Vì sao hàng loạt tỷ phú công nghệ đang quyên góp tiền cho ông Trump tranh cử?
Dù khu vực vịnh San Francisco, California, Mỹ từ lâu là thành trì ủng hộ đảng Dân chủ, nhưng hiện một nhóm nhỏ các tỷ phú công nghệ đầy quyền lực ở Thung lũng Silicon đang chuyển hướng góp tiền cho cựu Tổng thống Cộng hòa Donald Trump tái tranh cử.
Tỷ phú công nghệ Elon Musk cuối tuần qua đã công khai ủng hộ ông Trump. Theo báo The Wall Street Journal, ông Musk đã cam kết quyên góp tới 1 tỷ USD cho một ủy ban hành động chính trị mới có tên America PAC hậu thuẫn cựu tổng thống.
Tháng trước, tỷ phú đầu tư công nghệ David Sacks đã đồng tổ chức một buổi gây quỹ cho ông Trump tại tư dinh ở San Francisco và phát biểu trước Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa (RNC) hôm 15/7.
Theo hồ sơ của Ủy ban Bầu cử Liên bang Mỹ, những doanh nhân giàu có khác đã đóng góp cho America PAC bao gồm cặp song sinh Winklevoss, Doug Leone của công ty đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital và Joe Lonsdale, người đồng sáng lập công ty phần mềm Palantir.
Trong chu kỳ bầu cử vừa qua, chỉ có một số ít người ở Thung lũng Silicon đứng về phía ông Trump và phần lớn giữ kín sự ủng hộ của họ. Số lượng những người này hiện vẫn còn ít, nhưng họ không còn che giấu nữa và đang mở rộng hầu bao.
Điều gì đã xảy ra? Theo đài CNN, có thể không có nhiều người ủng hộ cựu tổng thống Cộng hòa trong thế giới công nghệ như một số lầm tưởng lâu nay.
“Một giai thoại đã được những người theo đảng phái lan truyền là sự gia tăng những đại gia công nghệ từ bỏ ủng hộ đảng Dân chủ để vội vàng chuyển sang hậu thuẫn chiến dịch tranh cử của bộ đôi Trump - J.D. Vance. Sự thật là hầu hết các nhân vật công nghệ hàng đầu đều không ủng hộ ông Trump và 'phó tướng', trong khi nhóm đại gia ủng hộ vẫn như vậy từ nhiều năm trước”, Jeffrey Sonnenfeld, trưởng khoa nghiên cứu về lãnh đạo tại Trường Quản lý Yale nói.
Giới phân tích nhận định, đối với những tỷ phú công nghệ đang mạnh tay chi tiền cho ông Trump tái tranh cử, rất có thể đó không phải là cơn sốt cuồng nhiệt đột ngột đối với phe bảo thủ hay phong trào “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” (MAGA) do chính khách Cộng hòa này khởi xướng.
Adam Kovacevich, Giám đốc điều hành của Chamber of Progress, một nhóm chính sách công nghệ trung tả, đã chỉ ra 2 điểm gây khó khăn lớn nhất đối với giới công nghệ là việc chính quyền Tổng thống Joe Biden thực thi chiến dịch chống độc quyền và thái độ của họ đối với tiền điện tử.
“Tôi không nghĩ nó liên quan nhiều đến ông Trump. Tôi nghĩ họ có thể sẽ ở lại với ông Biden nếu họ cảm thấy nền kinh tế đổi mới được quan tâm và chú ý nhiều hơn”, ông Kovacevich bình luận.
Nói cách khác, không phải các tỷ phú yêu thích ứng viên tổng thống Trump, mà họ thực sự không ưa Lina Khan, quan chức phụ trách chống độc quyền hàng đầu của Tổng thống Biden và Gary Gensler, người được mệnh danh là “cảnh sát Phố Wall” và không giấu giếm sự thiếu thiện cảm với tài sản kỹ thuật số.
