Vì sao Hàn Quốc không thể gia nhập nhóm Bộ Tứ?

Hàn Quốc đã thể hiện không quan tâm tham gia vào nhóm Bộ Tứ do Mỹ đề xuất. Nhưng lý do vì sao Seoul lại thẳng thừng từ chối 'NATO châu Á'?

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dự định gặp người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-wha vào hôm 7/10 vừa qua. Tuy nhiên, chuyến thăm này đã bị hủy sau khi Tổng thống Donald Trump được xét nghiệm dương tính Covid-19.

Ngoại trưởng Mỹ dự định sẽ thảo luận về triển vọng Hàn Quốc tăng cường can dự vào Đối thoại An ninh Tứ giác hay còn gọi là nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia.

Việc Hàn Quốc gia nhập nhóm Bộ Tứ sẽ làm phức tạp thêm mối quan hệ của Bắc Kinh và Seoul, đồng thời khoanh vùng bán đảo Triều Tiên như một chiến trường địa chính trị hiện hữu hơn giữa Trung Quốc và Mỹ. (Nguồn: kr.usembassy.gov)

Việc Hàn Quốc gia nhập nhóm Bộ Tứ sẽ làm phức tạp thêm mối quan hệ của Bắc Kinh và Seoul, đồng thời khoanh vùng bán đảo Triều Tiên như một chiến trường địa chính trị hiện hữu hơn giữa Trung Quốc và Mỹ. (Nguồn: kr.usembassy.gov)

Những năm gần đây đã xuất hiện thảo luận về việc biến Bộ Tứ thành “NATO châu Á” nhằm thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc. Sự phát triển này có thể sẽ là sự tương phản rõ nét đối với mô hình liên minh “trục và hoa nan” truyền thống của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Quan điểm kép của Hàn Quốc

Biết được khả năng ông Pompeo sẽ nêu vấn đề Hàn Quốc tham gia vào định dạng “Bộ Tứ mở rộng”, Ngoại trưởng Kang đã bác bỏ ý tưởng Hàn Quốc chính thức gia nhập Bộ Tứ. Bà Kang thẳng thắn tuyên bố Seoul không quan tâm đến việc tham gia vào liên minh cấu trúc do Mỹ dẫn đầu ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ngay cả trong trường hợp Hàn Quốc gia nhập Bộ Tứ, điều khó có thể xảy ra, thì sự phát triển như vậy cuối cùng có thể gây bất lợi cho chính sách của Mỹ về Triều Tiên. Những nỗ lực của Mỹ trong việc lôi kéo Hàn Quốc vào Bộ Tứ nhằm kiềm chế Trung Quốc có thể khiến Bắc Kinh trở nên cứng rắn hơn khi vẫn coi bán đảo Triều Tiên là khu vực trọng yếu trong nỗ lực ngăn chặn tầm ảnh hưởng địa chính trị của Washington.

Việc thúc đẩy Hàn Quốc gia nhập Bộ Tứ có thể hủy hoại tiến trình hòa giải liên Triều vì điều này khiến Bắc Kinh ngày càng có thiên hướng ủng hộ một bán đảo Triều Tiên bị chia cắt, ngày càng coi Triều Tiên là một “quốc gia vùng đệm”.

Quá trình thảo luận chính sách tại Hàn Quốc ngày càng nhấn mạnh đến "quan điểm kép” của nước này, vừa có xu hướng chủ yếu “thân Mỹ” để đảm bảo an ninh, lại vừa gắn kết chặt chẽ về kinh tế với Trung Quốc.

Seoul đã theo đuổi chiến lược tránh gây xung đột với Bắc Kinh bằng cách hạn chế tham gia vào chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Washington mà Bộ Tứ là một phần không thể thiếu trong chính sách này.

Khi Seoul cảm thấy áp lực ngày càng tăng về việc đi theo Mỹ để tham gia liên minh chính thức chống Trung Quốc, việc Ngoại trưởng Kang hạ thấp bất kỳ cơ hội thực sự nào để Hàn Quốc tham gia Bộ Tứ một phần là do áp lựccủa Bắc Kinh đối với Seoul.

Ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có cuộc gặp Chánh Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon hôm 22/8 vừa qua. Ông Dương đã tuyên bố Hàn Quốc “không nên đứng về phía Mỹ” và nhấn mạnh quan hệ hòa bình giữa Trung Quốc và Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh ở Đông Bắc Á.

Triều Tiên có "ý nghĩa kép" với Trung Quốc

Đối với Trung Quốc, Triều Tiên có “ý nghĩa kép” đối với sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Điều này rất quan trọng đối với an ninh của Trung Quốc ở cấp độ ngoại vi, song cũng phụ thuộc rất nhiều vào quan hệ “quyền lực” của Bắc Kinh với Washington. Việc Hàn Quốc gia nhập Bộ Tứ sẽ chỉ làm tăng giá trị địa chính trị của Triều Tiên đối với Trung Quốc.

Hiện tại, Trung Quốc có thể sẵn sàng chấp nhận quá trình thống nhất bán đảo Triều Tiên dưới sự cầm quyền của chính phủ Seoul nhưng không gắn kết hoàn toàn với Mỹ. Điều này cho thấy Bắc Kinh không “gắn chặt” với sự tồn tại của Triều Tiên như một quốc gia độc lập. Mặc dù liên minh Hàn-Mỹ chủ yếu nhằm mục đích ngăn chặn Triều Tiên, nhưng việc “thu hút” Hàn Quốc vào mạng lưới công khai chống Trung Quốc sẽ khiến Bắc Kinh ngày càng củng cố quan điểm của mình về việc thống nhất bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình.

Hàn Quốc là một nền dân chủ với những giá trị và lợi ích phần lớn phù hợp với Mỹ, giống như tất cả các thành viên khác của nhóm Bộ Tứ. “Tình thế” dễ bị tổn thương hơn của Hàn Quốc trong quan hệ với Trung Quốc và lợi ích của hai nước đối với vấn đề an ninh của Triều Tiên đồng nghĩa rằng những nỗ lực quá mức buộc Seoul phải tham gia vào “NATO châu Á” có thể hủy hoại các lợi ích của Mỹ.

Washington nên tự kiềm chế

Quan điểm chính sách chính thức của Mỹ là ủng hộ tiến trình thống nhất trên bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình theo cách mà chính người dân Triều Tiên là những người quyết định cuối cùng về số phận của mình. Khi thực hiện các bước đi vốn có thể kìm hãm tiến trình thống nhất nói trên, Washington thậm chí có thể đánh mất hơn nữa lòng tin vốn đang suy giảm với Seoul nếu tìm cách sử dụng bán đảo Triều Tiên như một công cụ để kiềm chế Trung Quốc. Khi Bắc Kinh tăng cường hoạt động ngoại giao với Hàn Quốc, thì Washington khó có thể làm gì khiến Seoul nghi ngại hơn về các ý định thực sự của Bắc Kinh.

Do đó, Washington nên tự kiềm chế, không quá thúc ép Seoul tham gia vào nhóm Bộ Tứ với tư cách là một thành viên đầy đủ. Thay vào đó, Mỹ cần sử dụng những lợi ích chung với Seoul như đòn bẩy để tập trung trước hết vào việc tìm kiếm giải pháp hợp lý đối với cuộc khủng hoảng an ninh trên bán đảo Triều Tiên. Việc Hàn Quốc gia nhập nhóm Bộ Tứ sẽ làm phức tạp thêm mối quan hệ của Bắc Kinh và Seoul, đồng thời khoanh vùng bán đảo Triều Tiên như một chiến trường địa chính trị hiện hữu hơn giữa Trung Quốc và Mỹ.

Thế Linh

(theo East Asia Forum)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vi-sao-han-quoc-khong-the-gia-nhap-nhom-bo-tu-126522.html