Vì sao hai dự án vũ khí hạt nhân chiến thuật của Liên Xô đoản mệnh?
Dự án vũ trang vũ khí hạt nhân chiến thuật cho các phương tiện bọc thép của Liên Xô đã bị chết yểu vì một loạt lý do và bất cập
Ý tưởng dự án "Taran" và “Shipovnick”
Lúc đầu, vũ khí nguyên tử có kích thước khá lớn, tuy nhiên, khoa học, kỹ thuật và công nghệ hiện đại đã có thể giảm kích thước của chúng và pháo hạt nhân đã được tạo ra. Năm 1952, Quân đội Mỹ được trang bị đạn pháo hạt nhân W9 cỡ 280mm đầu tiên. Người ta cũng nhận thấy, kích thước của tên lửa cho phép gắn đầu đạn hạt nhân cỡ 155mm.
Tại Liên Xô, năm 1968, để nâng cao khả năng chiến đấu, ý tưởng phát triển phương tiện bọc thép có thể sử dụng cả tên lửa hạt nhân chiến thuật và thông thường mang tên "Taran" (“Таран” - để tăng cường cho các trung đoàn xe tăng), và “Shipovnick” (“Шиповник” - trang bị cho các trung đoàn bộ binh cơ giới) đã được thông qua. Việc phát triển các vũ khí này được giao cho các Văn phòng thiết kế máy công cụ Tula, Nhà máy Kirov (Leningrad) cùng một số đơn vị khác.
Đối với Shipovnick, từ yêu cầu đặt ra là có khả năng tiêu diệt các mục tiêu ở cự ly ít nhất 6-8 km và đạt được mức độ thống nhất cao với các thiết bị quân sự hiện có; có thể hoạt động trong đội hình chiến đấu với các phương tiện chiến đấu bộ binh, không thua kém chúng về khả năng bảo vệ và độ cơ động…, khung gầm xe chiến đấu bộ binh BMP-1 đã được chọn. Trong khuôn khổ dự án, chỉ phải tái cấu trúc khung gầm và khoang chiến đấu của xe, loại bỏ tháp pháo và một phần thiết bị bên trong; giữ lại khung, động cơ và hệ thống truyền động.
Sau khi tái cấu trúc, xe sẽ mang vũ khí mới, khoang chở quân phía sau có thể được sử dụng để dự trữ đạn; tên lửa được phóng bằng một ống dẫn hướng có đường kính 300mm đã được đề xuất; kíp xe chỉ gồm hai người: lái xe và chỉ huy-vận hành. Không có thông tin chi tiết về cấu hình bên ngoài, do đó, không thể đánh giá mức độ Shipovnick giống BMP-1, cũng như khả năng sống sót của nó trong điều kiện chiến đấu.
Ban đầu, Taran dự định được phát triển trên cơ sở xe tăng Object 287, nhưng một số tính năng của nó không cho phép cải tiến, vì vậy, về sau, các chuyên gia đã chọn khung gầm của tăng T-64A. Hệ thống tên lửa chiến thuật Shipovnick cho các đơn vị bộ binh cơ giới đã được ứng dụng trên Taran cho bộ đội xe tăng, có bổ sung tên lửa chống tăng. Tên lửa dùng cho Taran là tên lửa một tầng sử dụng nhiên liệu rắn có kích thước tương đối lớn. Để có được tính năng kỹ thuật-bay cần thiết và liên quan đến việc gắn đầu đạn hạt nhân, cỡ nòng của pháo phải tăng lên 300mm.
Tên lửa có thân hình trụ nặng 150kg (riêng đầu đạn 65kg) có cánh xòe ra trong khi bay. Dự án Taran đã cân nhắc ba biến thể tên lửa khác nhau: sự ổn định của đầu đạn trong khi bay được thực hiện nhờ quay quanh trục được tạo bởi các mặt phẳng nghiêng; sử dụng một hệ thống hiệu chỉnh đơn giản để giữ tên lửa theo quỹ đạo ban đầu; phát triển một đầu đạn hoàn toàn tự dẫn.