Trong những năm gần đây, bà Khan đã khởi xướng nhiều vụ kiện chống lại các “ông lớn” công nghệ như Amazon, Microsoft và Meta. Trong một cuộc phỏng vấn với CNN năm ngoái, quan chức này mô tả đây là một phần của chiến dịch rộng lớn hơn nhằm huy động nhiều nguồn lực của chính phủ hơn để giải quyết các vấn đề kinh tế hàng ngày của người dân Mỹ bình thường. Tuy nhiên, các quy định của chính phủ, dù có chủ ý tốt đến đâu, hiếm khi khiến những người đang làm giàu từ hiện trạng vừa lòng.
Theo một số hãng tin, 2 trong số những nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng nhất ở Thung lũng Silicon là Marc Andreessen và Ben Horowitz đã cam kết quyên góp cho America PAC.
Một nguồn thạo tin chia sẻ với tạp chí Financial Times rằng, việc họ chuyển hướng sang ủng hộ ông Trump là vì “có quá nhiều thứ bị đe dọa ở khía cạnh tiền điện tử” và sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. “Điều đó không có nghĩa là ủng hộ quan điểm của ông Trump về vấn đề nhập cư”, người này quả quyết.
Trong quá khứ, cựu Tổng thống Trump đã không thể hiện nhiều tình cảm với những người làm công nghệ, chủ sở hữu của các công ty truyền thông xã hội bị ông từ lâu cáo buộc có thành kiến chống phe bảo thủ, đặc biệt sau khi một vài trong số họ đã ra lệnh đình chỉ tài khoản mạng xã hội của ông tiếp sau vụ những người biểu tình quá khích gây bạo loạn trên Đồi Capitol nhằm đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 vào ngày 6/1/2021.
Tuy nhiên, dòng tiền ủng hộ của giới công nghệ đổ về gần đây, một phần được thúc đẩy nhờ việc ông Trump chọn nhà đầu tư mạo hiểm 39 tuổi làm “phó tướng”, dường như đã làm dịu đi một số quan điểm “bài công nghệ” của cựu lãnh đạo Nhà Trắng.
Đến tận năm 2021, ông Trump vẫn gọi tiền kỹ thuật số bitcoin là “sự lừa đảo chống lại đồng USD”. Song, gần đây, ông tự định vị mình là ứng cử viên thân thiện với tiền điện tử. Mặc dù chiến dịch tranh cử của ông Trump chưa đưa ra các đề xuất chính sách cụ thể liên quan đến tài sản kỹ thuật số, nhưng họ đã bắt đầu chấp nhận quyên góp bằng tiền điện tử vào mùa xuân này. Ông Trump cũng dự kiến sẽ phát biểu tại một hội nghị bitcoin cấp quốc gia vào tuần tới.
Trong khi đó, chính quyền Biden đang nỗ lực hàn gắn mối quan hệ với các nhà lãnh đạo trong ngành, những người cáo buộc họ đã bị Ủy ban Giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC) cũng như Chủ tịch SEC Gensler cản trở.
Chắc chắn, các nhà tài trợ thuộc giới công nghệ, bao gồm cả người sáng lập LinkedIn Reid Hoffman và người đồng sáng lập Google Eric Schmidt, vẫn đang đóng góp cho chiến dịch tranh cử của ông Biden và các thành viên đảng Dân chủ.
Các nhà phân tích lưu ý, việc ông Trump hưởng lợi từ Thung lũng Silicon đến đúng lúc một số nhà tài trợ lớn của đảng Dân chủ tạm dừng quyên góp tiền trong bối cảnh xuất hiện các đề xuất chọn ứng viên tổng thống mới thay cho ông Biden. Và như ông Kovacevich đã chỉ ra, việc một số tên tuổi lớn quay sang ủng hộ ông Trump không có nghĩa “họ đang nói thay cho tất cả mọi người”.