Vì sao giới trẻ Hàn Quốc đổ xô làm trắc nghiệm tính cách
Niềm tin của người Hàn vào các phương pháp phân loại tính cách, dự đoán tương lai bắt nguồn từ văn hóa coi trọng tính tập thể và nỗi sợ bị cô lập.
Nhắc đến quả táo, bạn liên tưởng đến điều gì đầu tiên?
Nếu câu trả lời là "đỏ" và "ngọt", bạn là người thiên về cảm giác. Còn nếu nghĩ đến "Bạch Tuyết" hoặc "điện thoại iPhone", bạn là người dựa nhiều vào trực giác.
Đó là một câu hỏi trong bài kiểm tra tính cách Myers-Briggs Type Indicator (MBTI) phổ biến với giới trẻ Hàn Quốc, theo Korea Joongang Daily.
Được phát triển bởi nhà văn Katharine Cook Briggs và con gái của bà, Isabel Briggs Myers, vào năm 1943, MBTI bao gồm một loạt các câu hỏi, mỗi câu có hai đáp án và có thể chia mọi người thành 16 loại tính cách dựa trên câu trả lời của họ.
Cơn sốt MBTI của Hàn Quốc bắt đầu khi một trang web có tên 16personalities cung cấp bài kiểm tra miễn phí bắt chước MBTI và trở nên phổ biến trên mạng. Người dùng trả lời 60 câu hỏi trong khoảng 12 phút và kết quả được trả về ngay lập tức.
Hơn 40 triệu người đã thực hiện bài kiểm tra này và hơn 70.000 trong số đó đến từ Hàn Quốc. Hiện một số công ty ở xứ kim chi thậm chí sử dụng bài kiểm tra MBTI trong quá trình tuyển dụng như một chiến lược tiếp thị, "ăn theo" xu hướng của giới trẻ.
Muôn kiểu phân chia tính cách của người Hàn
Trước khi MBTI lan truyền, người Hàn thường dựa vào nhóm máu để dự đoán, phân loại tính cách của người khác.
Ở Hàn Quốc, nhóm máu được cho là có liên quan mật thiết đến tính cách của con người. Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học chắc chắn nào chứng minh điều này.
Những người có nhóm máu A thường được nhận xét là siêng năng và thân thiện nhưng lại rất nhạy cảm. Họ được cho là ít thể hiện bản thân với người khác và thích ở một mình hơn là tham gia vào các nhóm vì cảm thấy không thoải mái ở những nơi đông người.
Những người mang nhóm máu B được biết đến là hướng ngoại và đam mê. Nhưng mặt khác, họ bị đánh giá có tính cách kiêu ngạo. Nam giới thuộc nhóm máu B thậm chí bị định kiến là những kẻ ăn chơi trác táng.
Người có nhóm máu O được cho là thích hợp nhất để làm lãnh đạo hoặc đồng nghiệp vì họ rất thực tế, có kỹ năng giao tiếp tốt và dễ dàng xây dựng mối quan hệ thân thiết với người khác. Điểm yếu có thể là ngại bày tỏ cảm xúc thật của mình do sợ bị từ chối.
Cuối cùng, những người mang nhóm máu AB, là nhóm máu hiếm nhất ở Hàn Quốc, có thể thể hiện nhiều tính cách khác nhau tùy thuộc vào cảm xúc, tâm trạng, hoàn cảnh và đôi khi không kiểm soát được nó. Thông thường họ được cho chỉ thuộc hai loại: thiên tài hoặc tâm thần.
Một công cụ khác mà người Hàn dùng để phân loại tính cách là dựa vào 12 con giáp tương ứng với năm sinh. Những người chênh nhau 12 tuổi thường cho rằng họ có cùng "ddi" với nhau nên cảm thấy dễ thân thiết, nói chuyện hơn.
Những người sinh năm Dần được cho là độc lập, có lòng tự trọng cao, thích hợp làm lãnh đạo. Nhược điểm thường là kiêu ngạo và khó xây dựng mối quan hệ thân thiết với người khác.
Người tuổi Mão được quan niệm là tốt bụng, hiền lành và cố gắng tránh xung đột với người khác. Nhưng họ có thể hơi thụ động và lười biếng.
Trong khi đó, người cầm tinh con chuột được cho là thông minh và tài năng, nhưng khá liều lĩnh, thiếu kiên nhẫn. Người tuổi Sửu kiên nhẫn, siêng năng, trung thực và có tinh thần trách nhiệm cao.
Ngoài phân loại tính cách, người Hàn còn mong muốn đoán biết về tương lai, số phận bằng cách xem bói saju hoặc tướng số.
Saju quan niệm vận mệnh hoặc số phận của một người được quyết định bởi năm, tháng, ngày và giờ sinh của người đó. Trong khi tướng số dự đoán tương lai của con người dựa vào các đặc điểm trên khuôn mặt, cơ thể.
Vì sao giới trẻ phát cuồng?
Niềm tin của người Hàn vào các phương pháp phân loại tính cách, dự đoán tương lai bắt nguồn từ văn hóa rất coi trọng tính tập thể.
Khác với chủ nghĩa cá nhân ở phương Tây, người Hàn Quốc có xu hướng dễ cảm thấy lo lắng khi nghĩ rằng họ không thuộc bất kỳ nhóm nào, vì vậy luôn thúc ép bản thân phải gia nhập một cộng đồng nào đó.
Kim Jae Hyoung, trưởng nhóm nghiên cứu của Viện MBTI Hàn Quốc, cho biết: "Một nữ tu sĩ Hàn Quốc từng lo lắng vì mình khác biệt với những người khác. Sau đó, cô ấy biết về bài kiểm tra MBTI ở Mỹ và phát hiện ra mình không phải là người duy nhất có tính cách như vậy. Trải nghiệm đó đã giúp cô thấy nhẹ nhõm hơn và quyết định mang bài kiểm tra đến Hàn Quốc".
Nhưng một xã hội tập thể không có nghĩa là mọi người đều bình đẳng. Thứ bậc và sự phân chia chắc chắn tồn tại.
So với các thế hệ trước, người trẻ Hàn Quốc có xu hướng cởi mở hơn trong việc bộc lộ bản thân. Họ say mê các bài kiểm tra phân loại tính cách không phải vì sợ cảm giác đơn độc mà bởi muốn hiểu hơn về bản thân.
Millennials và Gen Z, được gọi chung là Thế hệ MZ, rất mong muốn tự hoàn thiện bản thân, nhưng cơ hội để họ làm điều đó đã bị xóa sổ bởi đại dịch.
Lim Myung Ho, giáo sư tâm lý học tại Đại học Dankook, cho biết: "Thế hệ trẻ cảm thấy lo lắng hơn kể từ sau đại dịch và họ nhận thấy các bài kiểm tra tính cách giúp mình giảm bớt căng thẳng. Khi nhận ra rằng bản thân có cùng MBTI với người mình đang trông đợi, cuối cùng họ cũng cảm thấy nhẹ nhõm hơn".