Vì sao giới khoa học cho rằng mang 6,7 triệu mẫu tinh trùng lên Mặt Trăng là cần thiết?
Các nhà khoa học mới đây đã đề xuất về một 'chính sách bảo hiểm toàn cầu', một dự án khoa học vũ trụ có quy mô lớn có nhiệm vụ đưa 6,7 triệu mẫu tinh trùng trên Mặt Trăng.
Một nhóm 6 nhà nghiên cứu đến từ Đại học Arizona (Mỹ) đã trình bày một ý tưởng cực kỳ táo bạo nhưng không kém phần viễn tưởng tại Hội thảo Hàng không vũ trụ của Học viện kỹ sư điện và điện tử (IEEE) vừa được tổ chức mới đây. Theo đó, loài người sẽ chế tạo một con tàu đưa các mẫu tinh trùng và buồng trứng của 6,7 triệu loài trên Trái Đất lên Mặt Trăng. Toàn bộ số mẫu tinh trùng này sau đó sẽ được lưu trữ trong một hầm chứa nằm phía dưới bề mặt Mặt Trăng, nơi chúng có thể giữ an toàn.
Theo New York Post, ý tưởng nói trên tương tự với các hầm chứa hạt giống để đối phó với sự tuyệt chủng ở Svalbard, Na Uy. Đây là nơi đang cất trữ hơn một triệu mẫu cây trồng có nguồn gốc từ hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Nhóm nghiên cứu từ Đại học Arizona cho biết, đề xuất của họ sẽ bảo vệ loài người nói riêng và Trái Đất nói chung khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Đây chính là thứ mà giới khoa học gọi là “chính sách bảo hiểm toàn cầu thời hiện đại”, trong đó các kỹ sư cơ khí đề xuất rằng con người nên thiết lập một kho lưu trữ các tế bào sinh sản - tinh trùng và buồng trứng - cho 6,7 triệu loài trên Trái Đất, bao gồm cả con người. Việc lưu trữ các mẫu tinh trùng và buồng trứng của hàng triệu loài trên trái đất cũng giống như chế tạo một "con tàu của Noah" trước cơn đại hồng thủy từng được đề cập trong kinh thánh vậy.
Theo đó, "chiếc tàu" chứa hàng triệu mẫu tinh trùng này sẽ đóng vai trò bảo hiểm, giúp Trái Đất phục hồi nếu một thảm họa thảm khốc - chẳng hạn như dịch bệnh chết người, một vụ phun trào siêu núi lửa, chiến tranh hạt nhân quy mô lớn, hạn hán trên diện rộng hoặc một vụ va chạm với thiên thạch cỡ lớn - xảy ra. Cũng theo nhóm nghiên cứu, các mẫu vật như tinh trùng và buồng trứng nếu được lưu trữ trên Mặt Trăng sẽ an toàn hơn so với việc lưu trữ trên Trái Đất, vốn dễ bị phá hủy trong một thảm họa lớn.
"Trái Đất là một môi trường tự nhiên dễ bị phá hủy", tác giả Jekan Thanga, người đứng đầu một nhóm nghiên cứu tại Đại học Arizona đã viết trong báo cáo của họ về vấn đề này, "Vì thế, hố Mặt Trăng và các hang động dung nham sẽ đóng vai trò một 'phi thuyền' ở thời hiện đại".
Theo Thanga, vì sự bất ổn định của hành tinh chúng ta, một kho lưu trữ trên Trái Đất sẽ khiến các mẫu vật dễ bị phá hủy. Do đó, Thanga đề xuất khởi động một cuộc di cư tới các hành tinh bằng cách thành lập một hầm chứa "hạt giống trái đất" trên Mặt Trăng càng sớm càng tốt. Dự án có vai trò lưu trữ các tế bào sinh sản trong các hố Mặt Trăng đã được ngành khoa học vũ trụ phát hiện.
Mặc dù đề xuất này đậm chất khoa học viễn tưởng, nhóm nghiên cứu tin rằng việc gửi các mẫu tinh trùng, trứng, bào tử và hạt giống của khoảng 6,7 triệu loài đã được đông lạnh từ Trái Đất lên Mặt Trăng là khả thi và cần thiết.
Jekan Thangavelautham, một thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, loài người sẽ phải thực hiện tổng cộng 250 chuyến bay từ Trái Đất tới Mặt Trăng để vận chuyển hết các mẫu vật cần cất giữ. Trước đây, con người đã cần tổng cộng 40 chuyến bay đưa vật liệu và thiết bị vào không gian để xây dựng Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), cho thấy quy mô của "cuộc di cư hạt giống" này lớn hơn bất kỳ dự án khoa học vũ trụ nào từng được thực hiện.
Để ngăn các mẫu vật không bị đóng băng hoặc dính chặt lại với nhau ở mức nhiệt độ dưới 0 bên dưới bề mặt Mặt Trăng, các nhà khoa học cũng đề xuất xây dựng các tấm pin năng lượng Mặt trời để cung cấp năng lượng cho hầm chứa mẫu vật.
Álvaro Díaz-Flores Caminero, tiến sĩ Đại học Arizona, người phụ trách công việc phân tích nhiệt cho dự án, nói rằng những dự án như thế này đưa nhân loại "đến gần hơn với việc trở thành một nền văn minh không gian và tới một tương lai không xa, nơi loài người sẽ có căn cứ trên Mặt Trăng và Sao Hỏa. "