Vì sao Hà Nội chưa khai tử tuyến buýt nhanh BRT?
Trong mạng lưới, BRT vẫn là tuyến buýt được Sở GTVT đánh giá có lượng khách đông và hiệu quả nhất ở Hà Nội.
Hiệu quả chưa như kỳ vọng
Ghi nhận của PV Báo Giao thông nhiều ngày gần đây, tình trạng lấn làn đường dành riêng của xe buýt nhanh BRT vẫn tái diễn. Vào giờ cao điểm, cả xe máy ô tô ngang nhiên đi vào làn ưu tiên không phải của mình, như không hề có làn đường riêng của BRT.
Ngồi trên chiếc xe buýt nhanh 29B-154.20 thời điểm lúc 7h40 ngày 18/3, PV Báo Giao thông chứng kiến cảnh lái xe liên tục phải hãm phanh, giảm tốc độ khi các phương tiện đang cố tạt đầu xe BRT để tiến lên phía trước.
Ở các nhà chờ Vạn Phúc, Mỗ Lao, Lương Thế Vinh, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Tuân, Hoàng Đạo Thúy có số lượng phương tiện cá nhân chiếm dụng lớn nhất.
Theo đánh giá các chuyên gia, tuy được đầu tư với kinh phí đắt đỏ nhưng sau gần 7 năm vận hành, tuyến BRT chưa đáp ứng được kỳ vọng ở các tiêu chí đặt ra ban đầu. Điều này đã và đang gây bất cập, lãng phí hạ tầng giao thông khi buýt chuyên chở được ít nhưng chiếm nhiều diện tích đường.
Đây cũng là nguyên nhân nhiều người cho rằng nên khai tử tuyến buýt nhanh BRT bởi thực tế hạ tầng giao thông quá tải, mặt đường chưa đủ diện tích cho người dân lưu thông, trên tuyến đường hiện đang quá tải từ 3,5 - 5 lần.
Sở GTVT Hà Nội nói gì?
Về quan điểm này, là cơ quan quản lý chuyên ngành, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, mạng lưới vận tải hành khách công cộng gồm đường sắt đô thị và xe buýt trong đó có buýt BRT vẫn được xác định là trụ cột của vận tải hành khách công cộng (VTHKCC).
Sở GTVT đang tiếp tục rà soát, hợp lý hóa mạng lưới tuyến để tăng cường hiệu quả hoạt động, đảm bảo kết nối giữa các loại hình giao thông trong đô thị.
Riêng với tuyến buýt nhanh BRT, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết đã giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội (HPTC) chủ trì, phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) tổ chức khảo sát và phỏng vấn hành khách, đánh giá toàn diện hiệu quả hoạt động của tuyến buýt nhanh từ khi vận hành.
Theo báo cáo đánh giá của Trung tâm HPTC, tuyến buýt nhanh BRT là một trong các tuyến buýt hoạt động hiệu quả, trong các năm từ 2017 - 2023, đều đạt sản lượng, doanh thu cao nhất toàn mạng lưới buýt và cần thiết duy trì hoạt động của tuyến để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng nêu quan điểm trước mắt vẫn cần tiếp tục duy trì hoạt động loại hình BRT. Song song đó, cơ quan này cũng đang khẩn trương triển khai việc rà soát đánh giá tổng thể mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt, trong đó có xem xét đánh giá đối với mạng lưới xe buýt nhanh BRT hiện nay.
Tuyến buýt nhanh BRT vẫn đang hoạt động tốt nhất so với thực trạng hạ tầng như hiện nay. Chỉ khi nào hình thành đầy đủ các tuyến đường sắt đô thị, đó mới là lúc để rà soát lại loạt các tuyến buýt, thêm tuyến nào, bỏ tuyến nào hoạt động không hiệu quả
Tuyến xe buýt nhanh BRT số 01 Kim Mã - Hà Đông được thành phố Hà Nội đưa vào sử dụng tháng 12/2016 với tổng mức đầu tư trên 55 triệu USD (khoảng 1.100 tỷ đồng). Dự án xây dựng làn đường dành riêng rộng 2,5 mét ở bên trái sát dải phân cách giữa cho xe buýt hoạt động (buýt thường dừng đón, trả khách ở làn phải sát vỉa hè). Tuyến có chiều dài 14 km, sử dụng 55 xe buýt loại 80 chỗ với giá 5,03 tỷ đồng/xe.
Dự án được thực hiện bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới với mục tiêu cải thiện tình trạng ùn tắc, ô nhiễm; làm nền tảng phát triển hạ tầng giao thông công cộng; thúc đẩy người dân chuyển từ xe cá nhân sang phương tiện công cộng.