Nhằm nâng cao hiệu quả chiến đấu, dự án Taran và Shipovnick đã đề xuất phát triển hai loại tên lửa khác nhau: Taran - gắn đầu đạn hạt nhân công suất từ 0,1-0,3 kT; và Taran-1 - đạn nổ mảnh-tích lũy. Đầu đạn nặng 65kg của Taran-1 có thể xuyên thủng giáp dầy 300mm, đồng thời tạo ra mảnh vỡ, sát thương sinh lực địch. Đầu tự dẫn, hoạt động theo nguyên lý bắn và quên sử dụng cho đầu đạn tích lũy có thể giúp đạt được hiệu quả chiến đấu cao nhất với chi phí hợp lý. Việc sử dụng động cơ đủ mạnh giúp tăng tầm bay của tên lửa Taran lên 10-12km, với độ lệch xác suất vòng tròn ít nhất là 100m - khi bắn vào mục tiêu quan sát được.
Theo các nhà thiết kế, mỗi xe thiết giáp mang không quá 2-3 tên lửa Taran gắn đầu đạn hạt nhân, và cơ số đạn bao gồm không quá 10 tên lửa chống tăng Taran-1. Khi tiếp cận được ranh giới phóng ở khoảng cách tối đa, Shipovnick và Taran sử dụng tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân tấn công các mục tiêu có khả năng tác động đến tình hình chiến trường. Các trung đội xe tăng loại này biên chế cho các đơn vị bộ binh cơ giới hoặc cơ giới có nhiệm vụ chọc thủng hệ thống phòng thủ của địch.
Sau khi bắn tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân, các phương tiện tăng-thiết giáp sẽ sử dụng vũ khí dẫn hướng để tấn công các mục tiêu nguy hiểm còn lại. Sự hiện diện của hệ thống tên lửa chiến thuật gắn đầu đạn hạt nhân không chỉ làm tăng hỏa lực của các đơn vị bộ binh cơ giới , mà còn giảm rủi ro cho xe bọc thép khác trong đội hình.
Những bất cập và khó khăn
Năm 1972, Bộ Quốc phòng Liên Xô quyết định dừng cả hai dự án Shipovnick và Taran; cho đến thời điểm này, chúng chỉ tồn tại trên giấy. Không có thông tin cụ thể về lý do, nhưng một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến số phận của các dự án đã được sáng tỏ. Thực tế là, cùng với những lợi thế không thể phủ nhận, các hệ thống tên lửa mới có những nhược điểm nhất định.
Shipovnick được đề xuất xây dựng trên cơ sở BMP-1 và sẽ thuộc biên chế các đơn vị bộ binh cơ giới là hợp lý; tích hợp tên lửa, bao gồm cả tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân, có tầm bắn tương đối xa cũng là lợi thế. Việc sử dụng chiến đấu kết hợp giữa Shipovnick và Taran, được xây dựng trên khung gầm tiêu chuẩn mang lại cho quân đội những thuận lợi nhất định trong đảm bảo hậu cần-kỹ thuật và chiến đấu.
Tuy nhiên, cả hai hệ thống đều có thể gặp một số khó khăn liên quan đến vũ khí hạt nhân - không những khá đắt đỏ về giá thành mà còn phức tạp về kỹ thuật và khó vận hành. Việc sử dụng các vũ khí này làm phương tiện tấn công trước trong chiến đấu có thể dẫn đến sự leo thang của xung đột và một cuộc tấn công trả đũa bằng vũ khí tương tự là khó tránh khỏi.
Ngoài ra, cũng có nghi ngờ về hiệu quả thực sự của vũ khí. Tên lửa hạt nhân Taran không thể được trang bị các công cụ điều khiển và dẫn đường chính xác, do đó độ lệch xác suất tròn của nó vượt quá 100m. Độ chính xác kém có thể làm giảm hiệu quả thực sự của đầu đạn hạt nhân vốn công suất tương đối thấp. Để cải thiện độ chính xác của loạt bắn cần phải cải tiến tên lửa - điều khó khăn hoặc thậm chí là không thể đối với công nghệ thời đó.
Các dự án tên lửa chiến thuật Shipovnick và Taran đã không tạo ra sản phẩm thực. Tuy vậy, nhờ chúng, các chuyên gia Liên Xô đã có thể nghiên cứu về vũ khí đặc biệt và xác định triển vọng thực của nó. Vấn đề đã được kết luận là quân đội không cần các phương tiện chiến đấu như vậy, và do đó, các dự án mới loại này không còn được xây dựng, mà tập trung giải quyết các vấn đề thực tiễn khác. Dù vậy, cũng cần nói thêm, có thông tin, theo đó, Armata - xe thiết giáp đời mới nhất của Nga - sẽ được trang bị pháo có thể bắn tên lửa hạt nhân. Thực hư thế nào, hãy đợi xem!./.