Vì sao hành khách chưa mặn mà với xe buýt ?
Thống kê mới nhất của Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho thấy, hiện khối lượng vận tải hành khách công cộng chỉ mới đáp ứng được 9,2% nhu cầu về giao thông đô thị, đạt khoảng 50% chỉ tiêu so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 10 đề ra: đến năm 2020 khối lượng vận tải hành khách công cộng phải đáp ứng được từ 15% đến 20% nhu cầu giao thông đô thị.
Theo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng - Sở Giao thông vận tải thành phố: Hiện thành phố có 137 tuyến xe buýt, trong đó có 99 tuyến xe buýt được trợ giá và 38 tuyến xe buýt không trợ giá. 137 tuyến xe buýt với 2.322 phương tiện tham gia hoạt động hầu hết đều cũ kỹ với nhiên liệu sử dụng là dầu đi-ê-den. Điều đáng nói với hơn hai nghìn phương tiện đang lăn bánh thì tổng số phương tiện có niên hạn sử dụng đã hơn 10 năm chiếm 33%, đây cũng là lý do khiến phương tiện xe buýt thành phố không đáp ứng được điều kiện về độ an toàn, yếu tố bảo vệ môi trường và tạo sự thân thiện với hành khách.
Ông Nguyễn Văn An, một hành khách hay đi tuyến xe buýt liên tỉnh số 150 từ Sài Gòn đi Biên Hòa lắc đầu: “Hầu hết xe chạy tuyến này không có máy điều hòa không khí, bên trong rất cũ kỹ, nên hành khách đi xe không thấy thoải mái. Những lúc bác tài nhấn còi, âm thanh phát ra inh ỏi ai cũng ngán ngẩm...”. Cũng theo nhiều hành khách đi xe buýt, họ chọn sử dụng xe buýt do giá vé rẻ vì được trợ giá (năm nghìn đến mười nghìn đồng/vé tùy cự ly), phù hợp đi các tuyến đường có cự ly xa, các tuyến liên tỉnh. Tuy nhiên, điều làm hành khách còn e ngại khi chọn phương tiện xe buýt là thái độ phục vụ của nhân viên soát vé và lái xe thiếu thân thiện, tác phong chưa văn minh; thời gian đón, trả khách còn trễ, lộ trình di chuyển còn khá chậm không bảo đảm giờ giấc nhất là giờ cao điểm, đó là chưa kể nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra do lái xe phóng nhanh vượt ẩu...
Phân tích nguyên nhân khiến lượng hành khách đi xe buýt sụt giảm mạnh thời gian qua, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng nhìn nhận: ngoài nguyên nhân yếu kém xuất phát từ công tác quản lý điều hành cũng như thái độ của đội ngũ tiếp viên, lái xe chưa chuẩn mực thì trong năm qua số lượng tuyến xe buýt có trợ giá giảm vì một số Hợp tác xã vận tải gặp khó khăn về tài chính, một số tuyến xe buýt có phương tiện hoạt động cũ, không bảo đảm số chuyến hoạt động theo kế hoạch.
Cụ thể, trong năm 2019 giảm sáu tuyến xe buýt có trợ giá so cùng kỳ năm 2018 (giảm khoảng 1,25 triệu lượt khách, tương ứng giảm 1,3%). Phó Chủ nhiệm HTX Vận tải Quyết Thắng Tống Thị Thu Thanh cho biết: Hiện đơn vị đang quản lý 168 đầu xe buýt nhưng gặp khó khăn về tài chính, nên phải giảm tuyến, giảm chuyến mà càng cắt giảm thì càng mất khách. Khó khăn của HTX Vận tải Quyết Thắng cũng là tình trạng mà không ít HTX vận tải trên địa bàn thành phố đang đối mặt: vì chi phí thu về không đủ để vận hành, nên phải bỏ tuyến, giảm chuyến, rút thời gian hoạt động hay hoạt động cầm chừng. Có tuyến còn có nguy cơ ngưng hoạt động.
Cùng với đó, Sở Giao thông vận tải nhận định một số nguyên nhân khách quan khiến hành khách “quay lưng” với xe buýt là thực trạng ùn tắc giao thông đã gây ra việc chậm trễ đón, trả khách của nhiều tuyến xe buýt. Cụ thể,trong chín tháng đầu năm 2019, có 333 nghìn chuyến xe buýt chậm hơn 15 phút do ảnh hưởng của các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông (28 điểm) trên địa bàn thành phố, từ đó ảnh hưởng đến biểu đồ, phá vỡ thời gian, chuyến đi kéo dài. Ngoài ra, bến bãi xe buýt vừa thiếu, vừa phân bố không đồng đều giữa các khu vực quận, huyện đã dẫn đến khó khăn trong việc bố trí hệ thống mạng lưới tuyến xe buýt, tăng tỷ lệ trùng lặp các tuyến xe buýt dẫn đến chưa đạt hiệu quả mong muốn...
Để giải bài toán khối lượng vận tải hành khách công cộng sụt giảm mạnh, chủ yếu là lượng hành khách đi xe buýt, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Trần Quang Lâm cho biết: Sở đang triển khai thực hiện các dự án xây dựng cổng thông tin tích hợp cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và dự án Triển khai ứng dụng cung cấp thông tin vận tải hành khách công cộng trên thiết bị di động để vừa quản lý xe buýt tại các điểm đầu, cuối tuyến vừa cung cấp thông tin cho hành khách tại các trạm dừng, nhà chờ, điểm trung chuyển. Trong thời gian qua, Sở Giao thông vận tải chỉ đạo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt có trợ giá số 43, 44, 89 để kết nối với tuyến buýt đường thủy số 1 nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hành khách di chuyển và tiếp cận thuận lợi; đồng thời tổ chức các tuyến xe buýt kết nối với trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khu dân cư, khu hành chính và khu đô thị mới vào mạng lưới xe buýt chung của thành phố.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả phục vụ hành khách, hướng đến yếu tố cạnh tranh, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng sẽ triển khai phương án tổ chức lại các HTX vận tải hướng đến mô hình quản lý tập trung, tiến đến giảm bớt và hình thành các đầu mối vận tải có năng lực. Đồng thời xây dựng cơ chế chính sách thu hút các doanh nghiệp vận tải lớn tham gia vào hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhấn mạnh: Lãnh đạo thành phố luôn xác định phát triển xe buýt và phương tiện vận tải khối lượng lớn là nhiệm vụ rất quan trọng. Vì vậy trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục rà soát lại chính sách trợ giá, xã hội hóa đầu tư, đổi mới phương tiện, thực hiện phê duyệt kế hoạch sử dụng đất, ưu tiên đất dành cho phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng. Bên cạnh đó, thành phố cũng quyết liệt thực hiện giải pháp kiểm soát xe cá nhân lưu thông để hướng người dân đến việc lựa chọn và sử dụng phương tiện giao thông công cộng...