Vì sao giá cam sành đặc sản ở Đồng bằng sông Cửu Long rớt thê thảm?
Hiện tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào mua thu hoạch cam sành. Tuy nhiên nông dân nơi đây đang đối mặt với cảnh trúng mùa, mất giá. Giá cam tại vườn rớt thê thảm, chỉ dao động ở mức 900 đến 3 ngàn đồng/kg.
Ngoài giá thấp chưa từng có thì nhà vườn còn đối mặt với cảnh “bí” đầu ra cho cam.
Nhà vườn ngóng thương lái
Cam sành là loại đặc sản được trồng nhiều ở tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp. Nhờ loại cây này mà nhiều hộ gia đình từng có thu nhập ổn định, xây dựng nhà lầu, sắm xe hơi… Tuy nhiên với việc trồng ồ ạt đã khiến nông dân đứng ngồi không yên vì rơi điệp khúc trúng mùa, mất giá.
Mấy năm gần đây, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long được xem là “thủ phủ cam sành” của miền Tây, bởi diện tích nơi đây tăng lên gần 10.000ha. Theo ghi nhận, hiện hàng ngàn héc-ta đang chín nhưng không có thương lái đến thu mua, khiến nhiều nhà vườn đứng ngồi không yên.
Ghi nhận tại xã Thới Hòa, huyện Trà Ôn, không khí bán mua ở các vườn cam, vựa cam rất đìu hiu. Ông Nguyễn Thanh Hải (56 tuổi) có hơn 1 héc ta đất trồng cam sành cho biết: “Thời điểm này năm ngoái tôi thu hoạch khoảng 150 tấn cam, trừ hết chi phí, thu lãi khoảng 1,2 tỷ đồng. Lãi vậy vì là lúc nghịch mùa nên giá cam sành khi đó lên đến 16.000 -17.000 đồng/kg. Sau đó, thấy cam bán được giá nên các hộ trồng cam ùn ùn làm bông cho lứa cam trái vụ năm 2023, hy vọng có được lợi nhuận như thế, nào ngờ không có đầu ra”.
Sau nhiều vụ trúng cam, anh Trần Anh Thoại (42 tuổi, ngụ xã Thới Hòa, huyện Trà Ôn) đã mạnh dạn thuê thêm 2,5ha đất để trồng loại cây bạc tỷ này. Hiện có hơn 1,5 ha cam sành đang vào vụ thu hoạch nhưng không có thương lái thu mua.
“Mấy ngày nay cam chín vàng cây nhưng không tìm được thương lái, mình đành phải neo chờ. Nếu 10 ngày nữa không bán được phải cắt bỏ chứ không thể để trái tự rụng được, vì sẽ làm suy kiệt cây, ảnh hưởng đến mùa sau. Cam giá bán như hiện tại thì nhà vườn chắc chắn vỡ nợ”, anh Thoại buồn bã nói.
Tương tự, thuê 7 công đất trồng cam với tổng chi phí cả tỷ đồng, nhưng hiện cả vườn nếu thu hoạch bán với giá 2.000 đồng/kg thì nguồn thu chưa đến 100 triệu đồng, ông Phan Văn Trí (51 tuổi) cho hay: “Với giá cam bán chỉ được 2 – 3.000 đồng thì chắc chắn gia đình sẽ lỗ hơn 100 triệu đồng, rơi vào cảnh nợ nần. Điều lo lắng là các đại lý phân thuốc không cho mua thiếu thì mình không có cơ hội tái sản xuất, đứng trước nguy cơ bỏ nghề”.
Nguyên nhân do đâu?
Thương lái Nguyễn Văn Tùng cho biết, hiện giá cam đẹp mua tại vườn 2.500 – 3.000 đồng/kg, cam xấu thì 800 – 900 đồng/kg. Đây là lần đầu tiên giá cam giảm thê thảm như vậy. Nguyên nhân do cam đợt này nhiều, trùng với cam của miền ngoài nên giá rớt thê thảm.
Ông Huỳnh Văn Năm - Phó chủ tịch Hội nông dân xã Thới Hòa - thông tin: “Đến hiện nay xã không còn trồng lúa mà đã chuyển đổi 100% diện tích sang trồng cam sành với 1.660ha. Diện tích tăng nhanh từ năm 2017 đến nay. Chi phí đầu tư mỗi công cam từ 100 – 120 triệu đồng, trong khi đó năng suất trung bình từ 7 – 15 tấn. Tuy nhiên với giá bán hiện tại trên dưới 2.000 đồng/kg cam đẹp thì người nông dân lỗ nặng”.
