Vì sao hàng Việt vẫn khó thâm nhập sâu thị trường ASEAN?
Mặc dù một số ngành, sản phẩm Việt Nam đủ tốt, chất lượng chấp nhận được và giá cả hợp lý, thế nhưng vẫn còn khó khăn để thâm nhập sâu vào thị trường gần như ASEAN. Nhìn từ việc Campuchia kéo giảm được thâm hụt thương mại với Việt Nam để thấy việc gia tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt là rất quan trọng trong lúc này.
Theo dự kiến vào thượng tuần tháng 6/2023, Bộ Công Thương sẽ tổ chức Diễn đàn thương mại Việt Nam - Campuchia năm 2023 tại Phnom Pênh (Campuchia).
Thấy gì từ Campuchia?
Sự kiện này quy tụ các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu của Việt Nam và Campuchia nhằm kết nối, giới thiệu các mặt hàng xuất khẩu (XK) chủ lực. Nhất là tạo điều kiện cho DN Việt có cơ hội tiếp xúc, trao đổi, tìm kiếm các đối tác tiềm năng và xây dựng quan hệ hợp tác kinh doanh nhằm thúc đẩy XK hàng Việt Nam sang Campuchia.
Các đối tác Thái Lan vẫn còn không ít băn khoăn khi tìm kiếm những mặt hàng nông sản thực phẩm Việt phù hợp để phân phối ở thị trường này.
Mục tiêu của Diễn đàn còn nhằm nắm bắt những khó khăn của các DN Việt trong các hoạt động thương mại tại thị trường Campuchia, từ đó nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy tăng trưởng XK.
Thông tin trên tờ Phnom Penh Post (của Campuchia) vào tháng 5/2023 cho thấy, XK của Campuchia sang Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2023 đạt 1,181 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2022 (đạt 977,270 triệu USD). Trong khi đó, nước này nhập khẩu từ Việt Nam 1,249 tỷ USD, giảm 5,8% (cùng kỳ năm 2022 đạt 1,325 tỷ USD).
Cũng theo Phnom Penh Post, thâm hụt thương mại của Vương quốc Campuchia với Việt Nam ở mức 67,524 triệu USD, giảm 80,60% so với 347,995 triệu USD trong cùng kỳ năm 2022. Việt Nam chiếm 16,03% kim ngạch thương mại quốc tế của Campuchia trong 4 tháng đầu năm 2023.
Về việc gia tăng XK của Campuchia vào Việt Nam từ đầu năm đến nay, như lý giải của Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Campuchia (CCC) Lim Heng, đó là nhờ hưởng lợi từ các hiệp định thương mại song phương và đa phương được chia sẻ giữa hai quốc gia láng giềng - có chung biên giới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mà Campuchia và Việt Nam đều là thành viên.
Các mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam vào Campuchia trong thời gian qua có thể kể đến thép và vật liệu xây dựng, dầu, trái cây và rau quả, phân bón và máy móc nông nghiệp.
Tuy nhiên, có một số mặt hàng trong số này đã sụt giảm đáng kể. Đơn cử như XK thép sang Campuchia trong 4 tháng đầu năm 2023 đạt sản lượng 388.704 tấn với kim ngạch 274 triệu USD, lần lượt giảm 17% và 30% so với cùng kỳ năm 2022. Hoặc như XK phân bón của Việt Nam trong tháng 4/2023 vào Campuchia đã giảm 16%.
Không chỉ sụt giảm kim ngạch XK vào Campuchia, tình trạng này còn gặp ở những thị trường khác trong ASEAN. Như XK phân bón của Việt Nam trong tháng 4/2023 đã giảm ở mức trên 50% ở các thị trường như: Myanmar (giảm 61%), Malaysia (giảm 70%), Philippines (giảm 89%) và Thái Lan (giảm tới 94%).
Phải gia tăng sức cạnh tranh
Hoặc như kim ngạch XK thép hồi quý 1/2023 đã sụt giảm 25,19% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, cần lưu ý thị trường XK chủ yếu của Việt Nam trong quý này là khu vực ASEAN (chiếm 40,97%).
