Vì sao hàng nghìn máy bộ đàm phát nổ hàng loạt ở Lebanon

Các báo cáo cho thấy hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm đã được thay đổi và gài thuốc nổ, được thiết kế để phát nổ khi được các thành viên Hezbollah sử dụng.

Hàng loạt thiết bị điện tử được các chiến binh Hezbollah sử dụng đã phát nổ vào cuối chiều 18/9, khiến ít nhất 20 người chết, 450 người bị thương ở khu vực miền nam Lebanon.

Israel chưa lên tiếng thừa nhận hay phủ nhận trách nhiệm đối với hai đợt phát nổ này. Tuy nhiên, 12 quan chức và cựu tình báo giấu tên nắm được thông tin về vụ tấn công nói với New York Times rằng Israel đứng sau chiến dịch tinh vi và kéo dài này.

Những “quả bom” trong hình thù máy nhắn tin và bộ đàm là đòn thù mới nhất trong cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ giữa Israel và Hezbollah. Căng thẳng giữa hai lực lượng này đã leo thang sau khi chiến sự bắt đầu tại Dải Gaza.

Vũ khí hóa máy bộ đàm

Theo các nhà phân tích quân sự, cơ quan tình báo của Israel đã tập trung vào việc phá vỡ các hoạt động của Hezbollah thông qua chiến thuật chiến tranh phi truyền thống, bao gồm tấn công mạng và sử dụng thiết bị có gắn bẫy.

Chiến lược này nhằm mục đích làm suy yếu cơ sở hạ tầng của Hezbollah mà không cần phải can thiệp quân sự trên quy mô lớn.

Nguồn gốc của vụ nổ hôm 18/9 vẫn chưa được làm rõ. Hãng thông tấn nhà nước Lebanon cho biết một số vụ nổ xảy ra ở sản phẩm một thương hiệu bộ đàm hai chiều, trong khi hình ảnh từ hiện trường vụ nổ cho thấy máy bộ đàm mang thương hiệu Icom và số hiệu V82.

 Hình ảnh từ hiện trường vụ nổ cho thấy máy bộ đàm mang thương hiệu Icom và số hiệu V82. Ảnh: Imago.

Hình ảnh từ hiện trường vụ nổ cho thấy máy bộ đàm mang thương hiệu Icom và số hiệu V82. Ảnh: Imago.

Thông báo từ Icom Inc cho biết hãng đã ngừng sản xuất mẫu bộ đàm IC-V82, có dấu hiệu giống với mẫu trong các bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội, vào năm 2014.

Bộ đàm là một loại radio hai chiều di động cho phép người dùng giao tiếp không dây trong khoảng cách ngắn.

Các thiết bị này hoạt động trên tần số vô tuyến cụ thể và được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như dịch vụ khẩn cấp, xây dựng và hoạt động quân sự. Được biết đến với tính đơn giản, thiết bị này cho phép người dùng vừa truyền vừa nhận tin nhắn bằng một kênh duy nhất.

Theo USA Trendline, sự cố phát nổ hàng loạt ở Lebanon không phải trường hợp cá biệt. Trước đó, các báo cáo cho thấy hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm đã được cài thuốc nổ để phát nổ khi các thành viên Hezbollah sử dụng.

Những thiết bị này được tuồn lậu vào Lebanon không qua khâu kiểm tra an ninh thích hợp, khiến chúng trở thành quả bom hẹn giờ đối với những người sử dụng.

USA Trendline đưa ra giả thuyết các máy bộ đàm đã được gắn một lượng nhỏ vật liệu nổ, thường được đặt gần các ngăn chứa pin.

Trong một số trường hợp, chỉ cần gần 30 gram thuốc nổ là đủ để gây ra hậu quả tàn khốc. Các chuyên gia nhận định thêm hoạt động phá hoại này được thực hiện thông qua chiến thuật chiến tranh mạng, với các chất kích nổ được kích hoạt bằng tín hiệu từ xa.

Kiểu tấn công này không chỉ gây ra tổn hại về thể chất mà còn là đòn tâm lý, cho thấy ngay cả các thiết bị liên lạc cá nhân cũng có thể biến thành vũ khí chết người.

Hậu quả to lớn

Mặc dù những vụ nổ bộ đàm này được thiết kế để nhắm vào các thành viên Hezbollah, tác động lan tỏa lên dân thường là rất đáng kể.

Cụ thể, những người qua đường vô tội cũng bị ảnh hưởng từ vụ nổ, dẫn đến tử vong và thương tích. Hơn nữa, tác động tâm lý lên dân chúng là rất lớn. Hiện tại, sự ám ảnh đang bao trùm lên cả Lebanon, khi mọi người hiện cảnh giác ngay cả với các công cụ giao tiếp cơ bản, tạo ra một môi trường sợ hãi và ngờ vực.

Hơn nữa, vụ nổ của những thiết bị như vậy có thể dẫn đến sự gián đoạn trong cuộc sống hàng ngày, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, dịch vụ khẩn cấp và thậm chí cả các hoạt động viện trợ quốc tế vốn dựa nhiều vào bộ đàm để phối hợp.

 Sự ám ảnh đang bao trùm lên cả Lebanon, khi mọi người hiện cảnh giác ngay cả với các công cụ giao tiếp cơ bản, tạo ra một môi trường sợ hãi và ngờ vực. Ảnh: Imago.

Sự ám ảnh đang bao trùm lên cả Lebanon, khi mọi người hiện cảnh giác ngay cả với các công cụ giao tiếp cơ bản, tạo ra một môi trường sợ hãi và ngờ vực. Ảnh: Imago.

Tại Lebanon, nơi tình hình chính trị và an ninh vốn đã bất ổn từ lâu, những sự cố này càng tạo thêm sự khó khăn chồng chất.

Việc bộ đàm phát nổ hàng loạt là lời nhắc nhở nghiêm túc về bản chất đang phát triển của chiến sự tại Dải Gaza và rủi ro tiềm ẩn của việc sử dụng công nghệ ngày càng tăng trong các cuộc xung đột.

Những thiết bị từng là công cụ giao tiếp cơ bản hiện đều có thể bị vũ khí hóa trong một cuộc đấu tranh địa chính trị rộng lớn hơn, với những tác động sâu rộng đến cả cuộc sống quân sự và dân sự.

Mặc dù những sự cố này chủ yếu xảy ra ở Lebanon, mối đe dọa có thể dễ dàng lan sang các khu vực khác trên thế giới.

Trong bối cảnh các chính phủ và tổ chức vật lộn với thách thức an ninh mới này, một điều rõ ràng có thể nhận thấy là ranh giới giữa công nghệ dân sự và quân sự đang ngày càng trở nên mờ nhạt.

Mỹ và các bên trung gian hòa giải trong khu vực hy vọng một lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza sẽ giúp xoa dịu căng thẳng ở biên giới Israel - Lebanon, cho phép người Israel trở về nhà mà không có thêm xung đột.

Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza dường như là viễn cảnh xa vời, trong khi mặt trận Lebanon lại nóng hơn bao giờ hết.

Anh Tuấn

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-hang-nghin-may-bo-dam-phat-no-hang-loat-o-lebanon-post1499026.html