Hơn 1.000 khối uranium đã được trùm phát xít Hitler và chính quyền Đức quốc xã dùng trong chương trình hạt nhân. Sau khi Thế chiến 2 kết thúc, Mỹ đã tìm thấy nhiều khối uranium và đưa về nước để các nhà khoa học nghiên cứu. Trong số này, một khối uranium đã được chuyển đến Đại học Maryland vào năm 2013.
Nhà nghiên cứu Timothy Koeth là một trong những chuyên gia tham gia quá trình "mổ xẻ" khối uranium cũng như giải mã chương trình hạt nhân dưới thời Hitler. Theo kết quả nghiên cứu của ông Timothy và các đồng nghiệp được công bố trên ấn phẩm tháng 5/2019 của tạp chí Physics Today, Đức quốc xã có thể đã thực sự tạo ra được một lò phản ứng hạt nhân trong Chiến tranh thế giới 2.
Nhà nghiên cứu Timothy cho hay trong giai đoạn cuối Thế chiến 2, các nhà khoa học phát xít Đức đã cố gắng xây dựng ít nhất 2 lò phản ứng hạt nhân. Trong đó, một lò ứng phản ứng hạt nhân mang mật danh B-VIII ở Berlin. Về sau, cơ sở được chuyển tới thị trấn nhỏ Haigerloch.
Phòng thí nghiệm của Đức quốc xã nằm bên dưới một nhà thờ ở thị trấn Haigerloch. Trước kia, đó là một hầm bia và khoai tây. Ngày nay, di tích của cơ sở dưới lòng đất này được gọi là Bảo tàng Atomkeller.
Lò phản ứng B-VIII của Đức quốc xã dùng 664 khối uranium. Chúng được xâu chuỗi lại, lơ lửng với nhau. Trong đó các nguyên tử hydro của nước được thay thế bằng deuterium. Lò phản ứng thứ hai có quy mô nhỏ hơn và chỉ sử dụng khoảng 400 khối uranium trong lõi.
Các khối uranium được đặt ở lõi của lò phản ứng và bên ngoài là lớp vỏ than chì bọc kim loại. Lớp vỏ này về sau được xác định là nằm bên trong một bể nước lớn bằng bê tông.
Ở trung tâm của mạng lưới khối uranium hình hộp là một nguồn phóng xạ neutron. Khi hạt neutron bắn phá các nguyên tử urani-235 trong khối hộp, các nguyên tử sẽ phân tách, phóng ra năng lượng khổng lồ và lượng neutron nhiều gấp 3 lần.
Lượng neutron được sản sinh sau đó sẽ phân tách và tiếp tục bắn phá thêm nhiều nguyên tử urani. Cứ như vậy, một phản ứng dây chuyền diễn ra. Phản ứng hạt nhân này tạo ra năng lượng lớn gấp nhiều triệu lần bất cứ phản ứng hóa học nào khác. Năng lượng từ chuỗi phản ứng hạt nhân có thể được sử dụng để biến nước thành hơi, làm chạy turbin và sản xuất ra điện.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, nếu Đức quốc xã tập hợp được nguồn lực và có thêm thời gian thì chương trình hạt nhân của Hitler có thể làm "đảo lộn" cục diện thế giới. May mắn là chương trình hạt nhân của Hitler "phá sản" khi lực lượng Đồng minh đã triển khai những chiến dịch phá hoại như cho nổ tung cơ sở sản xuất nước nặng của Đức quốc xã bên trong Nhà máy thủy điện Vemork ở Telemark, Na Uy vào năm 1943.
Trong khi lực lượng Đồng minh tìm được khoảng 600 khối uranium tại Heisenberg, số phận của 400 khối uranium tại lò phản ứng hạt nhân thứ 2 của Đức là một ẩn số. Vậy nên, các nhà điều tra, giới nghiên cứu đã và đang nỗ lực tìm kiếm các khối uranium "thất lạc" của Hitler.
Mời độc giả xem video: Nga duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng phát xít.
Tâm Anh (TH)