Vì sao Google mua được công ty khởi nghiệp với giá 44 triệu USD?

Khi Hinton nói với những người của Google tham gia cuộc đấu giá rằng ông sẽ dừng lại ở mức 44 triệu dollar, họ nghĩ là ông đang đùa.

Hinton dừng cuộc đấu giá vì nhận ra rằng một ngôi nhà phù hợp cho hoạt động nghiên cứu của mình rốt lại vẫn là quan trọng hơn việc đạt mức chào giá tối đa. Khi ông nói với những người của Google tham gia cuộc đấu giá rằng ông sẽ dừng lại ở mức 44 triệu dollar, họ nghĩ là ông đang đùa - không thể nào ông lại từ bỏ những đồng dollar đang tiếp tục đổ về như thế.

Nhưng ông không hề đùa, và các học trò của ông cũng hiểu rõ điều đó. Họ là những nhà nghiên cứu chứ không phải doanh nhân, và họ trung thành với ý tưởng của họ hơn bất cứ thứ gì khác.

 Ảnh minh họa. Nguồn: BBC.

Ảnh minh họa. Nguồn: BBC.

Nhưng Hinton đã không nhận ra ý tưởng của họ sẽ có giá trị như thế nào. Không ai nhận ra cả. Cùng với một nhóm khoa học gia rải rác ở bốn công ty nêu trên, một gã khổng lồ Internet khác nữa ở Hoa Kỳ và sau cùng là một công ty vừa khởi nghiệp, Hinton và các học trò của ông chẳng mấy chốc đã thúc đẩy ý tưởng duy nhất này vào trọng tâm của ngành công nghiệp công nghệ.

Khi làm vậy, họ đã đột ngột đẩy nhanh sự tiến bộ của trí tuệ nhân tạo một cách đáng kinh ngạc trong các lĩnh vực như trợ lý trò chuyện kỹ thuật số, xe không người lái, robot học, chăm sóc y tế tự động, cũng như hệ thống vũ khí và thiết bị do thám tự động – mặc dù điều này chưa bao giờ là ý định của họ. “Trí tuệ nhân tạo làm thay đổi cách nhìn của tôi về công nghệ”, Alan Eustace nói. “Nó làm thay đổi cả cách nhìn của nhiều người khác nữa”.

Một số khoa học gia, đáng chú ý nhất là Demis Hassabis, nhà khoa học thần kinh trẻ tuổi đứng sau DeepMind, thậm chí còn tin rằng họ đang trên con đường xây dựng một cỗ máy có thể làm bất cứ điều gì mà não người có thể làm được, chỉ có thể tốt hơn mà thôi.

Đó là một khả năng đã cuốn hút nhiều bộ óc tưởng tượng ngay từ những ngày đầu của kỷ nguyên máy tính. Không ai dám nói chắc khi nào cỗ máy đó sẽ đến. Nhưng, ngay cả trong tương lai gần, dù cho sự phát triển của những cỗ máy vẫn còn rất xa mới đạt được trí thông minh đích thực, nhưng các tác động xã hội của chúng đã vượt xa những gì mà mọi người hình dung.

Những công nghệ hùng mạnh luôn hấp dẫn loài người và khiến nhân loại kinh sợ, và loài người đã đặt cược với chúng hết lần này đến lần khác. Lần này khoản cược cao hơn cả những gì mà các khoa học gia đứng sau ý tưởng có thể biết. Sự trỗi dậy của học sâu đánh dấu một bước chuyển cơ bản trong cách thức xây dựng công nghệ số.

Thay vì kỹ càng xác định cách hành xử của cỗ máy qua từng điều luật, từng dòng mã, các kỹ sư đang bắt đầu từng bước xây dựng những cỗ máy có thể học nhiệm vụ từ chính kinh nghiệm của chúng, và những kinh nghiệm này mở ra một lượng thông tin số hùng hậu đến mức con người không tài nào hiểu hết về nó. Kết quả là thế hệ máy móc mới không chỉ mạnh hơn trước mà còn huyền bí và khó tiên liệu hơn.

Khi Google và những gã khổng lồ công nghệ áp dụng công nghệ này, không ai nhận thức rõ lắm rằng nó đang học cả những thiên kiến của chính các nhà nghiên cứu đã xây nó. Họ phần lớn là nam giới da trắng, và họ đã không nhận ra độ lớn của vấn đề cho đến khi có một đợt sóng mới các nhà nghiên cứu - bao gồm cả phụ nữ và người da màu - chỉ ra thiên kiến đó.

Khi công nghệ lan truyền rộng hơn sang chăm sóc y tế, giám sát chính quyền và quân sự, nó có thể đi sai đường. Học sâu có một sức mạnh mà ngay cả những người thiết kế ra nó cũng không biết cách kiểm soát, đặc biệt khi nó được dẫn dắt bởi những siêu cường công nghệ mang cơn khát cháy bỏng về thu nhập và lợi nhuận.

Cade Metz/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-google-mua-duoc-cong-ty-khoi-nghiep-voi-gia-44-trieu-usd-post1503852.html