao nhưng nhiều chị em vẫn chấp nhận chi tiền cho điều này vì lý do được chính chủ "confirm" là rất hợp lý.

Trời nóng thèm đồ mát, phải đặt vì uống nước lọc, trà pha sẵn đều không ngon

Như thường lệ, mỗi buổi sáng khoảng 9h Hoàng Thị Hạnh (29 tuổi, nhân viên truyền thông ở Hà Nội) lại vào group chat chung với 1 nhóm đồng nghiệp để kêu gọi đặt đồ uống vào buổi chiều. Sở dĩ phải đặt sớm như vậy vì khung giờ này còn mát mẻ, shipper nhiều, phí vận chuyển thấp, nhiều mã giảm giá và không phải chờ đợi quá lâu.

Hạnh cho biết: "Trời nóng nên người háo nước lắm, lúc nào cũng thèm đồ mát để uống. Dù biết giá cả leo thang, xăng tăng, thức ăn cũng tăng nhưng riêng khoản nước thì cố cũng không cắt giảm được. Mình đã thử thay thế bằng việc uống nước lọc, trà pha sẵn của công ty nhưng không ngon, uống không đã nên vẫn cứ thấy thèm và phải đặt. Mình và đồng nghiệp thường chọn khung giờ sớm để đặt nước, nhận hàng thì bỏ vào tủ lạnh ở công ty đến đầu giờ chiều sẽ uống".

Dù biết giá cả leo thang, xăng tăng, thức ăn cũng tăng nhưng riêng khoản nước vào mùa hè thì cố đến mấy nhiều chị em văn phòng cũng không cắt giảm được. Ảnh: NVCC

Được biết, mỗi cốc trà sữa mà nhóm chị Hạnh đặt của thương hiệu nổi tiếng, giá dao động khoảng 40-45k/cốc tùy vị. Đặt từ sáng sớm, có voucher khuyến mại và miễn phí vận chuyển thì giá sẽ giảm đi, chỉ từ 22 - 27k/cốc. Đây là mức giá tầm trung vừa ví tiền không quá cao lại thỏa mãn được sở thích cá nhân của Hạnh và mọi người.

"Tuần suất đặt trà sữa của nhóm mình là 1 lần/ngày. Cảm giác số tiền đó cộng lại cũng không đáng bao nhiêu. Mỗi ngày 1 cốc trung bình giá 30k thì 1 tháng hết 900k. Cũng không quá sốc. Và thú thực, không có gì uống mình cũng thấy buồn mồm", Hạnh chia sẻ thêm.

Thử đi chợ nấu cơm cho rẻ mà quá lích kích, nấu 1 người xem ra đắt hơn cả đặt mua ngoài

Cũng giống như đặt nước uống thì đặt cơm trưa cùng nhau cũng là nét văn hóa quen thuộc của các chị em văn phòng. Hoàng Mai (24 tuổi, sống tại Hà Nội) là thành viên kim cương của nhiều ứng dụng đặt đồ ăn online, cũng là gương mặt quen thuộc trên các hội nhóm review đồ ăn, quán cafe.

Mọi thứ đều có chiều hướng tăng giá mạnh từ đầu năm nay nhưng Mai cho biết mình và các đồng nghiệp trong team vẫn đặt đồ ăn đều đặn thay vì nấu ăn mang đi làm như nhiều người thắt chặt chi tiêu khác. "Mình khá bận rộn nên không đủ thời gian nấu cơm ở nhà. Đồng nghiệp của mình cũng có người thử nấu cơm rồi nhưng mà lích kích, mệt quá. Thay vì nấu cơm thì bọn mình thà dành thời gian đó ngủ còn hơn".

Ảnh: NVCC

Ảnh: NVCC

Cũng giống như Mai thì Phương Trinh (27 tuổi, sống tại TP HCM) sống một mình cũng từ chối nấu ăn tại nhà vì thấy tự nấu cơm cho 1 người tính ra còn đắt hơn mà lại thường bỏ phí.

"Tự nấu cơm thì đảm bảo hơn, nhưng nếu nấu cho chất lượng, ngon lành thì chắc chắn đắt hơn ăn cơm tiệm. Mình từng là "đầu bếp" của phòng trọ 3 người, nên biết việc tự nấu chỉ kinh tế hơn nếu đông người. Ví dụ mình nấu ở nhà mất khoảng 70k/bữa gồm thịt, rau, hoa quả tráng miệng. Chưa kể tiền điện, tiền gas. Ra ngoài ăn thì cần bát phở hay cơm rang, cơm suất 40k - 50k là được rồi. Nên nếu xét chi phí thì mình thấy đặt cơm ngoài vừa nhanh vừa tiện hơn, còn 1 mình mà tự nấu thì thấy không kinh tế cho lắm".

Tìm cách cắt giảm thứ khác

Không cắt giảm tiền đặt cơm ngoài hay nước uống mà chị em văn phòng cho biết họ hiếm khi đổ đầy bình xăng vì "đổ nhiều dễ đi thả phanh". Theo quan sát của Hoàng Mai thì trước đây cô chỉ cần đổ 30k - 40k sẽ được nửa bình xăng, đi trong vòng 2-3 ngày. Nhưng giờ cùng số tiền đó, đổ xăng chỉ đi được 1,5 ngày.

"Nếu đổ đầy bình xăng, mình di chuyển nhiều thì một tháng có thể tăng gấp đôi chi phí cho nhiên liệu. Vì không muốn tốn nhiều tiền vào khoản này, lựa chọn duy nhất hiện giờ là đổ ít xăng để đi ít lại. Ban đầu có thấy bứt rứt buồn chán, để giải tỏa thì mình chọn các quán ăn, quán cafe gần nhất có thể để tiết kiệm tiền xăng hoặc đi bộ được thì càng tốt".

Trong bối cảnh hàng hóa, dịch vụ bắt đà đi lên, những chị em văn phòng gặp áp lực lớn hơn khi thu nhập không tỷ lệ thuận với tốc độ tăng vọt của giá cả. Với mức chi tiêu hiện tại, bão giá cũng đòi hỏi họ có khả năng tài chính cao hơn nếu muốn đáp ứng đủ nhu cầu cá nhân. Nếu không, họ bắt buộc phải đưa ra lựa chọn chi tiêu và cắt giảm cho bản thân sao cho hợp lý nhất.

Hồng Nhung

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/vi-sao-gia-ca-tang-cao-chi-em-van-phong-van-nhiet-tinh-dat-tra-sua-com-ngoai-22202237114016237.htm