Vì sao gia tăng ca mắc và tử vong do bệnh dại ở Đắk Lắk?
Hầu hết người mắc và tử vong do bệnh dại ở Đắk Lắk đều chủ quan không đi tiêm phòng sau khi bị chó cắn, mèo cào. Khi phát bệnh mới đưa đến cơ sở y tế thì đã muộn.
Nhiều người tử vong vì bệnh dại
Đã nhiều ngày trôi qua nhưng người thân anh V.V.T. (sinh năm 1971, thường trú xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) vẫn còn rất đau buồn vì sự ra đi của anh T. bởi bệnh dại.
Trước đó, anh T. có các dấu hiệu của bệnh dại như sốt, đau đầu kéo dài, chóng mặt, mệt mỏi, lo lắng, sợ nước, sợ gió nên được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để thăm khám. Kết quả, anh T. được chẩn đoán theo dõi bệnh dại lên cơn, sau đó bệnh ngày càng tiến triển nặng và anh T. tử vong. Theo người nhà bệnh nhân T., nhiều ngày trước khi khởi phát bệnh dại, anh T. bị chó cắn vào tay nhưng chủ quan không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại.
Một số bệnh nhân khác trên địa bàn Đắk Lắk đã tử vong vì bệnh dại cũng giống như anh T., các nạn nhân đều chủ quan không tiêm phòng sau khi bị chó cắn.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã có 4 người tử vong vì bệnh dại (huyện Krông Pắc 3 người, huyện Krông Buk 1 người). Nguy cơ mắc bệnh dại còn tiếp tục xảy ra trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Trong chỉ thị về phòng, chống bệnh dại của UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến gia tăng bệnh dại như, một số địa phương ở Đắk Lắk chưa quản lý được đàn chó, mèo (chưa thống kê chính xác số lượng đàn chó, mèo, chó thả rông còn phổ biến…).
Công tác tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo chưa đạt hiệu quả cao, việc thông tin, tuyên truyền về bệnh dại chưa thường xuyên, liên tục. Chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, hệ thống thú y cơ sở còn thiếu.
Nhận thức của một bộ phận người dân về mức độ nguy hiểm và các quy định về phòng, chống bệnh dại còn hạn chế…
Cần cấp bách phòng, chống bệnh dại
Để ngăn chặn nguy cơ gia tăng số người mắc và tử vong do bệnh dại, UBND tỉnh Đắk Lắk vừa gửi công điện đến nhiều sở, ngành, các địa phương trên địa bàn cần cấp bách thực hiện biện pháp phòng, chống.
Cụ thể, Sở NN&PTNN Đắk Lắk phối hợp ngay với các địa phương, đơn vị liên quan trên địa bàn tuyên truyền lưu động đến tận xã, phường, thị trấn về quản lý chó, mèo và các loại động vật khác có nguy cơ gây bệnh dại.
Giám sát, xử lý ổ dịch bệnh dại (nếu xảy ra). Đồng thời, đánh giá nguy cơ và triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật…
Có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm, khắc phục triệt để tình trạng chó, mèo thả rông, không được quản lý và cắn người ở nơi công cộng.
Đôn đốc các địa phương có tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo đạt thấp và nơi có nhiều người chết vì bệnh dại ở Đắk Lắk nhanh chóng nâng cao tỷ lệ tiêm phòng.
Sở Y tế Đắk Lắk, chỉ đạo ngay các đơn vị có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tiêm phòng vaccine dại và huyết thanh kháng dại cho người.
Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức xây dựng và triển khai truyền thông học đường về phòng, chống bệnh dại.
Các xã, phường ở Đắk Lắk phải yêu cầu các chủ hộ nuôi chó, mèo và động vật khác có nguy cơ gây bệnh dại cam kết thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về nuôi, nhốt, quản lý, nhất là việc khai báo, tiêm vaccine phòng, chống bệnh dại.
Người dân không được thả rông chó, mèo. Khi đưa chó, mèo ra nơi công cộng, khu dân cư, chung cư phải quản lý và thực hiện đầy đủ các biện pháp để bảo đảm an toàn cho người xung quanh (chó phải được đeo rọ mõm, có dây xích và người dắt) và bảo đảm vệ sinh môi trường.
Theo khuyến cáo của ngành y tế, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật như chó, mèo sang người qua vết cắn, vết cào.
Vậy nên, người dân không may bị chó cắn, mèo cào cần rửa sạch vết thương, sau đó đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm phòng. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ nên tập cho trẻ thói quen khai báo sớm với người thân, gia đình, nếu bị chó cắn, mèo cào để người lớn xử lý kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.
Các triệu chứng ban đầu dễ nhận thấy khi mắc bệnh dại là mệt mỏi, nhức đầu, sốt, cảm giác sợ hãi. Giai đoạn nặng hơn là sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió.