Vì sao Gia Cát Lượng qua đời, Tôn Quyền vẫn duy trì liên minh chứ không thừa cơ diệt Thục?
Việc Tôn Quyền bỏ qua kế hoạch thôn tính Thục Hán để mở rộng thế lực thực chất xuất phát từ hai nguyên nhân dưới đây.
Sử cũ ghi lại, năm 234, Thừa tướng Thục Hán là Gia Cát Lượng qua đời ở gò Ngũ Trượng. Tới năm 252, Hoàng đế Đông Ngô là Tôn Quyền tạ thế.
Trong suốt khoảng thời gian gần 2 thập kỷ này, mối quan hệ của Thục Hán và Đông Ngô vẫn được coi là tương đối ổn định.
Tuy nhiên có không ít ý kiến cho rằng, Tôn Quyền năm xưa hoàn toàn có thể thôn tính Thục Hán sau khi trụ cột của thế lực này là Gia Cát Lượng đã qua đời.
Dù vậy thì thực tế lịch sử đã cho thấy, thay vì lựa chọn trở mặt thành thù, kiên quyết sống mái, Đông Ngô lại tiếp tục duy trì liên minh với nhà Thục. Hai bên vẫn duy trì liên minh này cho đến khi Thục bị diệt vong vào năm 263.
Liệu rằng đâu là lý do khiến Tôn Quyền bỏ qua cơ hội ngàn vàng để mở rộng lãnh thổ và thế lực như vậy?
Nguyên nhân thứ nhất: Đông Ngô "lực bất tòng tâm"
Theo quan điểm của Qulishi, thực tế không phải Đông Ngô không nghĩ tới việc diệt Thục mà thực chất là không đủ khả năng để thực hiện điều này.
Sau khi Gia Cát Lượng qua đời, Thục Hán về mặt nội chính có Tưởng Uyển, Phí Y thay nhau chấp chưởng, về mặt quân sự có Khương Duy, Vương Bình nắm binh mã. Do đó, tập đoàn chính trị này căn bản không yếu tới mức có thể dễ dàng bị tiêu diệt chỉ sau một lần xuất quân.
Hơn nữa dù rằng Gia Cát Lượng đã quy tiên, đất Thục ở biên cương vẫn còn những nhân vật tên tuổi giữ chức Vĩnh An đô đốc như Tông Dự, Diêm Vũ hay La Hiến.
Thậm chí năm xưa sau khi Thục Hán đã đầu hàng, hậu duệ của Lục Tốn là Lục Kháng cũng không thể đánh bại La Hiến mà chiếm thành.
Do đó, Đông Ngô năm xưa dù xuất quân cũng chưa chắc đã có thể vượt mặt những danh tướng trấn giữ cửa ải Vĩnh An để nhập Thục.
Năm 252, Tôn Quyền qua đời, truyền lại cơ nghiệp Đông Ngô cho con cháu. Thế nhưng hậu duệ của ông lại bị hậu thế cho là vô năng.
Về mặt đối ngoại, Đông Ngô sau này dù có vài lần giao chiến với Tào Ngụy nhưng đều thất bại. Về đối nội, khởi nghĩa nông dân nổ ra không ngừng, triều chính suy sụp, hoàng tộc tranh đấu.
Cho nên thực tế là khi Tôn Quyền ở vào những năm tháng gần đất xa trời, quốc lực của Đông Ngô đã không ngừng xuống dốc, các lão thần năm xưa cũng lần lượt buông tay trần thế. Ở trong bối cảnh ấy, việc liên minh với Thục Hán mới là lựa chọn sáng suốt hơn cả.
Nguyên nhân thứ hai: Liên Thục kháng Ngụy là lựa chọn hợp lý duy nhất
Theo quan điểm của Qulishi, quốc lực của Thục, Ngô trải qua nhiều năm vẫn không có nhiều thay đổi quá lớn.
Tuy nhiên Tào Ngụy nhiều đời không có hôn quân, lại tiến hành các cải cách đúng đắn, hơn nữa còn nhờ thời thế đưa đẩy mà quốc lực ngày càng trở nên lớn mạnh.
Nếu như Đông Ngô chủ động tấn công Thục Hán, tới lúc ấy nước Thục chỉ cần phái một vài danh tướng trấn giữ chỗ hiểm yếu là đã có thể khiến cho kẻ địch thất bại vì sa lầy.
Lúc ấy, Tào Ngụy chỉ cần nhân cơ hội đánh lén Đông Ngô từ phía sau là hoàn toàn có thể nuốt gọn thế lực này.
Trong trường hợp Tào Ngụy không ra tay, Đông Ngô diệt được Thục, thế lực của họ Tôn cũng sẽ gặp nhiều hao tổn, nguyên khí khó có thể khôi phục.
Nếu rơi vào tình cảnh này, việc Đông Ngô bị Tào Tháo thôn tính cũng chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi.
Cho nên trước cục diện hai yếu một mạnh như vậy, việc hai thế lực yếu hơn liên minh với nhau là lựa chọn tối ưu nhất. Ngược lại, nếu cả hai thế lực này liều chết đối đầu, đó đích thị sẽ là đường tắt đi tới cửa diệt vong.
Vì vậy nên trong suốt khoảng thời gian gần 2 thập kỷ kể từ khi Gia Cát Lượng qua đời tới khi Tôn Quyền tạ thế, Thục – Ngô ở vào thế " nước sông không phạm nước giếng", cùng nhau chung sống hòa bình, đó mới là đạo lý sinh tồn trong thời loạn.