Vì sao hàng loạt nhân viên bị sa thải nhưng CEO vẫn nhận lương khủng
Với làn sóng lay off diễn ra mạnh mẽ trong vài năm qua, nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao các công ty không cắt giảm lương thưởng khổng lồ của CEO để giữ lại một số vị trí công việc?
Có hơn 40 năm kinh nghiệm, từng chứng kiến nhiều đợt sa thải, Chris Williams - từng là Phó Giám đốc Nhân sự tại Microsoft và hiện là cố vấn cấp điều hành - nói với Business Insider rằng các CEO vẫn luôn an toàn trong các đợt cắt giảm lương thưởng, nhân sự và dưới dây là những lý do được đưa ra.
2 triệu USD và 1 tỷ USD
Lý do mà các nhà điều hành thường sử dụng nhất để biện minh cho chính họ, đó là một phép toán đơn giản. Cắt giảm lương của CEO được cho không có tác động đáng kể đến bài toán tài chính của công ty.
Lấy Google hay Microsoft làm ví dụ, hai công ty có cách tính toán rất giống nhau. Cả hai công ty này đều có khoảng 200.000 nhân viên và đã sa thải khoảng 10.000 người trong khoảng một năm qua. Hai CEO đều được trả số tiền tương tự nhau, với mức lương khoảng 2 triệu USD/năm.
Đối với những công ty này, việc cắt giảm 10.000 nhân viên giúp họ tiết kiệm chi phí khoảng 1 tỷ USD/năm. Việc cắt giảm hoàn toàn lương của CEO sẽ chỉ tiết kiệm được 0,2% trong số đó. Cách tính toàn này cho thấy việc cắt giảm lương CEO sẽ không giải quyết được vấn đề.
Thưởng cũng không bị cắt giảm
Tuy nhiên, cách tính ở trên chỉ mới xét về lương, chưa bao gồm các khoản thưởng khổng lồ. CEO Sundar Pichai của Google đã kiếm được hơn 200 triệu USD vào năm ngoái. CEO Satya Nadella của Microsoft đã kiếm được gần 50 triệu USD vào năm 2022.
Thế nhưng vấn đề là những CEO này không bao giờ được nhận khoản thưởng này hoàn toàn bằng tiền mặt. Họ thường được trả bằng cổ phiếu.
Sundar nhận thưởng cổ phiếu 3 năm một lần. Nếu giá cổ phiếu của Google giảm mạnh thì khoản thưởng của ông cũng giảm theo. Nhưng thực tế, giá cổ phiếu của Google đã tăng vọt, tăng khoảng 50% trong năm qua.
Các công ty rất thích hình thức thưởng bằng cổ phiếu cho CEO. Vì cách làm này vẫn tiết kiệm hơn so với trả tiền mặt. Nhưng quan trong hơn, đây là một hình thức trói buộc, thúc đẩy các CEO phải tìm mọi cách thúc đẩy giá cổ phiếu công ty.
Nếu giá cổ phiếu tăng, thì CEO, các cổ đông, hội đồng quản trị, nhà đầu tư đều được hưởng lợi.
Giống như tiền lương, vì những khoản thưởng bằng cổ phiếu này không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh hiện tại, nên việc cắt giảm chúng sẽ không giải quyết được khó khăn trước mắt của công ty, theo lý lẽ của hội đồng quản trị và các CEO.
Sự cạnh tranh
Một yếu tố khác là sự cạnh tranh khốc liệt về nhân tài cho các vị trí điều hành.
Rất ít CEO có kinh nghiệm lãnh đạo các công ty trị giá gần nghìn tỷ USD với hàng trăm nghìn nhân viên và hoạt động trên quy mô toàn cầu.
Cố vấn Chris Williams nói: "Các CEO luôn nhìn vào đồng nghiệp để so sánh. Mức lương của các sếp trong Fortune 500 thường ngang bằng nhau. Sự cạnh tranh tài năng rất gay gắt và những CEO đều biết giá trị của mình".
Khi đó, sự khác biệt nằm ở khoản thưởng cổ phiếu - đúng như những gì hội đồng quản trị của các công ty này mong muốn. Họ muốn có thể thuê một người giỏi và nói: "Hãy làm cho cổ phiếu tăng giá và bạn sẽ được thưởng hậu hĩnh".
Câu chuyện trách nhiệm và hình ảnh
Tuy nhiên, những CEO này là nhà lãnh đạo và họ phải là hình mẫu về hành vi cho tổ chức.
Nếu công ty đang gặp áp lực tài chính và mọi việc tồi tệ đến mức nhiều nhân viên mất việc thì các CEO có nên chia sẻ sự mất mát này không? Theo ông Williams, tất nhiên là họ nên làm vậy.
Một số, dưới áp lực của công chúng, đã đưa ra những cam kết giảm lương. Ông Sundar Pichai cách đây một năm đã cam kết giảm lương, nhưng tổng số tiền thưởng của ông trong năm qua là hơn 200 triệu USD.
CEO Tim Cook tại Apple đã công khai yêu cầu cắt giảm khoản thưởng cổ phiếu của ông xuống còn một nửa - xuống còn 40 triệu USD. Mức lương cơ bản 3 triệu USD và tiền thưởng 6 triệu USD của ông không thay đổi.
Thế nhưng, hầu hết không làm như vậy. Họ sẽ đưa ra tất cả những lời bào chữa ở trên, biện minh cho bản thân, hội đồng quản trị và các cổ đông của mình.
"Nhiều CEO đưa ra bài phát biểu đầy ẩn ý về những khó khăn, cảm xúc đau buôn khi mọi người mất việc và ước rằng họ có lựa chọn khác. Trên hết, họ sẽ nói với những người còn ở lại là hãy cùng cố gắng hơn để giúp vực dậy công ty, trong khi vẫn nhận thưởng và bán cổ phiếu của mình", ông Williams nói.