Vì sao Hàn Quốc thay đổi thái độ với Google, Apple?
Thế giới đang ngấm ngầm chống lại các công ty công nghệ quá lớn để có thể đánh cắp miếng bánh kinh tế béo bở, ngày càng lộ rõ thái độ độc quyền.
Sau Mỹ và Trung Quốc, cơ quan lập pháp Hàn Quốc vừa thông qua luật “Kinh doanh viễn thông”, Bộ luật này dành một phần quan trọng nhằm kiềm chế sự thống trị của các công ty công nghệ toàn cầu như Google, Apple.
Về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc xem việc thanh toán độc quyền trên ứng dụng Apple Store và Play Store là bất hợp pháp trên lãnh thổ nước này. Điều đáng chú ý, xứ Kim chi là nơi đầu tiên trên thế giới tung chiêu ngáng đường hai gã khổng lồ công nghệ Mỹ.
Tháng 10 tới, Google sẽ chính thức triển khai hệ thống thanh toán của riêng họ đối với tất cả các nhà phát triển ứng dụng trên Play Store. Đây là bước thay đổi rất lớn, nếu thuận lợi, công ty này như hổ mọc thêm cánh.
Sức mạnh của Google - ngoài công cụ tìm kiếm phổ biến nhất hiện nay, còn là nhà cung cấp phần mềm được các hãng sản xuất thiết bị viễn thông sử dụng nhiều nhất, cái tên thần thánh ấy là Android.
Hiện có hàng tỷ thiết bị dùng Android đang hoạt động, đính kèm trong đó là kho ứng dụng khổng lồ Play Store, khi xu hướng thanh toán trực tuyến bùng nổ như hiện nay, Google không khác gì một ngân hàng trung chuyển tài chính khổng lồ, có thể nắm dòng tiền qua đó gây ảnh hưởng toàn diện hơn.
Hàn Quốc có Samsung là công ty sản xuất thiết bị thông minh nhiều nhất trên thế giới, nhưng cái khó của họ là sử dụng đồng bộ phần mềm Android do Google cung cấp.
Tại Hàn Quốc, Play Store thu về 4,2 tỷ USD trong năm 2020 chiếm hơn 60% thị phần dịch vụ mua bán trong ứng dụng di động ở nước này. Rõ ràng đây là thiệt hại mà các nhà phát triển ứng dụng lẫn hoạch định chính sách kinh tế tại Hàn Quốc không muốn chấp nhận.
Cũng giống như Mỹ, Australia, Trung Quốc, thế giới đang ngấm ngầm chống lại các công ty công nghệ quá lớn để có thể đánh cắp miếng bánh kinh tế béo bở, ngày càng lộ rõ thái độ độc quyền.
Chính quyền Seoul đang thực hiện thay đổi toàn diện trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến bằng cách tuyên phạt 3,3 tỷ won với Coupang - một công ty được ví như “Amazon Hàn Quốc” vì tội ép doanh nghiệp nhỏ và nhà cung cấp địa phương phải tăng giá bán sản phẩm trên những nền tảng đối thủ.
Động lực để Coupang làm điều này cũng giống như những công ty công nghệ lớn khác: “Nếu anh không hợp tác với tôi, anh phải chết còn chúng tôi vẫn có thể lựa chọn khách hàng thay thế”.
Thời kỳ trấn áp các nền tảng kinh doanh dựa vào công nghệ đang đến. Trên tất cả, các nền tảng này như những tay cò mồi ăn hoa hồng, chúng không tạo ra bất cứ giá trị tăng thêm nào cho xã hội ngoài sự tiện lợi được ngợi ca như lợi thế tuyệt đối.
Bắc Kinh giữ thái độ trên với Alibaban Tencent, Ant để bảo vệ nền kinh tế sáng tạo, chế tạo, duy trì cạnh tranh, khởi nghiệp, và xa hơn là phòng bị quyền lực đáng sợ của những đại doanh nghiệp - đến lúc họ có thể mặc cả.