Ông Nguyễn Văn Tám - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Trà Ôn thừa nhận diện tích cam ở huyện đã tăng rất nhanh. Năm 2018, diện tích trồng cam chỉ hơn 3.900ha và đến nay đã tăng lên 9.500ha. Dự kiến tổng sản lượng thu hoạch từ 40.000 – 60.000 tấn. Các xã có diện tích trồng trên 1.000ha như: Hòa Bình, Thuận Thới, Hựu Thành, Trà Côn.
Nói về nguyên nhân giá cam thấp “kỷ lục”, ông Tám lý giải: Diện tích trồng cam tăng cao. Vụ cam này trùng với vụ cam của miền Bắc nên dẫn đến dội chợ. Ngoài ra cam sành thường được chuyển ra miền ngoài bán, nhưng hiện nay ngoài đó vẫn đang mùa lạnh, dẫn đến tồn đọng cam số lượng lớn. Đa phần các hộ lỗ vốn là do các hộ trồng tự phát sau này, chứ những hộ trồng từ lâu đã có đầu mối vẫn bán được lấy vốn và có lời.
Theo một lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, nguyên nhân giá cam sành giảm mạnh chưa từng có là do quy luật cung cầu của thị trường, cung đã vượt cầu. Theo quy hoạch tới năm 2025, toàn tỉnh Vĩnh Long có 15.000ha cam sành nhưng hiện tại đã 17.000ha, tức diện tích tăng và đi trước quy hoạch rất xa. Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, mỗi năm tăng hơn 1.000ha. Do diện tích cam sành Vĩnh Long tăng nhanh nên 3 năm trước đây, tức là từ năm 2020, ngành nông nghiệp đã có cảnh báo người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích trồng.
Theo thống kê, huyện Trà Ôn đang bị tồn đọng khoảng 60.000 tấn cam sành, huyện Tam Bình khoảng 10.000 tấn và huyện Vũng Liêm khoảng 10.000 tấn.
Được biết, tình trạng cam sành giá giảm mạnh và đầu ra gặp khó khăn không chỉ diễn ra ở Vĩnh Long mà còn có Đồng Tháp, Hậu Giang. “Hiện vườn tôi đang chuẩn bị thu hoạch khoảng 10 tấn trái nhưng giá thu mua chỉ 2.000 đồng/kg. Nhà vườn tìm thương lái cũng rất khó khăn. Ở đây giờ ai cũng lo lắng mất ăn, mất ngủ”, bà Nguyễn Thị Diệu Hiền (ngụ huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) nói.
Hiện ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long đã đưa cam sành lên sàn thương mại điện tử, dự kiến sẽ tiêu thụ được khoảng 60 tấn cho bà con.
Ngoài ra để giải quyết đầu ra cho bà con nông dân, Trung tâm hỗ trợ học sinh - sinh viên TP.Cần Thơ, cho biết đang phối hợp Nhà văn hóa lao động TP.Cần Thơ, Công ty HSE tổ chức hoạt động hỗ trợ tiêu thụ.
Trung tâm hỗ trợ học sinh - sinh viên TP.Cần Thơ đóng vai trò đầu mối điều phối, vận chuyển nguồn hàng từ Vĩnh Long về các điểm tiêu thụ tại TP.Cần Thơ. Tham gia hỗ trợ còn có nhiều sinh viên Trường ĐH Y dược Cần Thơ, đây là lực lượng chính thực hiện hoạt động phân phối, mua bán và vận chuyển nông sản đi tiêu thụ.
Theo kế hoạch, hoạt động “giải cứu” cam sành được tổ chức trong 4 ngày (14, 15, 16 và 19-2), hỗ trợ tiêu thụ khoảng 14 tấn cam giúp nông dân Vĩnh Long. Tuổi trẻ TP.Cần Thơ tổ chức 2 điểm bán lẻ, gồm: Nhà văn hóa lao động TP.Cần Thơ (số 57, Lê Lợi, P.Cái Khế, Q.Ninh Kiều) và Công ty Đào tạo, tư vấn, giáo dục và công nghệ HSE (đường Lê Chân, Khu dân cư 91B, P.An Khánh, Q,Ninh Kiều). Tại các điểm bán lẻ, cam được bán theo gói, mỗi gói 5kg với giá 30.000 đồng.
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/thi-truong/mien-tay-mua-cam-dang_143541.html