Theo Vụ Thị trường châu Á - Châu Phi (Bộ Công Thương), ASEAN là thị trường XK lớn thứ 4 của Việt Nam. Trong quan hệ thương mại với khu vực thị trường ASEAN, Việt Nam có nhiều lợi thế như khoảng cách địa lý gần gũi, thị hiếu, văn hóa có nhiều điểm tương đồng. Hơn nữa, trong ASEAN có Hiệp định Thương mại hàng hóa (ATIGA), giữa Việt Nam và một số nước thành viên ASEAN có các thỏa thuận song phương tạo thuận lợi cho thương mại.
Tuy nhiên, dù có lợi thế về thị trường gần như vậy với nhiều tiềm năng và dư địa cho các sản phẩm XK thế mạnh của Việt Nam, thế nhưng để các mặt hàng Việt thâm nhập sâu hơn vào ASEAN thì vẫn không hề dễ dàng.
Như việc thâm nhập vào thị trường Thái Lan, ông Nguyễn Thành Huy, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, đã đặt vấn đề vì sao hàng Việt Nam chưa chiếm lĩnh được thị trường này dù một số ngành, sản phẩm Việt Nam đủ tốt, chất lượng chấp nhận được và giá cạnh tranh?
Liên hệ đến mặt hàng nông sản thực phẩm Việt, ông Huy cho rằng, đó là do chúng ta kể chuyện chưa hay, thậm chí không hề kể câu chuyện về sản phẩm đến với người tiêu dùng Thái.
“Việt Nam có nhiều đặc sản vùng miền, trong đó có không ít sản phẩm có chỉ dẫn địa lý được thế giới công nhận, do đó trong việc truyền thông, giới thiệu sản phẩm của mình cần lan tỏa được câu chuyện về sản phẩm, con người, vùng đất cho khách hàng rõ, bán cho ai, bán như thế nào…”, ông Huy nhấn mạnh.
Theo ông Huy, trong thời gian tới, các DN Việt Nam cần tận dụng các sản phẩm của chính mình, kể những câu chuyện về những vùng nguyên liệu quý của mỗi DN. Để qua đó sẽ tạo ra những dấu ấn riêng cho các sản phẩm Việt, và nhằm tận dụng để thâm nhập thị trường ngách, tạo ra một bản sắc riêng để có thể ghi dấu ấn cho các sản phẩm Việt Nam trên thị trường Thái Lan.
Còn đứng ở góc độ của một DN trong ngành thực phẩm Việt đã đưa được sản phẩm bánh mì, bánh ngọt vào các khách sạn 5 sao ở Singapore, trao đổi với VnBusiness, ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc CTCP Bánh kẹo Á Châu, nhấn mạnh điều quan trọng là các DN Việt cần luôn ở tâm thế sẵn sàng khi có đối tác trong khu vực đặt hàng.
Chính từ sự sẵn sàng mà hiện nay cứ mỗi tháng, công ty của ông Lực XK đều đặn 4 - 5 container/40 feet (7-8 tấn bánh/container) vào Singapore. Trong khi đó, không phải DN Việt nào trong mảng sản xuất bánh mì, bánh ngọt cũng có thể làm được như vậy với thị trường trong khu vực khi còn nhiều mặt hạn chế về thương hiệu, nhân công, máy móc, công nghệ, năng lực chế biến sâu…
Nói chung, để thúc đẩy XK và thâm nhập sâu vào thị trường ASEAN đang đòi hỏi các DN Việt còn phải cải thiện nhiều mặt. Nhìn từ việc kéo giảm thâm hụt thương mại của Campuchia với Việt Nam để cho thấy việc gia tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt là rất quan trọng trong lúc này. Nhất là các DN Việt cần nắm bắt được thị hiếu, sở thích, xu hướng mới trong khu vực nhằm làm mới khâu chế biến thì mới đáp ứng được nhu cầu, thu hút được sự ưa chuộng của người tiêu dùng.