Vì sao giá 'đạt đỉnh', doanh nghiệp Hà Tĩnh vẫn khó thu mua lúa?
Giá lúa hiện ở mức 7.000 - 7.500 đồng/kg, 'đạt đỉnh' trong vòng nhiều năm trở lại đây nhưng nhiều doanh nghiệp Hà Tĩnh vẫn gặp khó trong thu mua.
“Hàng xáo” găm hàng
Do ảnh hưởng của dịch Covid–19, các nhà buôn tăng cường tích trữ gạo nên thời gian qua, mặt hàng này biến động mạnh. Đặc biệt, từ 1/5/2020, Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo bình thường trở lại nên giá thu mua lúa trong dân cũng được đẩy lên “chóng mặt”.
Nhiều cơ sở thu gom nhỏ lẻ vẫn đang tích trữ lúa trong kho nên doanh nghiệp khó thu mua
Tại Hà Tĩnh, hoạt động thu mua lúa gạo lâu nay khá trầm lắng. Thế nhưng, sau khi có chính sách xuất khẩu gạo trở lại bình thường (từ 1/5) thì việc thu mua nguyên liệu này trên địa bàn biến động mạnh. Theo đó, các đầu mối thu mua tăng, “đầu nậu” ngoại tỉnh vào thu mua đã đẩy giá lên cao.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hà Tĩnh, giá lúa tại thị trường Hà Tĩnh hiện được mua với mức từ 7.000 – 7.500 đồng/kg. Mức giá này cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Trước đó, giá lúa “đạt đỉnh” cao nhất là năm 2017 với 7.200 đồng/kg.
Giá lúa hiện dao động ở mức 7.000 - 7.500 đồng/kg, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây
Mặc dù thu mua với mức giá cao kỷ lục nhưng các doanh nghiệp lớn lại đang “chật vật” vì nguồn nguyên liệu khan hiếm.
Ông Nguyễn Văn Ngụ - Giám đốc Công ty CP Lương thực Hà Tĩnh cho biết: “Đặc thù của lúa gạo là khó thu mua trực tiếp từ bà con nông dân. Thông thường, lúa sẽ được các cơ sở nhỏ lẻ mà chúng ta hay gọi là “hàng xáo” thu mua. Những doanh nghiệp như chúng tôi sẽ mua lại của “đội quân” này”.
Hợp tác xã Dịch vụ Tổng hợp Xuân Thống xã Cẩm Thạch (Cẩm Xuyên) thu mua lúa gạo cho doanh nghiệp ngoại tỉnh
Theo kế hoạch, Công ty CP Lương thực Hà Tĩnh dự kiến sẽ tham gia thu mua khoảng 7.000 tấn lúa vào kho dự trữ quốc gia. Vậy nhưng, đến thời điểm này, đơn vị chỉ mới gom được khoảng 1.000 tấn.
“Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu lúa của các thị trường ngoại tỉnh tăng, các doanh nghiệp vào thu mua nhiều, đẩy giá lên cao. Giá tăng nên nhiều cơ sở thu mua nhỏ lẻ vẫn còn găm hàng chưa bán. Vì vậy, hoạt động thu mua lúa gạo của doanh nghiệp nội tỉnh hiện đang rất khó khăn” – Giám đốc Công ty CP Lương thực Hà Tĩnh Nguyễn Văn Ngụ cho hay.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp
Ngoài nguyên nhân khách quan do ngoại cảnh tác động, nguyên nhân các doanh nghiệp gặp khó trong thu mua lúa gạo là do chất lượng. Theo các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nông sản lúa gạo trên địa bàn Hà Tĩnh, năm nay, chất lượng lúa gạo đạt thấp nên thu mua cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh
Tại Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh, trong hơn 5.000 tấn gạo để chế biến xuất khẩu 5 tháng đầu năm, công ty chỉ thu mua được 35% từ địa bàn Hà Tĩnh. Số còn lại, doanh nghiệp phải “gom” ở các tỉnh khác vì lúa gạo Hà Tĩnh không đảm bảo số lượng và chất lượng để xuất khẩu.
Ông Nguyễn Khánh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh cho biết: “Công đoạn phơi sấy là một trong những yếu tố quyết định chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, ở Hà Tĩnh, bà con đa phần phơi sấy theo phương pháp tự nhiên dẫn đến tỷ lệ thu hồi và thành gạo thấp, độ gãy cao, nhiều tấm. Bởi vậy, với những doanh nghiệp vừa thu mua, vừa chế biến thì rủi ro lại càng cao hơn”.
Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh thu mua lúa liên kết tại xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) với mức giá 8.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường
Theo Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Hà Tĩnh, mỗi năm, sản lượng lúa hàng hóa cung cấp ra thị trường từ 300.000 – 350.000 tấn. Lúa Hà Tĩnh được cung cấp cho các cơ sở xay xát nhỏ lẻ và các doanh nghiệp, HTX chế biến kinh doanh lúa gạo như: Xí nghiệp chế biến gạo hữu cơ Quế Lâm, HTX Chế biến nông sản Đức Lâm, Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh…
Năm nay, giá lúa biến động mạnh, các doanh nghiệp ngoại tỉnh vào mua nhiều nên việc thu gom nguyên liệu phục vụ chế biến của các doanh nghiệp Hà Tĩnh cũng sẽ khó khăn hơn.